Những đứa trẻ bị "bỏ rơi"
Chúng tôi lên cao nguyên đá Đồng Văn - một trong những điểm "nóng" nhất của Hà Giang về tình trạng lao động tự do bỏ sang Trung Quốc làm thuê vào một ngày đầu tháng 6. Sau chặng hành trình trình dài, hỏi thăm nhiều địa chỉ, chúng tôi tìm đến bản Mà Lủng, xã Tả Phìn. Bản Mà Lủng chỉ có hơn 20 chục nóc nhà nằm lấp ló dưới chân núi đá sắc nhọn. Đi từ đầu đến cuối bản không một bóng người, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Cảm giác như chúng tôi đang bước chân vào một bản "ma". Đáp lại tiếng bước chân của những vị khách lạ chỉ là tiếng chó sủa, tiếng lợn bỏ đói kêu eng éc. Tìm mãi, chúng tôi cũng trông thấy một cái đầu lấp ló sau cánh cửa gỗ. Một cô bé đầu bù tóc rối, thò lò mũi xanh xuất hiện. Rồi chỉ chưa đầy 5 phút sau đó, xung quanh chúng tôi là cả bầy trẻ con, trông mặt mũi đứa nào cũng nhem nhuốc, quần áo nhếch nhác đến tội. Trong đám trẻ, chúng tôi để ý nhất đến Vàng Mí Khê (8 tuổi)- người duy nhất biết nói tiếng Kinh lơ lớ. Mân mê vạt áo, Khê cho biết cháu đang học lớp 2 Trường Bán trú tiểu học và trung học cơ sở Thài Phìn Tủng. "Bố sang Trung Quốc. Mẹ đi buôn bán xa. Nhà chỉ còn 4 anh em thôi. Đói cái bụng lắm. Nhớ bố mẹ nhiều lắm" - Khê nói.
Gần 12.000 lượt người sang Trung Quốc
Theo UBND tỉnh Hà Giang, những năm gần đây tình trạng người dân tự do sang Trung Quốc làm việc khá lớn. Năm 2012, có gần 12.000 lượt người sang Trung Quốc làm việc theo hình thức tự do, trong đó 4 huyện giáp biên chiến 80%. Cụ thể, huyện Đồng Văn 4.467 người (nữ 563); Mèo Vạc 2.400 người (105); Yên Minh gần 2.000(76); Xín Mần 1.425 (114)…
Nhìn căn nhà liêu xiêu, tối om của Khê, lòng chúng tôi như thắt lại. Căn nhà trống trơn, không vật gì quý giá, ngoài manh chiếu trải trên nền đất. Trong góc nhà, bếp củi lạnh tanh, chiếc nồi không vứt chỏng chơ bên cạnh còn vương vài cọng măng. Hỏi bữa trưa ăn gì, mấy anh em lắc đầu quầy quậy.
Kể về gia cảnh của anh em Khê, anh Giàng Chúa Chớ, người hàng xóm hiếm hoi mà chúng tôi tìm được sau đó, cho biết: "Thằng Cho à? Tao biết hắn mà. Tên hắn đầy đủ là Vàng Mí Cho (30 tuổi). Tao nhớ là mấy năm trước hắn có đi XKLĐ ở Malaysia, nhưng khi về chỉ đủ tiền trả nợ ngân hàng thôi. Nhà hắn thiếu ăn quanh năm ấy mà. Đói nên cái chân phải bò thôi. Hắn đi Trung Quốc làm thuê được 5 con trăng rồi (5 tháng - PV). Nghe đâu đã gửi về cho gia đình được 3,3 triệu đấy nhưng từng ấy không đủ nuôi 5 miệng ăn trong nhà. Không tìm được hắn đâu". Chỉ tay về mấy đứa con của Cho, Chớ cho biết: Thằng Khê là anh cả đấy. Năm nay 8 tuổi mà nó còi cọc như cây ngô thiếu nước. Nó vừa trông nhà, vừa quản 3 đứa em. Bình thường đi học, Khê địu cô em 9 tháng tuổi đi học cùng. Còn thằng em kế 5 tuổi phải trông thằng em 2 tuổi".
Không chỉ anh em nhà Khê, ở thôn Mà Lủng tình trạng những đứa trẻ bị bố mẹ "bỏ rơi" rất phổ biển. "Có 2 hộ gia đình, cả vợ chồng con cái cùng đi. Nhà cửa khóa trái, trâu bò, lợn gà gửi họ hàng nuôi giúp" - anh Giàng Chúa Chớ cho biết.
Những bản làng thiếu đàn ông
Rời Mà Lủng, về lại thị trấn Đồng Văn, chúng tôi tình cờ gặp anh Giàng Mí La - công an viên thôn Nhèo Lủng (xã Thài Phìn Tủng). Nghe câu chuyện chúng tôi kể, anh La cười chua chát: Chuyện đó có gì lạ đâu. Như ở thôn tôi, gần 55% số hộ đã vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Giờ ở Nhèo Lủng chỉ còn người già và trẻ em thôi, nương ruộng bỏ hoang từ lâu rồi.
Nhớ lại trước đó, theo chuyến xe khách duy nhất chúng tôi vượt gần 100 đường đèo, dốc quanh co đến thôn Đoàn Kết, xã Bạch Đích (huyện Yên Minh). Đập vào mắt chúng tôi vẫn là những nóc nhà xiêu vẹo, không một bóng người. Nhìn quanh chỉ thấy đá chồng lên đá. Nhờ một chiến sĩ biên phòng đồn Bạch Đích, chúng tôi tìm được đến nhà Lý Thìn Vàng (25 tuổi), vừa trở về từ chuyến làm thuê bên kia biên giới. Vàng nói giọng rất từng trải : "Ở Việt Nam trả tiền lương bèo bọt quá, không đủ no cái bụng à. Tao đành phải vượt biên đi làm thuê thôi. Đàn ông ở cái thôn này ai cũng thế mà. Đợt tao đi có đến 38 người đấy. Chúng tao chia làm 2 đội đi phát nương làm rẫy ở Quảng Đông". Ông Phàn Tờ Mìn, trưởng thôn Đoàn Kết bộc bạch: "Quê mình nghèo, bên kia họ giàu nên dân tình kéo nhau đi hết. Chúng tôi chẳng cản được, có gia đình bố đi trước, rồi kéo theo con đi sau. Năm ngoái ở đây có 2 vợ chồng chồng Lý Seo Hùng, Lý Thị Mua dân tộc Mông, làm công ty bên tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Chỉ còn 2 đứa cháu ở với bà".
Bộ LĐTBXH vào cuộc
Theo ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), vấn đề lao động đường biên sang Trung Quốc làm việc, Bộ LĐTBXH đã biết thông tin. Hiện có một tổ công tác các bộ ngành liên quan đang cùng chính quyền địa phương các tỉnh biên giới xem đánh giá tình hình, tổng hợp tình hình đặc biệt đưa ra giải pháp và hy vọng trong thời gian tới sẽ đưa có những biện pháp trong cách quản lý lao động tại các tỉnh giáp biên. "Hiện nay, các đường biên phía tây, giáp với Lào, chúng tôi đang đàn phán với Lào để chuẩn bị ra một bản ghi nhớ, một hiệp định mới về quản lý lao động di cư giữa hai quốc gia, đặc biệt là lao động đường biên" - ông Hải cho biết.
Xuyên qua cánh rừng sa mộc, chúng tôi đến nhà Hùng, Mua. Bà Lý Thị Mấy, mẹ của Lý Seo Hùng buồn bã kể: "Vợ chồng cùng bỏ đi lúc thằng bé con còn mới biết bò. Hơn một năm nay, con vợ chẳng biết ở đâu. Còn thằng con tôi mang về 5.000 tệ, tiêu hết rồi lại đi. Nhà này giờ chỉ còn bà già này thôi, 3 đứa con trai và 1 đứa con gái cũng nối thằng anh nó sang Trung Quốc rồi".
Không chỉ có đàn ông, thanh niên ra đi, trong "làn sóng" vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê còn có cả những học sinh, mới vài tháng trước đây còn ngồi trên ghế nhà trường, nay trở thành lao động nhí bên xứ người. Theo giới thiệu của anh Hoàn Minh Đức - Bí thư Huyện đoàn Đồng Văn, chúng tôi đến Trường bán trú tiểu học và trung học cơ sở Thài Phìn Tủng. Ngôi trường mới 3 tầng khang trang, nổi bật giữa những bạt ngàn núi đá. Thấy chúng tôi, những đứa trẻ người Mông, người Nùng, người Dao… nhanh nhảu khoanh tay chào khách. "Lớp cháu có bạn Sùng Mí Súng, nhà ở thôn Nhù Sa, đi lâu lắm rồi chưa về"- cô bé Vàng Mí Pó, học sinh lớp 6B nhanh nhảu. Cô bạn Vàng Mí Lía, lớp 7A "khoe": "Lớp cháu cũng có 5-6 bạn đi về rồi". Trông gia dáng đàn anh hơn cả, Lý Minh Súng, học sinh lớp 9B tiết lộ: "Lớp em có 18 bạn, sau tết có 7 bạn đi Trung Quốc, 6 bạn nghỉ học ở nhà, giờ lớp chỉ còn 5 bạn đi học à".
Ông Hoàng Hữu Tiệp - Phó Chủ tịch xã Thài Phìn Tủng cho biết: "Tính đến ngày 25.4, cả xã có 340 trường hợp bỏ sang Trung Quốc làm thuê. Trong số đó có gần 20 em học sinh cấp 2. Mới cách đây một tuần, một số em đã bỏ đi theo hàng xóm".
Điều mà chính quyền địa phương lo lắng nhất hiện nay, không thể giữ chân người dân ở lại, khi làn sóng bỏ sang Trung Quốc vẫn gia tăng hàng ngày, hàng tuần.
Hải Cường- Trung Hậu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.