Nỗi buồn theo nước sông Ba - Kỳ I: Hành trình qua xứ đói

Thứ hai, ngày 01/10/2012 06:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuối cùng thì người ta cũng chặn sông Ba để làm thủy điện An Khê- Ka Nát, bất chấp phản ứng của địa phương. Chuyện đã rồi nhưng hậu quả mà nó để lại cho một vùng đất thì vẫn đằng đẵng...
Bình luận 0

Ngày chính quyền chủ trương rời làng nhường đất cho thủy điện, dân làng Krói (xã Đăk Smar, huyện KBang, Gia Lai) ai cũng tin cuộc sống mới rồi sẽ tốt đẹp hơn. Chẳng chút hoài nghi, họ giao đất, chuyển nhà mà đâu biết rằng mình đã bước vào một lối rẽ đầy u ám…

img
Làng Krói bị nhốt vào nơi tuyệt địa.

Đói nhân thêm đói

Đã giữa mùa mưa mà Yàng vẫn chưa cho nước. Đất Krói vốn bạc màu, dân chẳng có tiền để cải tạo giờ thêm nắng hạn khiến cây bắp vừa đến đầu gối đã đùn lại, hạt cứ lưa thưa, bé tẹo như răng con chuột núi. Hai năm rời làng, thủy điện hứa khai hoang, chia đất cho dân nhưng mãi chưa thấy. Mót được chút đất rẫy, bỏ mấy hạt bắp sống qua ngày vậy mà Yàng còn không thương, ném cho một cơn hạn, dân Krói đói chắc…

Krói có hơn trăm hộ, người khá chỉ mỗi ông trưởng thôn, người nghèo thì kể không hết. Đất cho làng nhỏ một mảnh lại kẹt giữa núi cao, suối sâu nên nhà cửa cứ túm tụm lại. Người đi ra, đi vào còn đụng nhau nói gì đến chỗ cho con heo, con gà. Hồi ở làng cũ, Krói nhiều heo, lắm bò, lên đây chật quá bán hết. Vậy là cụt đường, có sức, có chí cũng chịu, miếng ăn chỉ còn biết nhờ trời.

Mới bảnh mắt mà ông Đinh Dê, ông Thôn phó cùng mấy thanh niên nữa đã tụ tập uống rượu. Rượu chỉ nhắm với mấy sợi măng rừng nấu muối. Chẳng có việc gì làm, buồn mà uống chứ ham hố gì! Ông Đinh Dê nay đã 80 tuổi. Sống được đến tuổi này, nói như ông là “cũng nhờ cái bụng chưa bao giờ biết buồn”. Vậy mà bây giờ những năm tháng cuối đời lại gặp phải cái đáng sợ này.

Chính quyền không sai nhưng mấy đứa làm điện nó thất hứa với ông, với cả làng Krói này. “Tụi nó hứa như đinh: “Dân cứ lên, chúng tôi chia đất liền”. Thế mà 2 năm nay có thấy miếng đất nào đâu? Sống ở hẻm núi cùng, không có đất, dân bốc đá ăn sao? Nếu dân không còn mấy miếng đất cũ này, hai năm nay chắc cũng phải thế thật”. “Phải đấy! Nó làm thế này là hại dân rồi!”- ông Đinh Plớk - Thôn phó tiếp lời ông Đinh Dê…

Làng Krói có 26 hộ thiếu đất trầm trọng. Thủy điện mới chia được cho một nửa nhưng đất mà 13 hộ này nằm trên đồi dốc, dân đã canh tác lâu năm nên chẳng còn một chút dưỡng chất. Đúng ra, cùng với việc chia đất này, thủy điện phải hỗ trợ dân cải tạo đất. Nhưng từ khi quẳng đất cho dân, chẳng thấy ai nói gì đến chuyện hỗ trợ. Thế nhưng với người dân Krói, dù sao 13 hộ này cũng còn may mắn, còn có cái để làm. “Người ta ngày mỗi một khá, còn dân Krói thì ngày càng thêm đói”- ông Đinh Plớk thở dài.

Rơi vào ngõ cụt

Người Krói vẫn sản xuất theo lối cũ, đến mùa chọc lỗ bỏ giống rồi chờ ngày thu hoạch. Muốn không đói thì phải có nhiều đất. Cứ làm chỗ này 2-3 năm là chuyển chỗ khác, chờ chỗ đất cũ cây cối mọc lên, phát đốt lấy chút dưỡng chất mới quay lại làm. Cùng với đó, ven sông suối, người ta khai hoang làm lúa nước, giải quyết khâu lương thực.

Chẳng giàu, nhưng chịu khó thì cuộc sống cũng mỗi ngày thêm khá. Giờ lên khu tái định cư, đất đai hẹp lại nên Ban 7 (Ban quản lý dự án Thủy điện 7 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam- EVN) đã thống nhất với chính quyền sẽ khai hoang hơn 30ha ruộng nước và gần 34ha đất nà rẫy (đất bồi ven suối) chia đều cho dân.

Đất nà rẫy thì đã có sẵn, bồi thường cho chủ cũ xong là chia được ngay nhưng khốn nỗi, mấy người hám tiền đã tự nhận đất đó của mình kê khai lấy tiền. Ban 7 bồi thường xong đem chia cho dân thì gặp phản ứng. Chuyện này nhì nhằng mãi đến giờ chưa xong, đất chia không được.

Xã Đăk Smar có hơn 70% số hộ nghèo – đa số thuộc làng Krói. Thế nhưng từ tháng 3 năm nay, xã này bị cắt các chế độ cho xã Vùng 3. Việc này cùng với những bất cập trong việc cấp đất tái định canh đã khiến hàng trăm người dân Krói lâm cảnh khốn cùng.

Còn ruộng nước thì phải đào diện tích ven suối gần làng, đầu tư thêm kênh mương. Đất ấy muốn thành ruộng tốt thì dỡ lớp mặt ra để một bên, lấy lớp đất phía dưới rồi hoàn thổ. Thế nhưng Ban 7 không làm thế. Tuy chưa khai hoang xong, chưa chia cho dân, nhưng nhiều người nhìn qua đã lắc đầu quầy quậy: “Đất này chắc không ai nhận”.

Theo ông Lê Duy Tương - Phó Chủ tịch xã Đăk Smar, bất cập nữa là người ta đào chỗ thì sâu quá, chỗ cạn thì cạn quá. Làm như thế sau này sẽ có chỗ nước lên đến bụng, chỗ thì khô. Ông Tương cũng tính: Nếu được chia đất như đã định, dân Krói cũng khó làm ăn nên nỗi.

Chăn nuôi không được, chuyển đổi cây trồng không xong, quanh quẩn cũng chỉ cây bắp, củ mì; ruộng nước thì toàn cát sỏi, đất nà rẫy nằm trên dốc đứng, trời đổ trận mưa đã bạc màu. Đã vậy, địa thế lại heo hút, người dân phải “mua vàng, bán cám”, mua đắt đỏ- bán rẻ như cho... Chịu! Bài toán thoát nghèo cho dân Krói, tính bể đầu cũng không ra.

Kỳ 2: Hứa cuội với dân

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem