Nỗi lòng của người phụ nữ ở nhà nội trợ

Thứ sáu, ngày 26/06/2015 06:31 AM (GMT+7)
Chị Hạnh Dung kính mến! Em lấy chồng gần hai năm, có một bé gái bảy tháng tuổi. Chồng em làm trong ngành dịch vụ nên bốn tháng mới về nhà ở được một tháng rồi lại đi tiếp.
Bình luận 0

Thu nhập của chồng em cao nên anh yêu cầu em ở nhà nội trợ, chăm lo cha mẹ chồng, nuôi con, kinh tế gia đình do anh chu cấp. Tuy nhiên, từ khi em về làm dâu, chồng em đưa tiền cho em giữ và phân phối, thì cha mẹ chồng không bằng lòng rõ rệt. Cha chồng em nói em phước đức lắm mới được vô làm dâu nhà họ. Má chồng còn nói gần nói xa sợ em mang tiền về bên nhà ngoại. Tiền anh gửi cũng nhiều nhưng hôm nay cha chồng hỏi đi đám giỗ, bữa sau em chồng lên mượn tiền, bữa nữa má chồng đi trị bệnh… nên không còn bao nhiêu.

img
Ảnh minh họa
Phần khác con đau ốm, thuốc men, chồng em đâu biết. Em có lần than thở chuyện giữ tiền mà không chủ động, cứ ngỡ nói ra anh sẽ hiểu và khích lệ, không ngờ anh làm ầm lên, quy kết em nói xấu nhà chồng, ăn rồi ở không xài tiền mà còn kiếm chuyện. Tệ hơn, anh còn đem những lời em nói về nhà chồng trong lúc nóng giận gửi cho cha mẹ anh xem và kể hết mọi chuyện. Nhiều lần em đã cố gắng nhưng hầu như không thể tâm sự được bất cứ chuyện gì với anh, vì anh luôn sẵn sàng gây chiến. Em rất buồn vì cách anh giải quyết vấn đề. Em nghĩ, với bản chất anh như thế thì cũng khó sống với nhau lâu dài, phải ly hôn thôi. Nếu níu kéo, anh sẽ càng nghĩ em tham tiền nên mới chịu vậy, càng đem đồng tiền ra để lớn lối với mẹ con em…

 

Bích Nhiên (TP.HCM)

Trả lời:

Em Bích Nhiên mến,

Trong chuyện của em, có hai vấn đề cần giải quyết: phụ thuộc kinh tế và quản lý tiền bạc. Hai chuyện này ảnh hưởng xấu đến hôn nhân, nên em phải giải quyết ngay. Giải quyết xong mà hôn nhân tốt lên thì coi như bốc thuốc đúng bệnh, nếu không thì mới nên tính đến chuyện chia tay. Đừng đem ly hôn ra làm giải pháp cho tất cả mọi chuyện, em ạ.

Về chuyện quản lý tiền bạc, em nên có sổ sách ghi chép rõ ràng. Chồng gửi về bao nhiêu tiền, ngày nào; em đã phải chi bao tiền cho những khoản nào, ngày nào. Có những khoản chi lớn như cho anh chị em hay ai đó vay mượn, cần phải viết giấy vay mượn, có ký tên rõ ràng, mất lòng trước được lòng sau, vì đồng tiền đó mình không trực tiếp làm ra, mà chỉ là người thay mặt để quản lý. Những khoản tiền cho chợ búa cơm nước, đau ốm thuốc men… ai cũng nghĩ là chi tiêu lặt vặt, nhưng thực ra là lớn hơn, nhiều hơn số mình nghĩ.

Cha mẹ chồng cần tiền đi đám tiệc hay có việc riêng, mình phải vui vẻ lễ phép đưa cho ông bà thôi, nhưng nhớ ghi chép lại. Nếu em lập được sổ, theo dõi hằng ngày, em sẽ điều tiết được chuyện chi tiêu. Cuối tháng hay cuối kỳ lúc tổng kết lại thì cũng rõ ràng hơn, chồng em có thể xem xét và hiểu được việc ở nhà, khỏi nghe người này nói đi, người kia nói lại. Bản thân em cũng tránh được tiếng mang tiền về nhà ngoại.

Vì mình ở nhà không đi làm, nên mới mang tiếng ăn không chỉ biết xài tiền. Khi con em lớn chút nữa, em có thể tính chuyện gửi con để tìm công việc nào đó đi làm. Muốn giữ tiền yên ổn, ít nhiều gì mình cũng phải làm ra tiền. Dân gian bảo, tiền mình làm ra thì giữ được, tiền của người khác thì bay đi. Cũng có chút khó khăn khi chồng em cứ muốn vợ ở nhà nội trợ, nhưng nếu có lý có tình, em vẫn có thể thuyết phục được anh ấy. Vợ chồng phải cùng nhau chung tay xây dựng hôn nhân mới bền vững. Chúc em thu xếp yên ổn, quản lý được gia đình và hạnh phúc của mình.

(Theo Phunuonline)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem