Nỗi khổ nhà giáo thời giáo dục bị nhầm là dịch vụ

Thứ năm, ngày 18/11/2021 09:42 AM (GMT+7)
Khác với tâm lý mong chờ, ngày 20/11 có lúc thành nỗi ám ảnh với nhiều giáo viên khi bị hiểu nhầm ngày lễ thành ngày làm
Bình luận 0

Cô giáo Nguyễn Mai Hoàn (giáo viên lớp 4, một trường tiểu học tại Hà Nội) chia sẻ, trước đây cô rất mong đợi ngày lễ hội của ngành Giáo dục và là Ngày Nhà giáo, ngày "tôn sư trọng đạo" nhằm mục đích tôn vinh những người dạy học. Tôn vinh những người trong ngành giáo dục.

Nỗi khổ nhà giáo thời giáo dục bị nhầm là dịch vụ - Ảnh 1.

Ngày 20/11 là ngày tôn vinh thầy cô

Niềm hạnh phúc lớn nhất của những người làm nhà giáo như cô là nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ, những tình cảm chân thật, ấm áp từ các thế hệ học trò của mình.

Cô Hoàn kể, trước đây, học sinh đến nhà cô rất ngây thơ, vui vẻ, những món quà chỉ là các tấm thiệp đơn giản được gấp vội bằng tờ giấy màu. Học sinh đến nhà, cô còn luộc cả nồi khoai, cô trò ngồi ăn vui vẻ cùng nhau, rất tình cảm, ấm cúng.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, có lúc, có khi cô đã phải tìm cớ lánh mặt, không ở nhà để không phải khó xử khi từ chối nhận quà của học sinh.

Cô Hoàn nói, học sinh bây giờ không còn được như ngày xưa, ngày lễ bị coi là ngày làm dịch vụ, là dịp để giáo viên nhận quà, nhận phong bì. Vì điều này, nhiều học sinh, kể cả phụ huynh đến với cô giáo nhân dịp 20/11 cũng một phần vì bắt buộc, vì nghĩa vụ, thậm chí là đến để thương lượng, giao dịch, trao đổi chứ không bằng tình cảm hay vì lòng biết ơn.

"Tôi đã nhiều lần, cứ đến ngày lễ 20/11 là phải đi sang nhà người thân chơi, tắt điện, khóa cửa để phụ huynh, học sinh không đến nhà.

Cũng có nhiều lần, gọi tôi không được thì phụ huynh cài hoa, phong bì ở cửa nhà tôi rồi nhắn tin lại cho tôi biết. Tuy nhiên, hôm sau tôi đã tế nhị gọi học sinh đó ra ngoài gặp riêng, cảm ơn tình cảm của gia đình và xin gửi lại phong bì cho em đó.

Ngày xưa mong chờ bao nhiêu thì bây giờ lại thấy hụt hẫng, khó xử bấy nhiêu", cô Hoàn tâm sự.

Thừa nhận, thực tế có nhiều giáo viên thực dụng, xem ngày 20/11 này đúng là một ngày "kiếm tiền". Cô Nguyễn Thị Phương (giáo viên lớp 6, một trường THCS tại Hà Đông) cho biết, đồng nghiệp của cô cũng có không ít người đã gợi ý học sinh ngay trên lớp để tặng quà sớm. Mỗi giờ, mỗi tiết học của cô lại được cô nhắc lại với điệp khúc "cô rất háo hức chờ đợi ngày 20/11 để xem quà tặng của các em là gì? Cô nhận tất cả quà tặng, không từ chối món quà nào các con nhé?...".

Theo cô Phương, chính vì cách hành xử của một số giáo viên chưa chuẩn mực đã khiến phụ huynh, học sinh hiểu nhầm, ngày lễ bị biến thành ngày làm kinh tế.

Đừng làm giáo viên khó xử

Rất đồng cảm, chia sẻ với tâm sự của cô giáo Hoàn, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn được giữ lại được những giá trị thiêng liêng đúng nghĩa của ngày lễ 20/11. Đó là ngày gặp gỡ, là ngày tri ân, là ngày vun đắp cho tình nghĩa thầy trò thêm gắn bó.

Mặc dù vậy, vẫn có những câu chuyện tương tự như vừa kể trên bởi lẽ do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, nhiều giáo viên sống thực dụng hơn, tư lợi nhiều hơn. Trong khi, phụ huynh cũng cơ hội, cũng chạy theo thành tích mà có những cư xử vượt ngoài lễ nghĩa, tình cảm, tạo thành một thói quen xấu trong xã hội.

Vị GS cho biết, có không ít giáo viên rất mong đợi những ngày lễ, tết để được học sinh, phụ huynh tới nhà tặng quà, tặng tiền. Có không ít phụ huynh thực sự coi đây là ngày làm dịch vụ, chuyển thẳng tiền qua tài khoản cho giáo viên chứ không còn là bó hoa, thiệp chúc nữa.

"Phong trào tặng quà, tặng phong bì cho giáo viên khiến không ít học sinh và cả giáo viên phải khó xử.

Giáo viên nhận cũng khó mà trả lại cũng không xong.

Trong khi, một học sinh này tặng được quà, học sinh khác không có điều kiện để tặng lại tủi thân, tự ti. Vì để bằng bạn bằng bè, để không bị giáo viên trù dập, nhiều phụ huynh cứ thế phải gồng lên, cố gắng xoay trở để mua quà, làm phong bì. Khổ nỗi, tặng giáo viên không phải tặng một thầy cô, mà còn cô chủ nhiệm, cô bộ môn chính, rồi cả cô bộ môn phụ. Có phụ huynh kể, riêng ngày lễ này đã phải mất tới vài triệu tiền làm phong bì", ông kể.

Vẫn theo vị GS, lại có những phụ huynh vì chạy theo thành tích, vì muốn con phải có được kết quả thế này thế kia, hoặc vì con quá bướng bỉnh, khó bảo nên cũng tìm mọi cách lấy lòng các thầy cô nhân dịp này. Họ coi ngày lễ là ngày để trao đổi, thương lượng, hi vọng con mình được nương tay, được quan tâm nhiều hơn, ưu ái hơn. Với những phụ huynh như vậy, họ thật sự coi ngày 20/11 là một ngày làm dịch vụ đúng nghĩa, chứ không phải là một ngày lễ để tri ân, rất đáng buồn.

Tuy nhiên, trong số này cũng vẫn còn nhiều nhà giáo chân chính, họ e ngại, xấu hổ, thậm chí phải tìm cách né tránh để không phải khó xử.

"Với những nhà giáo chân chính, họ không thể đành lòng nhìn học sinh đi cả mấy cây số chỉ để mang quà bố mẹ gửi tới cho thầy cô. Cần phải hiểu rằng đây là ngày lễ tri ân, không phải ngày tặng quà hay nhận quà. Có nhiều giáo viên đã phải yêu cầu học sinh không được đến nhà thay vào đó chỉ là buổi gặp mặt, giao lưu trên lớp, là dịp để thầy cô và học sinh tâm sự, chia sẻ, hiểu nhau hơn", vị GS chia sẻ.

Vị GS cho biết thêm, ông từng chứng kiến một thời gian khi học sinh đến chúc mừng thầy cô giáo bằng cam, và khi đó ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam đã bị nhại tên, đọc thành "ngày Hiến cam". Rất nhiều giáo viên khổ tâm vì việc này.

"Bây giờ không phải là ngày Hiến cam nữa nhưng lại bị gọi là ngày làm dịch vụ, là ngày nhận phong bì, rất mang tiếng cho những giáo viên chân chính.

Họ chỉ mong muốn ngày 20/11 đúng là ngày lễ tri ân đúng nghĩa chứ không phải là ngày để thầy cô được nhận quà hay phong bì. Nếu giáo viên lại chỉ mong được nhận phong bì của học sinh thì cần phải xem lại tư cách đạo đức của những giáo viên này, bởi như vậy thì không còn tác dụng giáo dục nữa.

Tuy nhiên, về phần phụ huynh cũng cần nhận thức đúng đắn, tôn trọng giáo viên hơn, vì đôi khi cách hành xử thực dụng của họ, vì mục đích riêng của họ vừa làm khó giáo viên lại vừa khiến con trẻ có cái nhìn lệch lạc về các thầy cô. Nếu giáo dục mà cũng lấy thước đo là đồng tiền làm chuẩn, thì quá nguy hiểm, bởi khi đó, giáo viên cũng không thể dạy được học sinh nữa", vị chuyên gia khuyến cáo.

Thái An (datviet.trithuccuocsong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem