Đồng Nai công bố mức thưởng tết “khủng”
Chiều 27/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm này đã có hơn 1.700 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh báo cáo tình hình thưởng Tết 2018.
Theo đó, mức thưởng Tết cao nhất thuộc về một doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hóa chất ở khu công nghiệp Gò Dầu (huyện Long Thành) với số tiền thưởng lên đến 408 triệu đồng.
Mức thưởng Tết trung bình của năm 2018 khả quan hơn so với năm trước (Ảnh minh họa)
Tiếp đến là mức thưởng 94 triệu đồng của một doanh nghiệp dân doanh. Như vậy, kỷ lục thưởng Tết 2018 cao nhất cho tới thời điểm này vẫn đang thuộc về một doanh nghiệp dân doanh tại tỉnh Sóc Trăng với hơn 466 triệu đồng.
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, chiều mai (28/12), Sở này sẽ công bố kết quả khảo sát tình hình thưởng Tết 2018 của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Trước đó, mức thưởng Tết 2017 cao nhất của TP.HCM là 1 tỉ đồng (cao nhất so với cả nước), thậm chí vào dịp Tết 2016 thì mức thưởng còn ghi nhận kỷ lục hơn 2 tỉ đồng.
Thay đổi chữ viết sẽ tiết kiệm được tài nguyên sinh học
Sau những ngày bị dư luận "ném đá" về đề xuất cải tiến Tiếng Việt, mới đây PGS.TS.Bùi Hiền lại gây “sốc” khi tiếp tục công bố phần 2 cải tiến tiếng Việt.
Theo đó, trong phần cải tiến lần 2, chữ "q" biểu thị chữ "th"(thờ); chữ "w" biểu thị chữ "ng" (ngờ). (Trước kia, chữ "q" biểu thị chữ "ng"). Như vậy, nếu theo bảng chuyển đổi thì tất cả các từ kết thúc bằng âm “ng” sẽ biến đổi thành “w”. Ví dụ: Cải tiến “tiếq Việt" trở thành cải tiến "tiếw Việt".
Bảng chuyển đổi hoàn chỉnh bảng chữ viết tiếng Việt của PGS.Bùi Hiền
Theo ông Hiền, ở phần 2, không thay đổi gì về phụ âm và nguyên âm, chỉ cải tiến cách biểu đạt (chữ in đậm trong bảng chuyển đổi) gắn với cách viết. Ngoài ra, ông Hiền lại giữ nguyên chữ “nh” như chữ viết tiếng Việt hiện hành. Ông Hiền không đổi “nh” thành “n'” như phần 1 vì “nh” và “n’” vẫn là hai âm vị.
PGS Bùi Hiền cho biết, mục đích của ông sau khi hoàn thiện công trình nghiên cứu tiếng Việt giúp sử dụng câu chữ đơn giản, gọn gàng, tiết kiệm, hợp lý, văn minh hơn.
“Việc cải tiến chữ viết tiếng Việt lần này cũng chính là để hướng tới tiếp tục nâng cao hiệu quả của bộ chữ cái La tinh đã trở thành chữ quốc ngữ của Việt Nam bây giờ. Ngoài ra, cải tiến này sẽ tạo điều kiện cho ngành thông tin điện tử, các máy tính, máy điện thoại thông minh tiếp tục cải tiến và tiết kiệm được đáng kể nguồn tài nguyên tin học”, ông Hiền nói.
Không đủ cơ sở khởi tố vụ "bà 49 bị tố hiếp dâm trẻ 15"
Ngày 27/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) cho biết sau thời gian thụ lý xác minh tố giác của ông THN, ngụ ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, cơ quan này đã quyết định không khởi tố vụ án giao cấu với trẻ em vì không có sự việc phạm tội. Quyết định đã được VKSND huyện Củ Chi đồng tình.
Ông N. đang trình bày nội dung tố cáo với phóng viên tại UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn
Trước đó, theo đơn tố cáo của ông N. thì ông N. nhận nuôi em PHH, sinh ngày 2/9/2002. Ngày 2/7/2017, ông N. và em H. có mâu thuẫn nên em H. bỏ đi. Bốn ngày sau, ông tìm được H. Về nhà, H. kể lại rằng đã bị bà CTT, là chủ nhà nơi ông N. thuê mặt bằng bán quán ăn, chở đến nhà nghỉ Cây Bàng, thuộc ấp 4B, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi giao cấu hai lần.
Thụ lý đơn tố giác tội phạm, Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi đã điều tra, xác minh. Kết quả là bà T. cho rằng mình bị ông N vu khống, còn nhà nghỉ thì không có camera an ninh, không có tên bà T. và em H. vào thuê phòng.
Nữ y sỹ làm 103 cháu bé bị sùi mào gà ở Hưng Yên bị bắt
Ngày 27/12, Đại tá Phạm Thế Tùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, đơn vị đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Thị Hiền (48 tuổi, trú tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) về tội "Vi phạm quy định về khám, chữa bệnh".
Trẻ mắc sùi mào gà ở Hưng Yên.
Trước đó, Bệnh viện Da liễu Trung ương thông báo về sự gia tăng bất thường các bé trai mắc bệnh sùi mào gà tại tỉnh Hưng Yên. Cùng lúc đó, một số phụ huynh có con bị mắc bệnh sùi mào gà trên địa bàn các huyện Khoái Châu và Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) có đơn tố giác gửi đến Công an tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ nguyên nhân.
Ngày 14/7, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh của bà Hoàng Thị Hiền (ở Khoái Châu, Hưng Yên), qua đó phát hiện các sai phạm của y sĩ Hiền gồm: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; bán thuốc cho người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh và hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép.
Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên đã trưng cầu giám định, xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể với 32 bệnh nhi mắc sùi mào gà. Kết quả cho thấy, các cháu bị tổn thương cơ thể từ 6-25%, tổng tỷ lệ tổn thương của 32 cháu là 302%. Sau đó, căn cứ tài liệu thu thập, Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về khám, chữa bệnh”.
Công an điều tra clip bé trai gào khóc khi bị bạo hành
Chiều 27/12, bà Đoàn Thị Mỹ Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thành (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) cho biết, bé trai trong clip tên Đỗ Đ.M.Đ (2 tuổi, ngụ xã Đắk Wer), còn người phụ nữ hành hạ bé M. là bà Phạm Thị Vấn (SN 1954, ngụ huyện Đắk R’Lấp). Bà Vấn thuê nhà của ông T. ở thôn 6, xã Kiến Thành để mở một cơ sở giữ trẻ tự phát với tổng cộng 10 trẻ nhỏ.
Hình ảnh bé trai bị bạo hành (Ảnh cắt từ clip)
Lãnh đạo UBND xã Kiến Thành cho biết thêm, sau khi nắm thông tin về vụ việc, Công an huyện Đắk R’Lấp đã về địa phương phối hợp cùng Công an xã Kiến Thành điều tra vụ việc cũng như lấy lời khai của những người liên quan.
Trước đó, tối 26/12, đoạn clip dài khoảng 4 phút được chia sẻ trên mạng xã hội đã khiến cộng đồng mạng "dậy sóng". Clip ghi lại cảnh một phụ nữ lớn tuổi dùng vật cứng thọc mạnh vào bộ phận sinh dục của một bé trai rồi túm áo bé nhấc bổng lên, tát vào đầu. Dù bé trai liên tục gào khóc nhưng người phụ nữ này vẫn thản nhiên lặp lại nhiều lần các hành động trên.
Các tỉnh, thành phố đang gấp rút hoàn thành báo cáo thưởng Tết 2018 để gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.