Trong số 28.000 người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc từ cuối thập niên 1990 đến nay, chỉ có duy nhất một người hối tiếc về quyết định của mình và mong chờ ngày được trở về cố quốc.
Bà Kim Ryen-hi, một thợ may ở Triều Tiên, cho biết hành động đào tẩu đến Hàn Quốc cách đây 4 năm của bà là một “sai lầm khủng khiếp”. Và người phụ nữ 45 tuổi này đã nhiều lần tìm cách vượt biên trở về Triều Tiên đoàn tụ cùng chồng con và bố mẹ già, thế nhưng điều đó đã mang lại cho bà nhiều rắc rối, kể cả việc phải ngồi tù và bị cáo buộc làm gián điệp.
Bà Kim rưng rưng nước mắt trong một cuộc họp báo ở Seoul: “Tiền tài vật chất và những thứ cám dỗ khác đều không quan trọng bằng gia đình, quê hương tôi. Tôi muốn trở về gia đình đích thực của mình, dù có phải chết đói đi chăng nữa”.
Bà Kim bật khóc khi kể về quyết định đào tẩu của mình
Bà nói với đôi mắt nhòa lệ: “Hơn bất cứ thứ gì khác, tôi chỉ mong Triều Tiên hiểu rằng tôi không phải là một kẻ phản bội, và tôi chưa từng có một giây phút nào lãng quên tổ quốc của mình”.
Điều trớ trêu là các quan chức Hàn Quốc mặc dù rất cảm thông với hoàn cảnh và tâm nguyện của bà, nhưng họ không thể giúp bà thực hiện nguyện vọng đó. Sau khi đào tẩu, bà Kim đã được nhập quốc tịch Hàn Quốc, và theo luật pháp của nước này, việc giúp một công dân sang Triều Tiên là hành động phạm pháp.
Một người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi biết rõ câu chuyện buồn của bà ấy, nhưng trong thời điểm hiện nay, theo luật pháp hiện hành, chúng tôi không có cách gì để giúp được bà”.
Câu chuyện đầy xúc động của bà Kim bắt đầu từ năm 2011, khi bà tới Trung Quốc để thăm họ hàng và được đi khám bệnh gan. Tại đây, bà gặp một tay môi giới, kẻ thì thầm rằng hắn ta có thể đưa bà tới Hàn Quốc, nơi bà có thể kiếm được rất nhiều tiền trong thời gian ngắn và sau đó trở về Trung Quốc.
Dù là vợ của một bác sĩ ở Bình Nhưỡng và có cuộc sống tươm tất hơn những người bình thường khác, nhưng không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà bà Kim vẫn đồng ý với đề xuất của tay môi giới đó, với mục đích kiếm tiền trang trải viện phí.
Trên đường đào tẩu, đã có lúc bà nhận ra rằng đây là một ý tưởng tồi, thế nhưng bọn buôn người đã tịch thu hộ chiếu của bà và tuyên bố rằng bà không còn đường quay lại. Bà nói: “Tôi lo sợ rằng nếu bị bắt khi không có hộ chiếu và bị trục xuất về Triều Tiên, tôi sẽ bị đối xử như một kẻ phản bội đang tìm cách đào tẩu tới Hàn Quốc. Tôi chỉ hy vọng rằng khi tới Hàn Quốc, đồng bào Triều Tiên sẽ hiểu cho tôi và giúp tôi về nước”.
Sau khi vượt biên qua ngả Thái Lan, bà viết một bản cam kết đồng ý đào tẩu, một yêu cầu bắt buộc đối với người Triều Tiên đào tẩu trước khi được phép nhập cảnh vào Hàn Quốc. Ngay sau khi đặt chân đến Hàn Quốc, bà đã yêu cầu Seoul cho phép bà trở về Triều Tiên, nhưng bà cay đắng nhận ra rằng, Hàn Quốc chỉ tiếp nhận người Triều Tiên đào tẩu mà không hề có quy trình ngược lại.
Lo sợ sự vắng mặt quá lâu của mình có thể khiến gia đình ở Bình Nhưỡng bị gây khó dễ, bà đã tìm mọi cách trong tuyệt vọng để trở về nước, nhưng chúng chỉ càng khiến bà lún sâu hơn vào rắc rối.
Bà Kim (phải) cùng một người bạn của mình trong căn phòng trọ ở Hàn Quốc
Bà đã gặp một tay buôn người để tìm cách vượt biên, và nhiều lần gọi cho lãnh sự quán Triều Tiên ở Trung Quốc để nhờ giúp đỡ, thậm chí còn làm giả hộ chiếu Hàn Quốc để xuất cảnh.
Rồi sau đó bà làm một việc mà bà cho là “sai lầm ngớ ngẩn”, đó là giả vờ như mình đang làm gián điệp cho Triều Tiên bằng cách thu thập số điện thoại và các thông tin cá nhân của những người đào tẩu ở Hàn Quốc. Bà nói: “Tôi cứ ngu ngốc nghĩ rằng nếu họ tin rằng tôi là gián điệp, họ sẽ trục xuất tôi về nước”.
Bà còn gọi điện thông báo hành động “gián điệp” đó cho cảnh sát và năn nỉ họ nhanh chóng tới bắt giữ mình. Cuối cùng, bà bị bắt và bị truy tố với tội làm gián điệp, làm giả hộ chiếu hồi tháng Bảy năm ngoái, thế nhưng Hàn Quốc lại không có quy định trục xuất những người làm gián điệp.
Thay vào đó, bà phải ngồi tù 2 năm. Hồi tháng Tư vừa rồi, sau khi thụ án 9 tháng, tòa phúc thẩm đã hủy bản án của bà vì cho rằng lời khai của bà không đúng sự thật. Bà được ân xá nhưng bị đặt dưới sự giám sát thường xuyên của cảnh sát.
Theo các chuyên gia pháp lý, hy vọng duy nhất cho bà Kim lúc này là một thỏa thuận chính trị giữa hai nước cho phép bà được trao trả về nước. Hàn Quốc đã từng nới lỏng chính sách không trục xuất gián điệp của mình 2 lần vào năm 1993 và 2000 như một cử chỉ thiện chí trước các cuộc đàm phán song phương.
Giờ đây, bà Kim chỉ biết chờ đợi trong cay đắng. Bà nói: “Tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng một quyết định sai lầm từ đầu với tay môi giới sẽ dẫn đến nhiều rắc rối thế này. Điều mà tôi học được là sự thờ ơ của người Triều Tiên đối với cách mọi thứ vận hành ở Hàn Quốc, cũng giống như cách người Hàn Quốc không hiểu được người Triều Tiên”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.