Với một bản báo cáo tài chính quý I.2018 dài 9 trang, không có phần thuyết minh báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cho thấy phần nào sự bất ổn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng này.
Nợ phải thu gần gấp đôi vốn điều lệ
Mặc dù, lợi nhuận trước thuế của quý I.2018 đạt 13,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng các khoản phải thu lại tăng lên hơn 7.488 tỷ đồng, chỉ trong 3 tháng tăng hơn 300 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Con số này cao hơn gần gấp đôi vốn điều lệ của ngân hàng này. Hiện vốn điều lệ của ngân hàng này là 3.010 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu là 3.226 tỷ đồng.
Trong quý I.2018, tăng trưởng tín dụng của NCB đạt 3,7%, tuy nhiên tiền gửi khách hàng lại sụt giảm so với cuối năm 2017. Cụ thể, tính đến 31.12.2017, tiền gửi của khách hàng là 45.788 tỷ đồng, nhưng đến hết ngày 31.3.2018 tăng trưởng tín dụng giảm xuống còn 43.591 tỷ đồng, giảm hơn 2.197 tỷ đồng.
Nợ phải thu của NCB cao gần gấp đôi vốn điều lệ ngân hàng này (Ảnh: NCB)
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018 vừa diễn ra chiều qua, ngày 26.4, HĐQT NCB đặt kế hoạch dự kiến năm 2018 đạt 327 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và 35 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng nhẹ so với thực hiện năm 2017. Theo ban lãnh đạo NCB, ngân hàng này sẽ ưu tiên trích lập dự phòng rủi ro để xử lý dứt điểm các tồn đọng. Năm 2017, toàn bộ lợi nhuận sau thuế của NCB cũng được dùng để trích bổ sung chi phí theo đề án tái cơ cấu.
Tuy vậy, tại báo cáo tài chính quý I.2018 của NCB đã không thấy khoản chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Do không có thuyết minh báo cáo tài chính nên không rõ trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng này tính đến ngày 31.3.2018 là bao nhiêu.
Theo báo cáo tài chính năm 2017, NCB đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là 228 tỷ đồng, trong khi khoản phải thu lên tới 7.163 tỷ đồng. Nếu trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, có thể NCB sẽ bị âm vốn chủ sở hữu gần gấp đôi.
Kế hoạch phát hành tăng vốn có khả thi?
Cũng tại đại hội, NCB đã trình và được thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 2.000 tỷ đồng và tiếp tục tăng vốn sau đó thông qua phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Cụ thể, NCB dự kiến phát hành gần 14,9 triệu cổ phần, tương đương 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho CBCNV theo chương trình lựa chọn dành cho người lao động (ESOP). Đồng thời, ngân hàng này sẽ phát hành hơn 184 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:62 (100 cổ phiếu đang sở hữu được quyền mua thêm 62 cổ phiếu mới). Mức giá chào bán dự kiến với hai phương án tăng vốn này đều là 10.000 đồng.
Ban lãnh đạo nhà băng này kỳ vọng đến thời điểm phát hành, giá cổ phiếu NCB trên thị trường sẽ vượt mệnh giá. Nhiều nhà đầu tư đang đánh giá thấp giá trị cổ phiếu của NCB, với triển vọng tích cực từ hoạt động tái cơ cấu, cộng hưởng với đà tăng của ngành ngân hàng, thị giá cổ phiếu NCB chắc chắn sẽ còn cao hơn.
Ông Lê Xuân Nghĩa thành viên HĐQT độc lập, đánh giá NCB là cổ phiếu cô đặc với thanh khoản thấp nhưng chưa nhận được sự chú ý từ nhà đầu tư. Theo ông Nghĩa, khi tình hình hoạt động của ngân hàng này trở nên tích cực và việc đàm phán bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược được thông qua, cổ phiếu NCB sẽ thu hút được sự quan tâm.
Còn kế hoạch chào bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài, theo Tổng giám đốc Lê Hồng Phương, đã có một số nhà đầu tư là các định chế tài chính thể hiện sự quan tâm và tìm hiểu hoạt động của NCB. Trong đó, nhà băng này hiện cũng đang làm việc với một đơn vị tư vấn từ Mỹ để xúc tiến việc thức hiện.
Hiện vẫn chưa có phương án cuối cùng được chốt, tuy nhiên NCB sẽ sử dụng biện pháp đấu giá trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư tham gia.
“NCB có thể chào bán cho 2 đến 3 nhà đầu tư với sở hữu tối đa 10% mỗi nhà đầu tư, hoặc có thể bán cho một nhà đầu tư với sở hữu 20%”, Chủ tịch NCB chia sẻ.
Tuy nhiên, hiện tại, cổ phiếu NVB của ngân hàng này hiện đang dưới mệnh giá. Chốt phiên giao dịch ngày 26.4, cổ phiếu NCB có giá 9.500 đồng/cổ phiếu. Câu hỏi đặt ra, với một ngân hàng mà tính minh bạch còn là dấu hỏi liệu việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông với giá 10.000 đồng để tăng vốn và bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài liệu có khả thi?
Cần phải nói rằng, hiện hầu hết các ngân hàng đang có kế hoạch tăng vốn và bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng đến nay mới có Techcombank là chốt được, còn HDBank, VPBank… tìm kiếm mấy năm nay vẫn chưa thực hiện được.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) tiền thân là Navibank của ông Đặng Thành Tâm và Tập đoàn Gami. Theo báo cáo quản trị năm 2017 của NCB cho thấy, gia đình Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) NCB và cũng là chồng bà Trần Hải Anh - Thành viên HĐQT nắm giữ hơn 12,5 triệu cổ phiếu Ngân hàng (đều thuộc sở hữu cá nhân bà Hải Anh), tương đương 4,15% vốn cổ phiếu NVB. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Nam cũng sở hữu cá nhân 10.300 cổ phiếu NCB (0,0034%), em gái Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Mai nắm trên 6,77 triệu cổ phần (2,25%). Trong cơ cấu cổ đông của NCB, cổ đông là tổ chức sở hữu 25% vốn điều lệ NCB, tuy nhiên, hiện mới thấy thể hiện CTCP Năng lượng Sài Gòn – Bình Định với tỷ lệ sở hữu là 9,9%. Chưa rõ Tập đoàn Gami có sở hữu cổ phần nào của ngân hàng này không. Được biết, thời điểm gia đình ông Đặng Thành Tâm bán cổ phần cho Dũng Gami, nhóm cổ đông này đang sở hữu trên 11,11%. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.