Sau 1 tháng học online: Phụ huynh nghỉ việc không dám đi làm, con thì nghiện game
Nỗi buồn 1 tháng học online: Phụ huynh nghỉ việc chưa dám đi làm, con thành... game thủ
Tào Nga
Thứ ba, ngày 12/10/2021 19:00 PM (GMT+7)
Hơn 1 tháng kể từ ngày bắt đầu năm học mới, các bậc cha mẹ đau đầu nhất với khoản con học online. Từ đây, cũng chứng kiến những chuyện buồn nhiều hơn vui.
Sau 1 tháng học online, có lẽ câu đầu tiên phụ huynh muốn nói nhất là "Mong nhanh hết dịch cho con đến trường đi học". Nhiều học sinh nhanh nhẹn, đáp ứng được việc học online, tiến bộ mỗi ngày thì phụ huynh cảm thấy vô cùng hài lòng. Tuy nhiên, thực tế cũng không ít phụ huynh cảm thấy vật vã, xoay như chong chóng khi con học trực tuyến suốt 1 tháng qua.
Chị Dương Mai Khôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có 2 con đang học lớp 1 và lớp 4 cho biết: "Vợ chồng mình phải đi làm nên để 2 con ở nhà vừa học online vừa trông nhau. Con lớn học buổi sáng đành phải để em xem tivi, buổi chiều 2 chị em chơi với nhau. Trưa bố mẹ tranh thủ về nhà cơm nước cho con".
Mặc dù con nhỏ của chị Mai Khôi học online buổi tối có mẹ kèm cặp nhưng chị cho rằng quá khó khăn: "Con quá nhỏ để tự học. Vào lớp 1 con chưa biết chữ để nhận diện các quyển sách nên mặc dù cô bảo lấy quyển nào, màu nào nhưng không phải lúc nào con cũng tập trung theo hết hướng dẫn của cô. Vì vậy tối nào con học online cũng phải có mẹ ngồi bên cạnh kèm cặp thêm".
Cùng chung tâm trạng lo lắng cho con khi học online, chị Nguyễn Thị Nhung, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho hay: "Đến giờ tôi vẫn chưa dám xin đi làm lại". Chị Nhung bị nghỉ việc từ tháng 7 năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đầu năm học mới, khi nghe thông báo con học online, chị Nhung bày tỏ đồng tình vì đảm bảo sức khỏe của con là trên hết. Vậy là mấy tháng nghỉ ở nhà, chị Nhung xoay như chong chóng khi vừa liên tiếp các ca học online của 2 con vừa lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa.
Anh Đinh Đình Hùng quận Hà Đông, Hà Nội có con học cấp 2 tại Hà Nội chia sẻ nỗi buồn lòng của mình khi phát hiện con trở thành... game thủ sau 1 tháng học online. Anh Hùng giao điện thoại cho con buổi sáng học online ở nhà nhưng sau đó con anh và các bạn cùng lớp đã tham gia trò chơi trên mạng suốt cả trưa và chiều.
"Từ một học sinh chỉ biết đi học và vui chơi các trò thực tế như rubik, cờ vua... Sau thời gian học online, con tôi đã trở thành game thủ", anh Hùng bày tỏ.
Học online hiệu quả không chỉ đến từ phía học sinh
Với nhiều năm kinh nghiệm dạy học online, Thạc sĩ Lê Trần Diệu Thu, giáo viên Ngữ văn, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị Hà Nội cho rằng, để đạt kết quả học tập hiệu quả không chỉ đến từ phía học sinh mà cần sự chung tay của cả phụ huynh và giáo viên.
Đối với phụ huynh: Do đặc thù của việc học online, các em học trực tiếp tại nhà, vì thế phụ huynh đóng vai trò quan trọng, tác động nhiều đến kết quả học tập của các em. Nhiều phụ huynh phó mặc hoàn toàn cho giáo viên, điều này là sai lầm.
Để những tiết học online hiệu quả, phụ huynh cần kết hợp chặt chẽ với giáo viên, nắm chắc lịch học của các con. Khi được cô giáo thông báo tình hình học tập, phụ huynh cần có những phản hồi kịp thời nhằm đôn đốc nhắc nhở các con tham gia học và làm bài tập đầy đủ. Đồng thời, cần trang bị cho con em mình những trang thiết bị học tập cần thiết: máy tính, điện thoại, sách vở, bút… để các con tiếp thu bài tốt nhất.
Ngoài ra, chính các bậc phụ huynh cũng cần động viên, cho các con những phần thưởng phù hợp nếu con làm tốt, và kỷ luật thật nghiêm nếu các con phạm lỗi. Sau mỗi buổi học, phụ huynh cần tâm sự với con để kịp thời phản hồi ngược trở lại với giáo viên nếu có vấn đề phát sinh.
Đối với giáo viên: Giáo viên là người hướng dẫn học sinh trong suốt quá trình học. Để có một tiết dạy online hiệu quả, trước hết mỗi giáo viên cần nắm chắc tình hình của lớp, giữ liên lạc thường xuyên với phụ huynh (hoặc thông qua giáo viên chủ nhiệm) để thông báo tình hình học online của từng học sinh trong lớp mình đang quản lý. Đồng thời, đưa ra quy định chung cho lớp học để các em chấp hành theo (thời gian học, thiết bị học tập, đồ dùng học tập, làm bài tập, nộp bài tập…).
Giáo viên chủ động, tích cực học hỏi để bắt kịp công nghệ, ứng dụng các phần mềm dạy học phù hợp giúp quản lý lớp học hiệu quả và đỡ tốn thời gian. Hơn cả, môn Văn có đặc thù riêng, nếu cả tiết giáo viên chỉ thao thao giảng bài mà không cho học sinh hoạt động, các em rất dễ nhàm chán, buồn ngủ. Cần tạo ra sự hứng thú trong từng tiết giảng bằng cách lồng ghép các câu chuyện minh họa cho bài giảng nhằm xóa tan căng thẳng trong tiết học, mở đầu hoặc kết thúc tiết học bằng các trò chơi giải trí củng cố kiến thức bài hôm trước hoặc chốt lại kiến thức tiết học. Đưa nhiều hơn nữa những video, hình ảnh để tiết giảng sinh động thay vì chỉ có chữ và chữ thông thường… Và đặc biệt là động viên, khích lệ học sinh kịp thời nếu các em làm tốt và kỷ luật thật nghiêm nếu các em phạm lỗi.
Đối với học sinh: Đây là nhân tố quan trọng quyết định trực tiếp đến kết quả của tiết học online. Vì học online, sẽ không có giáo viên giám sát, không có bạn bè học cùng cho nên các em cần tự kỷ luật và tạo động lực học tập cho chính bản thân mình.
Đầu tiên, các em cần trang bị đầy đủ phương tiện và đồ dùng học tập. Sau đó lên thời gian biểu phù hợp để có thời gian học tập và nghỉ ngơi hiệu quả. Kết thúc mỗi tiết học online, sẽ có các tiết ra chơi (từ 5 – 10 phút), các em có thể đứng dậy vận động để tiết học sau học tập hiệu quả hơn. Đồng thời, trong suốt khoảng thời gian học online, các em cần tuyệt đối chấp hành đúng nội quy, quy định của lớp học: Ghi chép bài đầy đủ, chủ động tích cực tham gia xây dựng bài giảng, tương tác với giáo viên và các bạn trong lớp, đặt câu hỏi cho cô giáo nếu chưa hiểu.
Đồng thời, khi kết thúc tiết giảng, các em cần chủ động tham gia các hội nhóm học tập hiệu quả trên các diễn đàn, trang mạng xã hội, lập ra các nhóm học tập, kết nối với các bạn khác có cùng mục tiêu để chủ động tìm kiếm kiến thức. Học online cần phát huy tinh thần chủ động, cho nên thay vì tham gia các trò chơi giải trí, giết thời gian vào những việc làm vô bổ, các em cần biến trở ngại thành động lực để phấn đấu mỗi ngày.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính đến ngày 8/10, cả nước có 23 tỉnh, thành cho học sinh đến trường đi học là Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Định, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lào Cai, Lai Châu, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Quảng Ninh.
Trong khi đó, có 9 tỉnh, thành dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, qua truyền hình và 31 tỉnh, thành phải tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.