Nỗi đau sau cuộc chiến: Các cựu binh Ukraine phải dùng cần sa để điều trị chấn thương chiến tranh

Minh Nhật (theo Daily Star) Thứ bảy, ngày 15/07/2023 12:05 PM (GMT+7)
Nhiều cựu chiến binh Ukraine vật vã chống chọi với các chấn thương từ cuộc chiến với Nga phải sử dụng cần sa để giảm đau đớn về thể chất lẫn tinh thần. Quốc hội Ukraine lần đầu tiên đã bật đèn xanh để cần sa được sử dụng hợp pháp cho mục đích y tế.
Bình luận 0
Nỗi đau sau cuộc chiến: Các cựu binh Ukraine phải dùng cần sa để điều trị chấn thương chiến tranh - Ảnh 1.

Nhiều cựu binh Ukraine phải dùng cần sa để điều trị chấn thương chiến tranh. Ảnh IT

Theo Daily Star, các nghị sĩ Ukraine đã bỏ phiếu hợp pháp hóa cần sa nhằm giúp các cựu chiến binh đối phó với chấn thương thể chất và tinh thần của họ.

Dự luật cho phép sử dụng cần sa trong y tế đã được thông qua lần đầu vào thứ Năm ngày 13/7 với sự ủng hộ của 268 trong số 344 nhà lập pháp Ukraine.

Hiện dự luật cần được thông qua tại quốc hội trước khi Tổng thống Volodymyr Zelensky có thể ký thành luật.

Những người ủng hộ cho rằng, cần sa có thể được sử dụng để điều trị chứng đau và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Họ lập luận rằng, cần sa thường an toàn hơn so với các loại thuốc giảm đau kê theo toa (vốn cũng có nguồn gốc từ cây thuốc phiện).

Tymofiy Mylovanov, Hiệu trưởng Trường Kinh tế Kiev và là cố vấn của ông Zelensky cho biết: “Các cựu chiến binh và thương binh thường sử dụng cần sa và cơ quan lập pháp muốn hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa".

Sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cần sa y tế cho thấy một sự thay đổi lớn trong thái độ của Ukraine kể từ khi cuộc chiến toàn diện với Nga bùng nổ vào tháng 2 năm ngoái.

Trước đó, một dự luật tương tự đã bị từ chối vào tháng 7/2021. Lần này, những người nổi tiếng Ukraine như người dẫn chương trình truyền hình Yanina Soklova đã tham gia chiến dịch thúc đẩy dự luật cho phép sử dụng cần sa trong y tế.

Bà Sokolova đã chia sẻ một bức ảnh lên mạng về một người lính Ukraine nằm trên giường bệnh sau khi bị thương do trúng mìn trên chiến trường hồi tháng 6.

Chân trái của anh đã bị vụ nổ mìn thổi bay một phần và người lính này phải cắt bỏ phần còn lại của nó.

Bà Sokolova nhấn mạnh: “Anh ấy phải chịu đau đớn 24/7. Đau đớn khủng khiếp. Tôi có thể kể tên hàng chục nhóm bệnh nhân với các triệu chứng đau đớn khác nhau. Tất cả họ đều cần cần sa y tế ngay bây giờ".

Trong khi Ukraine không công bố số liệu thương vong, có tới 131.000 công dân được cho là đã bị thương trong năm đầu tiên của cuộc chiến.

Khoảng 17.500 người lính Ukraine được cho là đã thiệt mạng trong chiến đấu, theo tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 1/4 dân số Ukraine và 60% binh sĩ nước này có thể bị trầm cảm hoặc PTSD vì chiến tranh. Nhưng các dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Ukraine đã bị loại bỏ để ưu tiên chăm sóc các chấn thương chiến tranh và các bệnh cấp tính khác.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem