Nỗi lo cho đời cho đạo

Nguyễn Quang Thân Thứ bảy, ngày 04/10/2014 06:44 AM (GMT+7)
Vụ ông sư thầy ở Hải Dương mê hi-tech (sản phẩm kỹ thuật cao, hiện đại) và chơi facebook, chụp ảnh tự sướng, khoe trai đẹp... ầm ĩ trên công luận mấy ngày qua xem chừng đã được kết thúc bằng một án kỷ luật cảnh cáo nhẹ hều của Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo tỉnh.
Bình luận 0

Việc có thể xong nhưng lòng vẫn chưa yên. Xưa nay, các tôn giáo chân chính sinh ra dường như có chung mục đích là sửa chữa, điều chỉnh lại những sai lầm của con người trên bước đường tiến hóa. Không đạo chân chính nào phản bác sự tiến bộ từ ăn lông ở lỗ bước dần tới cuộc sống văn minh. Nhưng đạo nào cũng muốn cảnh tỉnh con người không được kiêu ngạo để có những bước đi, những hành động thái quá. Bởi đó là nguồn gốc, nghiệp chướng, kiếp người trầm luân trên Trái đất. Đời là bể khổ, càng khổ thêm nếu sa đà vào một xã hội tiêu dùng vô hạn độ như ngày nay, nếu cái hố ngăn cách giàu nghèo được khoét sâu, nếu cái chăn hạnh phúc bị kéo về một số người, số còn lại đành chịu cảnh “xương chết buốt” (thơ Đỗ Phủ).

Cho nên mới có chuyện thành Xô Đôm sa đọa bị Thiên Sứ hủy diệt bằng diêm sinh trong Kinh Thánh (Tân Ước). Cho nên Đức Phật mới tự nguyện rời bỏ thành quách nguy nga và cuộc sống vương giả để chọn gốc Bồ Đề. Cho nên Lão Tử mới nói: “Biết dừng là biết đủ” (Tri chi tri túc). Còn Đức Giê-su thì cho rằng “người giàu lên Thiên đàng khó như lạc đà chui qua lỗ kim”. Một Nguyễn Trãi nho giáo vui vẻ với “áo mặc nề chi gấm là”, một nho gia Nguyễn Bỉnh Khiêm thì tự trào “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ- Người khôn người đến chốn lao xao”. Không phải các vị ấy thù ghét người giàu, ưu ái người nghèo, lấy cái nghèo làm cứu cánh. Nhưng cũng chỉ muốn điều chỉnh xu hương tha hóa “tiêu dùng vô hạn độ” mà thôi. Ví dụ, con người đâu cần có bom nguyên tử? Vậy mà vẫn cứ đua nhau làm ra thứ bom hủy diệt ấy.

Thực ra, về phương diện cảnh tỉnh nguy cơ tha hóa thì các tôn giáo dù có hàng ngàn năm lịch sử đã không làm được gì nhiều. Nhưng không có sự nhắc nhở thường trực ấy thì chắc nhân loại không còn được như ngày nay mà đã biến thành rô - bốt. Tôn giáo giống như cái phanh không cho sự tha hóa tuột dốc quá nhanh, quá nguy hiểm. Không ai cấm hoặc lên án các vị tu hành (Phật giáo, Công giáo hay Nho giáo...) sử dụng phương tiện kỹ thuật của xã hội hiện đại. Nhưng người ta có quyền đặt câu hỏi: Nếu các vị ấy (như trường hợp sư thầy chơi hi-tech kia) mà cũng mê mẩn, sung sướng và hăng hái quảng cáo (như đập hộp iPhone lấy may) như người thường thì còn gì để làm chậm lại quá trình tha hóa khó cưỡng lại của con người?

Nỗi lo cho đời cho đạo chính là chỗ đó.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem