Lạ mà hay: Trồng hoa mười giờ ở vườn tiêu, đỡ độc hại lại đắt hàng

Thứ ba, ngày 29/08/2017 15:05 PM (GMT+7)
Từ khi ông Lâm Ngọc Nhâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu" trồng hoa mười giờ, hoa cánh bướm xen trong vườn tiêu, cây tiêu phát triển tốt, ít sâu bệnh. Năng suất tiêu tăng từ 1,5-1,8 tấn/ha lên 2 tấn/ha so với trước. Chưa hết, mỗi năm, ông Nhâm tiết kiệm được 5 triệu đồng/ha tiền mua thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài hiệu quả kinh tế, trồng hoa trong vườn tiêu cũng làm cho cảnh quan thêm sinh động...
Bình luận 0

Thời gian gần đây, người trồng tiêu tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) đã chú trọng hơn vào trồng tiêu hữu cơ, hướng tới sản xuất bền vững. Nhiều mô hình trồng tiêu xen các loại cây, hoa giúp tiêu phát triển tốt và hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Sáng Chủ nhật, ông Lâm Ngọc Nhâm, Chủ nhiệm HTX Bầu Mây, ấp Phú Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc dẫn chúng tôi thăm trang trại trồng tiêu có diện tích gần 20ha. Giữa các trụ tiêu, trước đây vốn để đất trống giờ được trồng bao phủ bởi hoa mười giờ, hoa cánh bướm đủ màu sắc trông rất đẹp mắt.

img

Ông Lâm Ngọc Nhâm trồng xen hoa mười giờ trong vườn tiêu của mình. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Lâm Ngọc Nhâm cho biết, 3 năm trước, ông bắt đầu trồng hoa mười giờ, hoa cánh bướm trong vườn tiêu. Hoa vừa thu hút các loại côn trùng gây hại cho vườn tiêu vừa tạo ra sản phẩm hữu cơ giúp tiêu phát triển, giảm thiểu việc phải sử dụng thuốc BTVT. Mô hình này được ứng dụng nhiều trong trồng lúa, hoa màu, tuy nhiên, đối với tiêu thì chưa được áp dụng nhiều.

Ông Nhâm cho biết: “Từ khi trồng hoa xen trong vườn tiêu, cây tiêu phát triển tốt, ít sâu bệnh. Năng suất tiêu tăng lên 2 tấn/ha so với 1,5-1,8 tấn như trước đây. Mỗi năm, tôi cũng tiết kiệm được 5 triệu đồng/ha tiền mua thuốc BVTV. Ngoài hiệu quả kinh tế, hoa trong vườn cũng làm cho cảnh quan thêm sinh động”.

img

Ngoài hoa mười giờ, nhiều nông dân trồng tiêu sạch ở huyện Xuyên Mộc còn trồng xen hoa cánh bướm trong vườn tiêu. Ảnh: IT.

Ngoài hoa, nông dân tại HTX Bầu Mây còn trồng cây đậu phộng dại (lạc dại) trong vườn tiêu. Chị Trịnh Thị Thanh Nhàn (ấp Phú Thiện) trồng 1ha tiêu. Từ năm 2015, chị trồng thêm cây đậu phộng dại trong vườn. Theo chị Nhàn, đậu phộng dại giữ độ ẩm cho đất, giúp tiết kiệm nước tưới vào mùa khô. Việc trồng đậu phộng dại còn có một số tác dụng khác như: tổng hợp chất dinh dưỡng, giúp chuyển đổi đạm khó hấp thu thành đạm dễ hấp thu cung cấp lại cho cây trồng, giúp cải tạo đất, làm đất tơi xốp hơn.

Bên cạnh đó, đậu phộng dại trồng được một năm có thể cắt bỏ rồi ủ cạnh gốc tiêu là làm phân hữu cơ. Chị Nhàn cho biết: “Trước đây, năng suất tiêu trong vườn chỉ đạt 2 tấn/năm. Sau 2 năm trồng xen đậu phộng dại trong vườn tiêu, năng suất tăng lên gần 2,5 tấn/ha/năm. Lượng phân bón hóa học sử dụng cũng giảm đi một nửa, tiết kiệm được gần 15 triệu đồng/năm”.

img

Đậu phộng dại (lạc dại) trồng xen trong vườn tiêu vừa giảm chi phí sản xuất, cải tạo đất, vừa giúp nông dân đảm bảo sức khỏe, tạo cảnh quan đẹp. Ảnh: IT.

Theo Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh BR-VT, trồng các loại hoa, đậu phộng dại giúp cải tạo đất, tăng khả năng chống chọi dịch bệnh cho cây tiêu lên nhiều lần. Trồng đậu phộng dại cũng giống như trồng dây khoai lang, chỉ cắt ra rồi trồng xuống, tỷ lệ sống gần như 100%. Sau khi trồng được khoảng 1 năm, cây đậu phộng dại đã phát triển xanh tốt, người trồng tiêu có thể cắt và ủ vào gốc tiêu để giữ độ ẩm và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây tiêu. Đặc tính của cây đậu phộng dại là khi cắt cây vẫn tiếp tục tái sinh và phát triển bình thường. Đây cũng là phương pháp trồng các loại hoa khác như mười giờ, hoa cánh bướm...

Ngoài trồng xen hoa, đậu phộng dại, nông dân HTX Bầu Mây còn sử dụng loại phân vi sinh được làm từ vỏ cua và phôi trứng gia cầm để chăm bón vườn tiêu. Loại phân này cần chi phí thấp, chỉ khoảng 55 ngàn đồng/lít nhưng vẫn đem lại hiệu quả giống các loại phân hữu cơ khác trên thị trường.

“Nhờ trồng sản phẩm sạch nên năm 2016, tiêu của HTX Bầu Mây xuất khẩu được gần 100 tấn sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản với giá cao hơn từ 20-30% giá thị trường. Đặc biệt sản phẩm tiêu đỏ có giá 500 ngàn/kg”, ông Lâm Ngọc Nhâm thông tin thêm.

Ông Bùi Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp cho biết: “Hiện diện tích trồng tiêu trên địa bàn xã khoảng 2.600ha, trong đó, có 150ha trồng tiêu sạch. Hiện nhiều nông dân đang hướng đến sản xuất nông nghiệp sinh thái, hạn chế dùng các loại thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng các loại thuốc sinh học ít gây hại cho môi trường và con người. Đồng thời, họ trồng xen cây hoa, cỏ có ích trong vườn, ruộng để dụ thiên địch về diệt các loại côn trùng gây hại. Với cách làm trên giúp giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, năng suất hạt tiêu tăng và  bảo đảm vệ sinh môi trường”.

Theo Ông Nguyễn Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu tỉnh, hiện nay một số địa phương trên địa bàn tỉnh như các xã  Xà Bang, Kim Long, Quảng Thành, Bình Giã (huyện Châu Đức) và Hòa Hiệp, Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc)... đã nhân rộng mô hình trồng hoa mười giờ, hoa cánh bướm, đậu phộng dại trong vườn tiêu.

Những năm trở lại đây, Hiệp hội thường xuyên phối hợp với các nhà khoa học mở các lớp tập huấn về trồng tiêu sinh thái cho nông dân, trong đó tiếp tục nhân rộng mô hình này đến các hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời Hiệp hội cũng đang phối hợp với Sở NN-PTNT và một số DN thành lập gần 30 nhóm sản xuất tiêu sạch đạt chuẩn GlobalGAP nhằm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... 

Quang Vinh (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem