“Chuyện tình” của đất và tỷ phú
Vào trang trại của Ngô Đình Phượng phải qua một con đường đất ngoằn ngoèo, trơn nhẫy. Chỉ chừng 4km, nhưng chiếc bán tải của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ngọc Hồi phải “đánh võng” gần 20 phút mới tới nơi. Thấy mà phục ông chủ. Phải là người giàu ý chí và nghị lực thế nào mới dám vào nơi “thâm sơn cùng cốc” này làm trang trại. Khi nghe Phượng kể, tôi mới thấy sự hình dung của mình còn xa mới biết hết những khó khăn, vất vả mà anh đã trải qua…
Quê ở Nam Định, năm 2007 nhân vào thăm người anh em ở thị trấn Ngọc Hồi thấy nơi này đất rộng người thưa, Phượng bỗng “nổi máu” làm giàu bằng nghề nông. Vợ con kịch liệt phản đối nhưng chí đã quyết, Phượng bán nhà cửa, dốc hết vốn liếng để thực hiện quyết tâm của mình.
Nguyễn Đình Phượng ( thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn các cán bộ Ngân hàng CSXH Ngọc Hồi thăm vườn cao su. ảnh: Ngọc Tấn
Vốn mang theo anh mua 7ha đất, trong đó 5ha đã trồng cao su 1 năm. Nhà cửa tạm bợ, cái ăn phải chạy từng bữa, con đi học không có tiền đóng học phí; cao su không vốn chăm sóc nguy cơ làm mồi cho lửa… Đang lúc tưởng bó tay thì Ngân hàng CSXH cho vay vay 10 triệu đồng đợt đầu, Phượng dành 1 phần chăm sóc cao su, còn lại anh thuê làm đất trồng sắn, lúa. Tiếp đó anh lại được vay vốn các chương trình khác, tổng cộng 40 triệu đồng. Nhờ khéo tính toán và thực hiện tốt phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đồng vốn trong tay Phượng không ngừng sinh sôi… Sau 10 năm làm ăn cần mẫn, Nguyễn Đình Phượng đã có trong tay 10ha cao su đang khai thác, 5ha cà phê kinh doanh, 1 ha ao cá. Giấc mơ tỷ phú trên đất mới của anh đã thành hiện thực… “Nếu không có những đồng vốn quý giá ban đầu của ngân hàng thì chưa chắc tôi đã có được trọn vẹn những gì hôm nay... Chẳng phải riêng tôi, bà con ở xã Đăk Kan này cũng nhiều hộ thoát được nghèo nhờ những đồng vốn quý giá của Ngân hàng CSXH…” - Phượng nói chắc nịch…
“Cái khó ló cái khôn”
Xã Đăk Kan gồm 9 thôn với 1.470 hộ. Thành phần chủ yếu là bà con dân tộc các tỉnh phía Bắc di cư. Hành trang đến vùng đất mới của họ gần như chỉ 2 bàn tay trắng. Ý chí có thừa, tiềm năng đất đai có sẵn nhưng thiếu vốn nên trước năm 1998 bà con nghèo lắm.
Phó Chủ tịch UBND xã Phan Văn Đông kể: Từ năm 1997, nhờ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, phong trào trồng cây công nghiệp - chủ yếu là cao su, cà phê đã bùng lên mạnh mẽ. Với hơn 1.000 ha cao su, hơn 400ha cà phê, đời sống của người dân đã được cải thiện. Trên nền tảng đó, từ năm 2012 Đăk Kan bắt đầu khởi động chương trình xây dựng nông thôn mới. Và trong đích đến còn nhiều khó khăn này, Ngân hàng CSXH thể hiện vai trò đắc lực…
Ông Ngô Thanh Bình – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ngọc Hồi cho biết: “Được Ngân hàng CSXH tỉnh giao phụ trách trực tiếp Đăk Kan, thời điểm năm 2014 chương trình xây dựng nông thôn mới của xã dù đã đạt được những bước tiến cơ bản, song hầu hết các tiêu chí vẫn còn gặp khó. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các ban ngành bàn thảo kế hoạch và tư vấn việc sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả nhất; đồng thời thực hiện ưu tiên vốn vay cho xã, trong đó tập trung chủ yếu vào các chương trình kinh tế và các thiết chế dân sinh”.
Theo đó, dư nợ của xã Đăk Kan hàng năm hầu hết đều đạt cao nhất so với các xã trong huyện…Với sự tiếp sức của nguồn vốn ưu đãi, đời sống kinh tế - xã hội của Đăk Kan được nâng lên. Từ một xã thuần nông nghèo, Đăk Kan đã có 111 hộ đạt danh hiệu kinh doanh sản xuất giỏi các cấp; thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 27,8 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 3,8%; hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới…/.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.