Nơi 9 nước đến đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam

Ngọc Vũ Thứ ba, ngày 06/06/2023 11:00 AM (GMT+7)
Sáng 6/6, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ tổ chức hội thảo khoa học cấp Bộ “Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
Bình luận 0

Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu Trung ương và nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là các Đại sứ quán, Lãnh sự quán các nước đã trình Quốc thư tại Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

50 năm ra mắt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam - Ảnh 1.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định vai trò to lớn của trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ. Ảnh: Ngọc Vũ.

Hội thảo là hoạt động quan trọng kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ, Quảng Trị (6/6/2023 - 6/6/2023) và hướng tới kỷ niệm 50 năm chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (9/1973 - 9/2023). Đây cũng là lần đầu tiên có một hội thảo riêng về vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được tổ chức ở quy mô cấp Bộ.

50 năm ra mắt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam - Ảnh 2.

50 năm trước, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã có chuyến thăm lịch sử đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (9/1973 - 9/2023). Ảnh: Ngọc Vũ chụp lại.

Cách đây nửa thế kỷ, sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng (1/5/1972), đặc biệt là sau khi Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/1/1973), với vị trí quan trọng về nhiều mặt; đồng thời đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp kháng chiến, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã chọn vùng đất thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị làm nơi đặt trụ sở làm việc.

50 năm ra mắt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam - Ảnh 3.

Hội thảo khoa học cấp Bộ “Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, lịch sử. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ngày 6/6/1973, trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động.

Tại đây đã diễn ra trọng thể lễ trình Quốc thư của Đại sứ 9 nước đến đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, gồm: Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Lào, Campuchia, Cộng hoà Dân chủ Đức, Ba Lan, Hunggari và Angiêri.

50 năm ra mắt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam - Ảnh 4.

Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ.

Tại đây, đã có 45 đoàn khách quốc tế, 109 đoàn khách Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước; báo chí trong và ngoài nước đã đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị, làm việc với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và vùng giải phóng Quảng Trị.

Với sự chủ động, tích cực trong hoạt động đối ngoại của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong những năm 1973 – 1975, chúng ta đã xây dựng được một mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ Việt Nam – là đòn tiến công chính trị mạnh mẽ phối hợp với tiến công quân sự và đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm ra mắt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam - Ảnh 5.

Tại trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao có ý nghĩa to lớn trong cách mạng giải phóng dân tộc. Ảnh: Ngọc Vũ chụp lại.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được bàn giao cho cơ quan dân sự quản lý. Với giá trị lịch sử cách mạng và văn hóa to lớn của khu di tích, sau khi tái lập tỉnh (1989), tỉnh Quảng Trị đã xây dựng hồ sơ trình các cơ quan có thẩm quyền và được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 154/QĐ-VH ngày 25/1/1991.

50 năm ra mắt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam - Ảnh 6.

Tại trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, đại sự nhiều nước đã trình quốc thư đến đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Ảnh: Ngọc Vũ.

Tại hội thảo, ban tổ chức nhận được hơn 40 tham luận của các nhân chứng lịch sử và các nhà khoa học. Thông qua hội thảo nhằm khẳng định giá trị lịch sử của khu di tích, làm rõ vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, ý chí kiên cường của dân tộc đối với các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ; đồng thời, cung cấp những cơ sở lý luận và thực tiễn phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; khơi dậy và phát huy sức mạnh nội sinh để xây dựng đất nước và tỉnh Quảng Trị ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.

50 năm ra mắt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam - Ảnh 7.

Tham dự hội thảo khoa học cấp Bộ “Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thế hệ trẻ được hiểu thêm về lịch sự hào hùng của dân tộc ta. Ảnh: Ngọc Vũ.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, khu di tích trụ sở làm việc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị là biểu tượng sáng ngời về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước như nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã khẳng định: "Năm tháng và cát bụi có thể làm mờ dấu chân của những người làm nên lịch sử, nhưng những giá trị thiêng liêng của lịch sử nhân văn vì tự do độc lập của dân tộc sẽ trường tồn cùng nhân loại".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem