Hẳn nhiều người còn kinh hãi khi nhớ tới vụ đấu súng ngày 5.2.2010 tại nhà trùm ma tuý Vàng A Khua, ở bản Hang Kia 1, xã Hang Kia khiến gần chục người chết và bị thương. Đau đớn là, trong cuộc đọ súng ấy, 3 chiến sĩ công an đã anh dũng ngã xuống.
Những đứa trẻ ở Hang Kia. Các em đang sống trong một môi trường đầy cám dỗ, bất ổn. Ảnh: N.X.T
Hiện xã Hang Kia có trên 600 hộ, khoảng 4.000 khẩu. Lớp người trưởng thành, lấy vợ, đẻ con, nhiều người tham gia buôn bán ma túy, rồi bị bắt, bị kết án. Lớp con cháu của họ lớn lên, không ít lại theo "vết xe đổ" của cha anh, tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy... Cái vòng luẩn quẩn như vậy sẽ làm cho người ta liên tưởng đến nguồn nhân lực của xã chỉ đủ cung cấp cho vấn nạn này nếu như không có một giải pháp kịp thời và hữu hiệu. |
Nước mắt rơi trên quê hương
Chiều trên đỉnh Pà Cò, nắng như rót mật xuống vườn mận. Ông Sùng A Phứ -bố của liệt sĩ, trung sĩ cảnh sát Sùng A Trư (SN 1984) đang chăm sóc vườn đào. Mặt ông đượm buồn, đôi mắt ngấn lệ. Từ ngày Trư mất trong vụ đấu súng kinh hoàng với trùm ma túy Vàng A Khua, ông Phứ sống lặng lẽ như cái bóng của chính mình. “Những ngày nghỉ, nó thường giúp tôi làm việc nặng. Giờ thì mọi việc tôi phải tự làm hết…” - ông mở đầu câu chuyện về người con trai đầy xót xa.
Trư là con thứ tư trong gia đình. Từ nhỏ Trư đã được bố mẹ nuôi ăn học và luôn gắng học tốt. Trư đã theo học ngành công an với ước muốn rất giản dị là bảo vệ sự bình yên của bản làng. Năm 2005, Trư tốt nghiệp, anh được điều về công tác tại huyện Mai Châu. Là người có học, lại làm công tác phòng chống ma tuý nên Trư càng hiểu sự nguy hiểm của ma tuý với đời sống bà con ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò. Trư biết, nó là nguồn cơn gây ra bao tội lỗi ở cái đất này. Và chính điều đó càng thôi thúc Trư phải làm một việc gì đó để ngăn chặn “làn khói trắng” độc hại đang tàn phá bản làng.
Cũng giống như mọi lần khi được điều về công tác tại xã Hang Kia, Trư đều cảm thấy vinh dự. “Trước hôm nó về Hang Kia làm nhiệm vụ, nó có gọi điện cho tôi... Tôi biết công việc nguy hiểm, không kể thời gian giờ giấc của nó, nhưng tôi đâu ngờ cuộc nói chuyện qua điện thoại đó là lần cuối cùng hai bố con nói chuyện với nhau…” - ông Phứ nghẹn giọng nhớ lại.
Tháng Chạp là tháng mà bà con người Mông ăn tết. Lúc ông Phứ từ huyện về nhà thì nhận được tin Trư đã hy sinh. Bầu trời trước mặt ông như đổ sập xuống. Ông biết con mình đã ngã xuống để cho cái đất này được yên bình hơn. Vinh dự là thế nhưng ông đau xót một điều là đứa cháu nội mà ông sắp đón sẽ chẳng bao giờ được nhìn mặt người cha dũng cảm của nó nữa.
Trư lấy vợ năm 2008. Vợ anh là chị Hà Thị Thuỷ - giáo viên mầm non. Mong ước của họ là được phục vụ quê hương. Trước ngày hy sinh, anh nhận được tin vui từ vợ là anh sắp lên chức bố. Ấy thế mà cái buổi chiều định mệnh đó đã cướp đi bao nhiêu dự định của đôi vợ chồng trẻ. Cái “lô cốt” ma túy này còn đó dằng dặc những nỗi đau.
“Tre già măng mọc”
Một cán bộ của huyện, được phân công quản lý ở xã Hang Kia và Pà Cò đã "bật mí" cho tôi: Lợi nhuận và tệ nạn buôn bán ma túy đã biến nơi đây thành một "boong ke" khá kiên cố. Có người lạ vào bản chỉ sau vài phút cả bản đã biết... Người cán bộ này cũng chia sẻ, nhiều nhà trong xã lắp camera để quan sát. Vì thế, người lạ đến bản sẽ không thể hỏi dân bản được một điều gì, nếu như không muốn nói là sẽ có sự cố "không an toàn" xảy ra.
Qua câu chuyện của vị cán bộ này, tôi mới thấy “rợn tóc gáy” khi nhớ lại quãng đường vào Hang Kia. Ngay khi vượt qua xã Pà Cò, đoàn chúng tôi đã được “đón tiếp” bằng những ánh mắt với muôn vàn hình thù. Có cái nhìn dò xét, có cái nhìn đầy sự nghi ngại...
Vì nghi ngờ có cạm bẫy đang đón chờ mình nên tôi giả bộ đổ dốc xuống thung lũng trước bản bấm vài kiểu ảnh vu vơ như khách du lịch. Thế nhưng, vừa giơ ống kính lên đã có người đến bắt chuyện. Đó là một trung niên có nước da đen đúa. “Vào đây làm gì?” - người đàn ông lạnh lùng hỏi. Tôi trả lời là đi du lịch. Tuy vậy, trước khi quay lưng, người đàn ông vẫn buông lời đe dọa: “Đừng đi ra chỗ vắng, không tốt đâu!”.
Vào Hang Kia, nếu ngồi ở những hàng quán kinh doanh (các quán này chủ yếu do người Kinh ở Hưng Yên lên mở), người từ xa đến sẽ được chứng kiến nhiều cái lạ nữa. Trẻ con ở đây uống nước khoáng, Coca-cola, "bò húc"... như trẻ con thị tứ uống nước sôi để nguội. Đôla cũng đã được trẻ con dùng tiêu ở đây và dùng rất sành khi quy đổi mệnh giá. Tôi đã tận mắt chứng kiến những đứa trẻ chỉ 4 - 5 tuổi, cầm trong tay vài tờ 100.000 đồng để ra quán mua nước, bánh kẹo...
Rồi lâu nay, người ta cũng đã quá quen với những người dân ở Hang Kia, lái những chiếc xe hơi có trị giá từ vài ba trăm triệu lên đến cả tỷ đồng để lên thị trấn Mộc Châu hoặc TP.Hòa Bình ăn sáng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.