PGS Bùi Hiền chia sẻ về công trình nghiên cứu cải tiến chữ cái tiếng Việt
Sau những ngày bị dư luận "ném đá" về đề xuất cải tiến Tiếng Việt, mới đây PGS.TS.Bùi Hiền lại gây “sốc” trong dư luận, ông tiếp tục công bố phần 2 cải tiến tiếng Việt sớm hơn so với dự định (tháng 3/2018).
Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với PGS.Bùi Hiền, tác giả công trình nghiên cứu cải tiến chữ viết tiếng Việt.
Thưa PGS Bùi Hiền, hai phần của công trình nghiên cứu cải tiến chữ viết tiếng Việt ông đã công bố, vậy cảm xúc của ông lúc này như thế nào?
Tôi đã hoàn thiện công trình nghiên cứu. Tôi đã làm được việc tôi tâm nguyện suốt 40 năm nay. Mặc dù từ trước đó, có nhiều nhà khoa học đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt nhưng không được áp dụng rồi người ta cũng bỏ đó, cho vào quên lãng. Còn tôi, tôi thấy phải tiếp tục nghiên cứu xem có cách nào cải tiến để làm cho chữ Việt dễ học hơn, hoàn chỉnh hơn, văn minh hơn và xóa nạn mù chữ được dễ hơn.
Với công trình này tôi rất tự hào vì đây là bản chữ cái duy nhất trên thế giới đạt được trình độ 1 âm 1 chữ, 1 chữ 1 âm mà có thể ghi lại toàn bộ tiếng nói của dân tộc.
Cách đây một tháng, khi ông công bố phần 1 của công trình nghiên cứu cải tiến chữ viết tiếng Việt đã vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận? Vậy, lần này công bố ông có lường trước được mình sẽ tiếp tục bị ném đá?
Khi quyết định công bố toàn bộ công trình nghiên cứu tôi cũng lường trước hết được những khó khăn xảy ra.
Tôi biết thế nào người ta cũng chửi tôi. Tôi không ngại. Cái đó không làm tôi phiền lòng. Nếu người nào thực sự quan tâm đến cải tiến chữ viết tiếng Việt sẽ nghiên cứu đến nơi đến chốn. Đến ngay trong giới ngôn ngữ học, có nhiều người ủng hộ nhưng cũng có không ít người phản đối ý tưởng của tôi.
Tôi đã công khai và tôi chấp nhận sự ném đá của dư luận. Ai ủng hộ thì tôi cảm ơn, ai không ủng hộ thì tôi cũng cảm ơn, còn người nào thóa mạ, tôi cũng không để tâm.
Nếu ai chân thành và văn minh hãy đọc kỹ đề xuất của tôi và cùng nhau trao đổi. Tôi sai, thiếu sót chỗ nào họ có quyền phản bác, chứ không phải không đọc đã ném đá như thế.
Vậy, ông có còn tiếp tục nghiên cứu và công bố phần 3,4,5…về cải tiến chữ viết tiếng Việt nữa không, thưa ông?
Sức tôi có hạn, năm nay tôi đã hơn 80 tuổi rồi nên không có đủ sức khỏe để nghiên cứu về cải tiến tiếng Việt nữa. Đây là công trình cuối cùng của tôi về tiếng Việt. Tôi sẽ dành thời gian theo một đam mê khác đó là ngôn ngữ Nga. Tuy nhiên, tôi sẽ tham gia với tư cách là người góp ý về sự trong sáng của tiếng Việt.
Ông có thể kết luận về sự cải tiến chữ viết tiếng Việt của mình để người đọc dễ hình dung hơn?
Người ta bảo tôi phá hoại văn hóa, phá hoại chữ viết và tiếng nói. Nhiều người chửi tôi là rửng mỡ à mà đề xuất đổi chữ quốc ngữ, đổi tiếng nói. Tôi xin khẳng định tôi không cải tiến chữ quốc ngữ. Tôi không cải tiến cách đọc. Tôi chỉ đổi giá trị âm vị, trừ một số chữ đổi hẳn về cách viết như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ). Những chữ này đổi về cách viết nhưng cách đọc văn bản vẫn như cũ”.
Ngoài ra, trong phần 2 của công trình tôi lại giữ nguyên chữ “nh” như chữ viết tiếng Việt hiện hành không để là “n’” vì hai âm vị viết 2 lần, không có tính tiết kiệm.
Cải tiến chữ viết tiếng Việt sẽ tạo điều kiện cho ngành thông tin điện tử, các máy tính, máy điện thoại thông minh tiếp tục cải tiến và tiết kiệm được đáng kể nguồn tài nguyên tin học.
Ông mong muốn gì từ công trình nghiên cứu của mình?
Tất nhiên đã là nhà khoa học khi nghiên cứu thì ai chẳng mong muốn công trình của mình được chấp nhận. Nhưng nếu không được chấp nhận thì công trình nghiên cứu cũng không mất đi đâu. Tôi nghĩ sau này 10 năm, 100 năm sau biết đâu có người lục lại, người ta sẽ dùng.
Với công trình này, không có ai chu cấp tiền nong, càng không có ai đặt hàng để tôi phải làm cả. Tôi làm xong, nghiên cứu xong là tôi đã thành công rồi.
Nhưng nếu công trình này được chấp nhận thì đồng nghĩa với việc hệ thống sách vở, cách sử dụng ngôn ngữ sẽ thay đổi, chẳng lẽ mọi người phải đi học lại, thưa ông?
Đúng là phải học lại từ đầu nhưng nếu tập trung, người đã học chữ quốc ngữ hiện hành chỉ mất 10 phút có thể đọc được văn bản. Nếu phải học, cũng chỉ học một ngày là xong. Vì học lại là học theo hệ thống, chứ không phải học lại nhận dạng các chữ. Còn nếu trẻ mới bắt đầu đi học thì sẽ tiếp cận nhanh hơn chữ quốc ngữ hiện hành.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
PGS.TS.Bùi Hiền lại gây “sốc” khi tiếp tục công bố phần 2 trong bài viết đề xuất cải tiến “tiếw Việt”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.