Nỗi buồn sau cuộc di dân lịch sử: Lên bờ để... nghèo thêm

Thứ năm, ngày 12/04/2012 18:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phần nhiều các hộ dân vạn đò TP. Huế vốn đã nghèo, nhưng khi lên bờ lại càng nghèo thêm vì thất nghiệp hàng loạt. Hệ quả của tình trạng này là sự nảy sinh mâu thuẫn gia đình, nạn đạo tặc...
Bình luận 0

Ăn không ngồi rồi

Chị Huỳnh Thị Tấn ở khu tái định cư vạn đò Hương Sơ (TP. Huế) ngồi ủ rũ bên mớ rau quả héo úa bày trước thềm. Cạnh đó, anh Võ Văn Phấn- chồng chị, ngồi trên chiếc ghế oải mục, dõi mắt nhìn những bóng người qua lại trên con đường trước nhà. “Lên đây không biết làm chi để sống nên hàng ngày tui ra chợ mua ít rau quả đưa về bán kiếm mươi nghìn tiền lời. Nhưng dân ở đây nghèo cả nên thi thoảng mới có người đến mua hàng”- chị Tấn nói sau tiếng thở dài.

img
Cuộc sống của người dân vạn đò ở khu tái định cư thôn Lại Tân ngày càng nghèo thêm vì thất nghiệp.

Ngày còn ở đò, gia đình chị Tấn làm nghề khai thác cát sạn trên sông Hương, thu nhập không cao nhưng đều đặn nên kiếm đủ ngày ba bữa cơm cho cả nhà. Từ ngày lên bờ theo dự án di dời dân vạn đò của tỉnh, cả gia đình chị mất việc làm, nên cuộc sống tụt dốc như xe không phanh. Anh Phấn xin đi làm phụ hồ nhưng năm thì mười họa mới có người kêu. “Từ ra tết đến giờ mới chỉ 10 ngày có việc, còn lại ngày mô ổng cũng ngồi ở cửa nhìn trời nhìn đất”- chị Tấn nói.

Hiện 2 người con trai lớn của vợ chồng chị đi làm phục vụ cho các quán cơm bụi nhưng mỗi tháng chỉ có thu nhập 600.000 đồng/người. Tổng thu nhập của gia đình chị mỗi tháng chỉ gần 2 triệu đồng, chưa bằng một nửa thu nhập thời ở đò. “Cả nhà 9 miệng ăn mà mỗi tháng chỉ thu nhập chừng đó thì chỉ còn cách sống cầm hơi thôi”- chồng chị Tấn tiếp lời vợ.

Gia đình anh Võ Văn Trung sống cạnh nhà chị Tấn cũng lao đao từ ngày giã từ cuộc sống sông nước. “Hồi ở đò, gia đình tui thu nhập mỗi tháng 2,5 - 3 triệu đồng, giờ không có việc làm nên thu nhập giảm xuống còn chưa đầy 2 triệu, trong khi cả nhà có đến 6 miệng ăn”- anh Trung kể. Sau ngày bán đò lên bờ, anh Trung chạy khắp nơi xin một việc làm ổn định nhưng không nơi nào nhận. Từ đó đến nay, anh trở thành “thợ đụng”, ai kêu đâu làm đó, không thì ngồi chơi xơi nước. “Là trụ cột gia đình nhưng hơn một tháng rồi không ai kêu việc, nên tui chẳng làm ra được đồng nào. Rồi đây không biết cuộc sống sẽ ra sao”- anh Trung rầu rĩ.

Ông Nguyễn Văn Tín - Tổ trưởng Tổ dân phố 13, thuộc khu tái định cư Hương Sơ, cho biết, sau ngày lên bờ, đời sống của người dân trong tổ ngày càng nghèo thêm do không có việc làm. “Bà con vốn quen với nghề đánh cá trên sông nước, giờ lên bờ không thể tiếp tục bám nghề do không có nơi gửi dụng cụ, phương tiện, nên thất nghiệp hàng loạt. Đa số những người thất nghiệp lại là những lao động chính trong gia đình”- ông Tín nói.

Nói về đời sống của hơn 320 dân vạn đò TP. Huế về tái định cư ở thôn Lại Tân, ông Trần Vãng - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu (Phú Vang) ngán ngẩm: “Có đến 92% số hộ dân trong số này thuộc diện nghèo và cận nghèo. Họ chỉ có hai bàn tay trắng, lại thất nghiệp thì làm sao mà không nghèo”. Ông Vãng bảo rằng, việc chuyển những hộ dân vạn đò trên về định cư ở xã thực sự là gánh nặng đối với địa phương. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ 5%, nhưng từ khi dân vạn đò về định cư, con số này tăng lên 18%. Một cán bộ tư pháp xã này nói rằng, mỗi lần xã xử lý các giấy tờ về hộ nghèo thì riêng khu tái định cư thôn Lại Tân phải làm tới 3 - 4 ngày mới xong.

Bần cùng sinh bất thiện

Thấy chúng tôi hỏi đường vào khu tái định cư thôn Lại Tân, chị chủ quán tạp hóa nằm cạnh thôn này than: “Phức tạp lắm. Cái khó bó cái khôn nên nhiều gia đình vợ chồng, con cái chửi bới, đập đánh nhau suốt ngày”. Theo chỉ dẫn của người phụ nữ này, chúng tôi đến nhà ông T - một trong những “điểm nóng bất hòa” của khu tái định cư.

Tại cuộc họp tổng kết Dự án tái định cư 1.069 hộ vạn đò TP. Huế diễn ra mới đây, không đại biểu nào bất ngờ khi lãnh đạo UBND xã Phú Mậu cho biết tình hình an ninh trật tự ở khu tái định cư Lại Tân rất phức tạp vì nạn trộm cắp, đánh lộn, rượu chè... Bởi đại biểu nào cũng thừa hiểu rằng, ở một khu dân cư tỷ lệ nghèo đói, thất nghiệp điển hình nhất tỉnh như Lại Tân, thì sự xuất hiện của các tệ nạn trên là tất yếu.

Cách nhà ông T khoảng 100m, chúng tôi đã nghe rõ tiếng chửi rủa ỏm tỏi và tiếng va đập của các vật dụng phát ra từ ngôi nhà. Vài ba thanh niên lưng trần đứng ngoài nhà ông theo dõi cuộc chửi bới cho biết, ông T đang “dạy” vợ con như mọi ngày. Sau khi bán đò lên bờ, là lao động chính trong nhà nhưng ông T thất nghiệp, khiến cuộc sống gia đình ngày càng cùng cực. Từ một người hiền lành, chịu thương chịu khó, tâm tính của ông bỗng như bị “ma xui quỷ khiến”, thường xuyên chửi bới, đánh đập vợ con.

Tình trạng tổ ấm bất hòa vì nghèo đói, thất nghiệp như gia đình ông T xảy ra nhan nhản ở khu tái định cư thôn Lại Tân. Nhiều người dân nói với chúng tôi bằng giọng chua xót rằng, nếu một ngày không xảy ra dăm vụ vợ chồng, con cái chửi bới, đánh lộn nhau thì đó không phải là “không khí thực” của khu tái định cư này nữa.

Cùng với tình trạng bất ổn gia đình, nạn trộm cắp ở đây cũng diễn ra ngày càng phức tạp. Phương tiện, vật dụng mưu sinh của người dân chỉ cần chủ sơ hở thì lập tức “không cánh mà bay”. Đạo chích không phải từ nơi khác đến mà chính là những người dân nghèo khó của khu tái định cư này. Người nghèo trộm của người nghèo để rồi cùng “dìu nhau đi dưới bóng nợ nần”.

Kỳ 3: Kiếp sống “lậu”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem