Nỗi ám ảnh vàng đen titan: Hồi sinh những vùng đất xác xơ (kỳ cuối)

Dũ Tuấn Chủ nhật, ngày 27/10/2019 05:57 AM (GMT+7)
Sau thời kỳ khai thác titan rầm rộ, chính quyền tỉnh Bình Định đã vào cuộc quyết liệt yêu cầu doanh nghiệp hoàn thổ, trồng rừng sau khai thác. Trước những hậu quả mà người dân đã gánh chịu nhiều năm liền, tỉnh này đã có chủ trương không xem xét cấp mới giấy phép khai thác sa khoáng titan trên địa bàn tỉnh.
Bình luận 0

Giấy phép tỉnh cấp hết hạn, Bộ vẫn còn  

Vùng đất Phù Mỹ, Phù Cát của Bình Định từng là đại công trường của việc khai thác titan. Nhiều năm qua, trên địa bàn đã có hàng chục doanh nghiệp được tỉnh và Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) cấp phép, trong số đó nhiều công ty vẫn còn hạn khai thác. 

Theo Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định Huỳnh Quang Vinh, trước đây UBND tỉnh đã cấp phép khai thác titan cho 14 doanh nghiệp khai thác tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với tổng diện tích 485,83ha, hiện nay tất cả giấy phép do UBND tỉnh cấp đã hết hạn (cuối năm 2013) và các doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động khai thác.

img

Nhiều nơi ở xã ven biển Phù Mỹ từng bị sa mạc hóa bởi hoạt động khai thác titan trước đây. Ảnh: Tư liệu

Trên địa bàn huyện Phù Mỹ, Bộ TNMT cấp 4 giấy phép khai thác titan cho 4 doanh nghiệp với tổng diện tích 776,67ha, trong đó giấy phép còn hiệu lực của Công ty TNHH TM Ánh Vy (giấy phép số 1562/GP-BTNMT ngày 07/8/2008, thời hạn 13,5 năm, diện tích 173,26ha tại xã Mỹ Thành), Công ty CP Khoáng sản Biotan (giấy phép khai thác số 422/GP-BTNMT ngày 11/3/2009, thời hạn 14 năm, diện tích 179,92ha tại xã Mỹ Thành). 

Ngoài ra còn có Công ty TNHH Phú Hiệp (giấy phép khai thác số 1159/GP-BTNMT ngày 2/6/2008, thời hạn 15 năm, diện tích 242,8ha tại xã Mỹ Thành) và 1 doanh nghiệp đã cấp phép nhưng chưa hoạt động là Công ty CP Khoáng sản và Thương mại Bình Định (giấy phép khai thác số 702/GP-BTNMT ngày 19/4/2011, thời hạn 14 năm, diện tích 180,69ha tại xã Mỹ An).

Trên địa bàn huyện Phù Cát, Bộ TNMT cấp 3 giấy phép khai thác, tuy nhiên hiện nay 2 giấy phép đã hết hạn, đang lập thủ tục đóng cửa mỏ (Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định 2 giấy phép tại xã Cát Thành, đang khai thác 1 mỏ với diện tích 150ha theo giấy phép số 418/GP-BTNMT ngày 10/3/2011 và 1 giấy phép đã hết hạn, đang lập thủ tục đóng cửa mỏ với diện tích 73ha), Công ty TNHH Phú Hiệp hiện giấy phép đã hết hạn và đề nghị Bộ TNMT cho phép đóng cửa mỏ với diện tích 129,61ha.

“Mọi hoạt động kinh tế đều có tác động đến môi trường và hoạt động  khai thác titan cũng vậy. Người dân lo sợ khai thác titan sẽ mất rừng trồng, gây hiện tượng cát bay, sa mạc hóa, ảnh hưởng nguồn nước ngầm, xuống cấp hạ tầng nông thôn. Vấn đề này cũng đã xác định ngay từ khi lập dự án, đã được đánh giá trong hồ sơ môi trường và yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp khắc phục”, ông Vinh cho hay. 

Theo ông Huỳnh Quang Vinh, Sở TNMT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 39/QĐ-UBND ngày 29/01/2010 quy định về khai thác titan. 

img

img

Hiện nay, hố sâu, khoảnh đất bị đào bớt vẫn còn sót lại ở vùng khai thác titan xã Mỹ Thành.

Vị trí các dự án khai thác titan đều đảm bảo khoảng cách an toàn đến khu dân cư, những vùng rừng phi lao thưa, ít tuổi hoặc đất trống không có rừng, khả năng phòng hộ ven biển, chống cát bay thấp mới xem xét cấp phép. Đối với những gần khu dân cư, gần bờ biển hay rừng phòng hộ lâu năm, UBND tỉnh không xem xét cấp phép.

Ngoài thực hiện theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định của UBND tỉnh, phải đảm bảo khoảng cách an toàn đối với khu dân cư, các công trình hạ tầng, dân sinh và bờ biển, phải hoàn thổ, phục hồi môi trường theo cuốn chiếu (khai thác 10ha xong, hoàn thổ phục hồi môi trường mới cho khai thác tiếp). 

“Đặc biệt, việc khai thác tài nguyên nước được sử dụng nước ngầm tại chỗ theo phương pháp tuần hoàn (không sử dụng hóa chất và nước biển để tuyển quặng), không có ảnh hưởng nước sinh hoạt của dân. Qua đó, hạn chế ảnh hưởng môi trường, sa mạc hóa, dân sinh”, ông Vinh khẳng định.

Đối với việc khắc phục xuống cấp hạ tầng giao thông, lãnh đạo Sở TNMT đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 104/QĐ-UBND ngày 04/3/2010 quy định mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng trong khai thác titan, mục đích trích một phần lợi nhuận từ khai thác titan để đầu tư hạ tầng, công trình phúc lợi phục vụ dân sinh tại địa phương nơi có mỏ.

Cải tạo vùng titan

Nêu quan điểm về thái độ của doanh nghiệp trong việc thực hiện hoàn thổ hiện trường, trồng lại rừng sau khai thác titan, ông Huỳnh Quang Vinh cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp nghiêm túc trong việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, kết thúc khai thác hoàn thổ, phục hồi môi trường theo quy định. 

Thế nhưng, vẫn còn có doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, thiếu nghiêm túc trong việc phục hồi môi trường sau khai thác, điều này đã gây ảnh hưởng chung đến các doanh nghiệp khác. Đối với các doanh nghiệp này, Sở TNMT không xem xét, giải quyết các hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh và tịch thu tiền ký quỹ của doanh nghiệp để thực hiện việc trồng rừng, phục hồi môi trường.

Với các doanh nghiệp do UBND tỉnh cấp phép tổng diện tích là 485,83ha, tổng diện tích đã khai thác 375,88ha, diện tích đã san gạt, hoàn thổ 284ha, đã trồng rừng 205,51ha, phần lớn diện tích các khu vực này đã được UBND tỉnh quy hoạch thành khu vực nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 464 ha (trong đó một số diện tích 150ha đã giao đất cho nhà đầu tư xây dựng dự án). 

img

Nhiều doanh nghiệp hoàn thổ, trồng rừng sau khi khai thác titan.

Riêng dự án khai thác titan thuộc quy hoạch nuôi tôm, UBND tỉnh chỉ đạo không phải hoàn thổ, trồng rừng, tiền ký quỹ cải tạo môi trường của doanh nghiệp nộp ngân sách tỉnh, các doanh nghiệp đã hoàn thổ nhưng chưa trồng rừng thì không phải trồng rừng mà nộp kinh phí trồng rừng vào ngân sách. 

“Do đó, một số mỏ thuộc quy hoạch nuôi tôm chưa kịp hoàn thổ, trồng rừng thì không phải thực hiện mà phải nộp vào ngân sách của tỉnh các khoản chi phí này”, ông Vinh cho hay.

Cũng theo ông Vinh, các mỏ titan do Bộ TNMT cấp phép 2 mỏ titan tại Phù Cát đã hết hạn và 2 doanh nghiệp đã trồng rừng trên toàn bộ diện tích mỏ là 201,61ha, đang chờ Bộ đóng cửa mỏ. Đối với 3 mỏ titan tại xã Mỹ Thành, 3 doanh nghiệp đã trồng rừng phi lao với diện tích khoảng hơn 200ha (Công ty CP Biotan trồng khoảng 54ha, Công ty TNHH Phú Hiệp trồng khoảng 100ha, Công ty TNHH TM Ánh Vy trồng khoảng 50ha)

“Về nguyên tắc, khai thác xong phải hoàn thổ trồng cây, phục hồi môi trường khu vực khai thác và lập hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định. Trong quá trình quản lý hoạt động khai thác titan, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho khai thác theo quy trình cuốn chiếu (10ha), trồng rừng kịp thời để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Theo định hướng của UBND tỉnh đã quy hoạch khu vực nuôi tôm công nghệ cao hoặc quy hoạch hạ tầng các tuyến giao thông ven biển, các khu dân cư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dọc các xã ven biển”, ông Vinh thông tin.

Không cấp giấy phép mới

Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định Huỳnh Quang Vinh khẳng định: “UBND tỉnh Bình Định đã quy hoạch và chuẩn bị triển khai đường ven biển từ Vĩnh Lợi đến Tam Quan, theo đó vùng ven biển từ Vĩnh Lợi đến Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) quy hoạch Khu đô thị Vĩnh Lợi nên không phải trồng rừng. Đặc biệt, UBND tỉnh đã có chủ trương không xem xét cấp mới giấy phép khai thác sa khoáng titan trên địa bàn tỉnh, dành mặt bằng để phát triển các các dự án khác mang hiệu quả kinh tế, xã hội cao hơn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem