NÓI THẲNG: Bộ GD-ĐT nói gì cũng đúng sao?

Thứ năm, ngày 21/12/2017 09:40 AM (GMT+7)
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Dù mới là dự thảo nhưng đã có nhiều ý kiến khác nhau.
Bình luận 0

Theo dự thảo, sẽ cho phép một số trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, thay vì cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức như hiện nay.

Còn nhớ hồi tháng 4.2015, việc xét tuyển và thi tuyển vào lớp 6 ở Hà Nội rối như đèn cù, đặc biệt đối với các trường chuyên, trong khi đó Bộ GD-ĐT cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới bất kỳ hình thức nào. Ngày 17.4, Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép 3 trường thực hiện khảo sát năng lực học sinh (thực tế là thi tuyển) để tuyển sinh vào lớp 6, gồm các trường: Marie Curie, Nguyễn Tất Thành và Lương Thế Vinh.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, ngay trong tối 17.4.2015, Sở GD-ĐT Hà Nội lại có văn bản hỏa tốc yêu cầu tất cả các trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội không được phép thi tuyển vào lớp 6 dưới bất kỳ hình thức nào. Công văn này cũng giải thích sở dĩ phải làm như vậy vì TP Hà Nội phải làm đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc không thi tuyển vào lớp 6.

Trước đó, tháng 11.2014, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ là Phạm Vũ Luận đã ban hành chỉ thị cấm các trường không được tổ chức khảo sát năng lực học sinh, không được tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Chỉ đạo này nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm - học thêm.

Tại cuộc họp giao ban với lãnh đạo sở GD-ĐT của 5 thành phố lớn hồi cuối năm 2014, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục khẳng định: Về nguyên tắc không được tổ chức thi vào lớp 6, vì đây là cấp học phổ cập. Nếu thi hay kiểm tra văn hóa để tuyển sinh đầu vào, sẽ gây nên tình trạng dạy thêm - học thêm.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT phản ánh đúng bản chất của mục tiêu giáo dục THCS là phổ cập. Việc không thi tuyển vào lớp 6, tiến tới xóa trường chuyên ở bậc THCS là đúng định hướng giáo dục phổ thông. Thực tế đã chứng minh nếu còn tổ chức thi tuyển vào lớp 6 thì còn học thêm - dạy thêm, gây áp lực lên học sinh tiểu học. Ngay cả việc bỏ trường chuyên ở bậc THCS cũng cần thiết vì xóa bỏ những đặc quyền của nó và thúc đẩy các trường THCS thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Về nguyên tắc, Bộ GD-ĐT đã thực hiện đúng đường lối giáo dục của Đảng, nhằm thực hiện nghị quyết của BCH Trung ương Đảng ngày 24.12.1996: "Không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và THCS, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao".

Các chuyên gia giáo dục cho rằng việc cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6 là thực hiện đúng Luật Giáo dục, không có trường chuyên, lớp chọn ở bậc tiểu học và THCS; và tất nhiên cũng không cần phải thi tuyển gì nữa. Những trường đã "lỡ" thành trường chuyên hoặc tên gọi khác như "chất lượng cao"… sẽ trở thành những trường bình thường.

Luật Giáo dục cũng quy định: "Trường chuyên được thành lập ở cấp THPT, dành cho những học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện". Như vậy, rõ ràng việc hình thành các trường THCS chuyên như hiện nay là không hợp pháp.

Với định hướng giáo dục như vậy, trường chuyên cấp THCS sẽ "chết". Nhưng thực tế nó không "chết", điển hình như Trường Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội), Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), THCS Cầu Giấy (Hà Nội)… và công tác tuyển sinh vào các trường này rất phức tạp vì số lượng học sinh xin xét tuyển vào quá đông có khi 1 chọi 7, chọi 8, hơn cả thi vào đại học!

Việc cấm thi tuyển vào lớp 6 đã khiến các trường này tìm cách lách luật để tổ chức thi tuyển, như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa núp dưới danh nghĩa là "Khảo sát năng lực tiếng Anh", thực tế là thi tuyển.

Nay, vào thời điểm cuối năm 2017, Bộ GD-ĐT lại cho phép một số trường THCS, trong đó có các trường chuyên "không hợp pháp" được tổ chức thi tuyển qua một dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và THPT.

Chẳng lẽ quan điểm trước đây là cấm, bây giờ lại có thể cho phép thi tuyển vào lớp 6 của Bộ GD-ĐT cũng đều đúng?

Việc thi tuyển vào vào 6 có trái với Luật Giáo dục; có trái với đường lối, định hướng giáo dục của Đảng? Việc các trường chuyên ở cấp THCS vẫn tồn tại như hiện nay, có đạt hiệu quả xã hội, có trái luật; có nên tồn tại và tồn tại như thế nào?

Trả lời được những câu hỏi đó một cách khoa học, Bộ GD-ĐT mới làm yên tâm dư luận; chứ không phải lúc thì ra lệnh cấm một cách tuyệt đối, lúc "hứng" lên lại cho phép thi tuyển vào lớp 6.

Lưu Nhi Dũ (Người Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem