Nối dài những con đường mang tên Hạnh Phúc

Thanh Thảo Thứ bảy, ngày 26/10/2019 09:30 AM (GMT+7)
Trong khi ở nhiều địa phương việc triển khai thực hiện tiêu chí về cơ sở hạ tầng nông thôn trong chương trình xây dựng NTM còn chậm, chưa đạt yêu cầu, thì tại Hà Giang nơi có địa hình phức tạp, đồi núi dốc nhiều đá, dân cư sống không tập trung, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn lại khá thành công về tiêu chí này.
Bình luận 0

Xác định tiêu chí giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của địa phương, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, ngày 19/01/2017, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành  Quyết định 114/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Hỗ trợ xi măng để đầu tư hạ tầng nông thôn và xây dựng Nông thôn mới theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, giai đoạn 2017 – 2020 với 2 nội dung chính: Làm đường giao thông nông thôn và thủy lợi với tổng số xi măng dự kiến thực hiện đề án là 1.000.000 tấn (gọi tắt Đề án 114) .

Theo đó, đề án sẽ hỗ trợ xi măng để hoàn thiện hệ thống hệ đường giao thông nông thôn là: 758.795,9 tấn; kiên cố hóa kênh mương nội đồng là: 241.204,1 tấn và được phân bổ về các năm từ 2017 đến 2020.

Kết quả, tính đến hết tháng 7/2019, tổng số đường bê tông đã thực hiện được 1.089km, trong đó đường liên thôn là 896,2km; đường liên xóm, liên gia, đường vào hộ gia đình là 192,8 km. Thực hiện được 43,4 km kênh mương bê tông các loại.

img

 Niềm vui của bà con Hà Giang được đi trên những con đường bê tông hóa vào tận ngõ xóm.

Nhờ có đề án, giao thông nông thôn của Hà Giang đã có những thay đổi tích cực, đến nay toàn tỉnh đã có 38/177 xã (21,5%) đạt tiêu chí giao thông. Điển hình phải kể đến một số huyện như: Quang Bình thực hiện được 166km; Vị Xuyên thực hiện được 164km; Bắc Quang thực hiện được 150km… đường giao thông nông thôn.

Có thể nói, Đề án 114 ở Hà Giang đã làm thay đổi hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiêu chí giao thông trong Chương trình MTQG xây dựng NTM, tạo điều kiện để giao lưu, vận chuyển hàng hóa, liên kết vùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho đại bộ phận cư dân nông thôn. Huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là người dân cùng tham gia thực hiện trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn rất hạn chế.

Đi trên con đường vừa hoàn thành, chị Vũ Thị Ly, thôn Xuân Phong (xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên) vui vẻ kể: “Từ khi có con đường mới này, chúng tôi rất vui mừng. Các cháu đi học cũng thuận tiện, nhất là thóc, lúa, phân bón giờ đây có thể chở ra tận đồng, chứ không còn phải mang vác như trước đây nữa”. 

Theo Đề án “Một triệu tấn xi măng” đầu tư hạ tầng nông thôn, giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh Hà Giang sẽ sử dụng gần 759 nghìn tấn xi-măng để làm đường bê-tông theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Mục tiêu là đến năm 2020, tỉnh có ít nhất 25% số xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới. 

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện Đề án, ông Hà Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Tát Ngà (huyện Mèo Vạc) cho biết: Để triển khai và thực hiện có hiệu quả, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu được mục đích của Đề án; cùng đó, vận động người dân góp công, góp sức thực hiện; đồng thời xã cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát công trình đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và hoàn thành kế hoạch đề ra.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn -  Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Giang: “Ngay sau khi đề án hỗ trợ xi măng được ban hành, Ban Cán sự Đảng đã chỉ đạo UBND tỉnh triển khai các văn bản về cơ chế, chính sách, các quyết định phân bổ vốn thực hiện đề án và hướng dẫn các ngành chuyên môn giúp cơ sở triển khai thực hiện được thuận lợi”.

Tổ chức lễ phát động phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập thuộc chương trình xây dựng NTM. Định kỳ hàng tháng, quý triển khai họp giao ban về tổ chức thực hiện Đề án 114 với các huyện, thành phố; thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ về kết quả đạt được, đồng thời có giao các ngành liên quan trực tiếp ban hành các văn bản để hướng dẫn, trả lời và tháo gỡ vướng mắc tại cơ sở.

 Hà Giang là tỉnh nghèo cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, để huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn, tỉnh đã tính toán giải pháp thực hiện phù hợp. Với quan điểm là không làm ồ ạt, không ép kế hoạch mà giao cho cơ sở tổ chức họp dân, thông báo rõ Đề án 114 của tỉnh chỉ hỗ trợ một phần giá trị tuyến đường, còn lại người dân đóng góp. Địa phương nào đồng thuận, huy động được sức dân góp tiền, góp công mới đưa vào kế hoạch thực hiện.

Với cách làm trên, việc triển khai làm đường bê tông theo Đề án 114 ở Hà Giang đã nhận được sự đồng thuận của người dân, tạo phong trào rộng khắp và khơi dậy được sự hưởng ứng của nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp công sức, vật liệu để làm đường; phát huy sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân...

Giờ đây đến với Hà Giang, chúng ta không chỉ được đi con đường Hạnh Phúc huyền thoại năm xưa mà còn chứng kiến những con đường bê tông kéo dài hàng trăm km đến với các bản làng vùng sâu, vùng xa, từng bước hoàn thiện hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội góp phần nâng cao đời sống, mang lại những niềm vui, hạnh phúc cho bà con các dân tộc vùng cao nguyên đá. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem