Quyết định ngược đời
Bám theo con đường sỏi đá ngoằn ngoèo đến cuối xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm được đến gia trang của lão nông Lý Văn Thiệp. Trang trại ở ngay cạnh con suối, lưng tựa núi, mặt hướng ruộng, ba bề rừng núi trùng trùng, điệp điệp. Nếu là khách ưa du ngoạn thì ối người mê tít cái cảnh điền trang thôn dã dưới chân núi này.
Ông thiệp đón chúng tôi bằng nụ cười tươi tắn, thân thiện. Trò chuyện với ông mới biết, trước đây ông là lính, đã từng vào sinh ra tử ở nhiều chiến trường ác liệt thời kỳ chống Mỹ... Sau hơn 10 năm tham gia chiến đấu, đến năm 1977, ông Thiệp phục viên với mức thương tật 18% và bắt đầu tích cực tham gia công tác tại địa phương. Ông được bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã (với hơn 4.000 xã viên) và tham gia Ban chấp hành Cựu chiến binh xã Văn Yên. Ông còn dành thời gian 5 năm tham gia công tác an ninh xóm và làm Trưởng xóm Bậu suốt 3 khóa, rồi mới nghỉ để cùng gia đình làm kinh tế.
Ông Lý Văn Thiệp tự tin nói rằng, ở nơi thâm sơn cùng cốc, khỉ ho cò gáy, các vật nuôi như gà thả vườn, lợn thịt, lợn rừng, cá...ông nuôi ra đều có chất lượng cao, thương lái chưa bao giờ chê. Ảnh: Đình Thắng.
Với ý chí và nghị lực của người cựu binh, ông Thiệp đã tích cực tăng gia sản xuất và làm giàu từ chính đôi tay của mình trên mảnh đất quê hương. Năm 2003, ông mạnh dạn theo học lớp tập huấn chăn nuôi cho các hộ dân làm kinh tế nông nghiệp của huyện Đại Từ và đầu tư đàn lợn nái 10 con để cho sinh sản.
Ở thời điểm đất ruộng quý như vàng, trong lúc người dân dấy lên phong trào xuống núi tìm ruộng để sản xuất trồng lúa, ông lại quyết định bán ruộng để vào núi lập nghiệp. Quyết định của ông đã bị cả gia đình phản ứng dữ dội. Tuy nhiên sau cùng ông vẫn thuyết phục được gia đình đồng thuận với quyết định đó, vì theo ông “đây là quyết định có tính toán kỹ lưỡng”.
Sau khi bán 3 sào ruộng, ông dùng vốn đó để mua lợn giống, mua thức ăn gia súc và làm chuồng trại. Mỗi năm, ông lại đầu tư thêm nhiều loại con giống mới, mở rộng diện tích chăn nuôi, nâng cấp chuồng trại và trồng thêm các loại cây nông sản, lâm sản, cây ăn quả, đào ao thả cá, phát triển kinh tế rừng...
Hiện nay, gia đình ông đã có được cơ ngơi rộng lớn với diện tích trang trại vườn, ao, chuồng, rừng rộng 21ha. Trong đó, ông dành 3.000m2 để làm trại gà, lợn; 7.000m2 làm ao thả cá; 1ha trồng cây ăn quả; 18ha trồng cây gỗ mỡ và cây keo các loại. Riêng trang trại gà, được nuôi thả vườn nên chất lượng thịt rất thơm ngon, được thương lái tranh mua. Mỗi năm, gia đình ông cung cấp cho thị trường tới 24.000 con gà thịt, thu hoạch 15 tấn cá; nuôi 250 con lợn nái, 1.000 con lợn giống và khoảng 3.000 con lợn thịt. Tận dụng diện tích vườn và rừng rộng lớn, ông Thiệp đã nuôi thêm đàn dê 100 con, cùng với đàn lợn rừng, bò để bán thịt và lấy nguồn phân bón cho cây trồng.
Với mô hình sản xuất “đa cây, đa con” ấy, mỗi năm tổng doanh thu của gia đình ông Lý Văn Thiệp lên tới 20 tỷ đồng. Trừ hết các khoản chi phí như thuê nhân công, tiền thức ăn, tiền đầu tư chuồng trại… gia đình ông cũng thu được lợi nhuận khoảng 4-5 tỷ đồng/năm.
Làm du lịch, nuôi con đặc sản
Tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi, theo dõi diễn biến tình hình thực tế để có tính toán phù hợp. Tuy nhiên định hướng sắp tới nhà tôi sẽ chuyển dần sang nuôi lợn đặc sản như lợn rừng, gà cũng sẽ nuôi gà ri đặc sản, nuôi dê núi để cung cấp cho thị trường”.
Ông Lý Văn Thiệp
|
Chia sẻ về kế hoạch phát triển kinh tế gia đình trong thời gian tới, ông Thiệp cho biết, ông đang ấp ủ dự định xây dựng khu du lịch sinh thái và đẩy mạnh mở rộng nuôi con đặc sản.
Nói về ý tưởng xây dựng khu du lịch sinh thái, ông Thiệp cho hay: “Cạnh khu rừng của gia đình có hồ nước rộng hơn 1ha, sâu từ 3-5m, bên cạnh đó còn có dòng thác bạc chảy từ lưng núi Tam Đảo xuống, dòng suối trong veo uốn lượn quanh co tạo nên phong cảnh thơ mộng, tươi đẹp. Ở gần đó có một ngôi chùa, du khách thập phương đến thắp hương và vãn cảnh rất đông...Từ đó tôi nảy ra ý định làm khu sinh thái để phục vụ du khách. Nhà tôi đang dự kiến biến 1ha mặt nước thành hồ câu cá, làm bể tắm nước sạch phục vụ nhu cầu du khách và người dân địa phương”.
Hiện nay ông Thiệp đã làm đường, san lấp mặt hồ, đang dần dần từng bước hiện thực hóa ý tưởng trên. Xây dựng khu sinh thái là ý tưởng táo bạo và cần số vốn đầu tư khá lớn nhưng với sự quyết tâm, năng động, sáng tạo của lão nông Lý Văn Thiệp, chúng tôi tin chắc ông sẽ làm được.
Dù đã
Trong cơn đại bão giá lợn thấp kỷ lục vừa qua, ông Lý Văn Thiệp là người đi ngược gió. Trong khi nhiều người hoảng loạn giảm đàn nái thì ông lại tăng 1 lúc lên thêm hơn 100 lợn nái. Đây cũng là 1 trong cái nhanh nhạy, tư duy sắc bén của người nông dân chân chất này. Ảnh: Đình Thắng.
Bên cạnh ý tưởng làm khu du lịch sinh thái, ông Thiệp đang dần chuyển hướng từ nuôi lợn công nghiệp sang nuôi lợn và gà đặc sản. Ông đang dần mở rộng quy mô chuồng trại. “Cuối năm 2016 đến đầu năm 2017 xảy ra khủng hoảng giá lợn, tôi thấy các trại khác bị ảnh hưởng lớn, bỏ nuôi nhiều. Riêng gia đình tôi đã bàn bạc và thống nhất mạnh dạn tăng thêm số nái, tăng tổng đàn lợn thịt. Trước đây nhà tôi nuôi 250 nái, bắt đầu từ năm 2017 chúng tôi nuôi thêm 150 nái nữa thành 400 nái” - ông Thiệp cho hay.
Theo lý giải của ông Thiệp: “Tôi nhìn thấy hầu hết các hộ chăn nuôi phải phụ thuộc vốn vay, nên khi khủng hoảng giá lợn là bỏ chuồng rất nhiều vì thua lỗ. Khi người ta bỏ chuồng nhiều thì cung - cầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Chính từ suy nghĩ đó tôi mới quyết định tiếp tục mở rộng quy mô nuôi. Người ta bỏ thì mình phải tăng”.
Từ đầu năm 2017, ông Thiệp triển khai khai xây thêm 1 dãy chuồng cho lợn chửa, 1 dãy chuồng cho lợn đẻ, và 1 dãy chuồng nuôi lợn thịt (nâng tổng số lên 7 dãy chuồng). Các dãy chuồng mới sẽ hoàn thành và đưa lợn vào trong tháng 10 năm nay để chuẩn bị cung cấp ra thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Về trồng trọt, ông Thiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển mở rộng thêm diện tích trồng cây ăn quả lên 10ha gồm các loại cây nhãn Hưng Yên, bưởi Diễn. Đối với cây rừng cho gỗ, ông chuyển từ trồng keo sang trồng xoan lai với lý do xoan lai cho gỗ chất lượng hơn, giá thành cao hơn, nhu cầu sử dụng nhiều hơn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.