Theo lực lượng chống ma túy, hoạt động này trải dài khắp địa bàn, trên toàn tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không. Với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, số lượng ma túy mỗi lần vận chuyển trái phép vào Việt Nam và ra nước ngoài ngày càng lớn, diễn ra đồng thời ở nhiều khu vực.
Từ bưu kiện quà biếu đến lô hàng bê tông - đều có ma túy
Trong một báo cáo kết quả thực hiện công tác kiểm soát ma túy từ năm 2017 - 2020, bà Vũ Thị Thu Hà - Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực miền Nam (gọi tắt Đội 6, thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Bộ Tài chính) cho biết: "Hiện nay, phương thức thủ đoạn mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vào Việt Nam rồi chuyển ra nước ngoài hết sức đa dạng, tinh vi, khó nhận biết. Các đối tượng núp bóng doanh nhân Đài Loan - Trung Quốc hoặc người Trung Quốc thường xuyên qua lại Việt Nam, thuê các kho hàng, lập các công ty xuất nhập khẩu hóa chất, tiền chất để sản xuất ma túy, rồi cất giấu vào nông sản, máy móc, thực phẩm, hàng hóa… và thuê các công ty người Việt Nam xuất khẩu".
Cũng theo lãnh đạo Đội 6, một thủ đoạn nữa mà những kẻ chuyên buôn ma túy tận dụng là lợi dụng đi du lịch, việc qua lại của cư dân biên giới, các hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa, tạm nhập - tái xuất, quá cảnh… để mang ma túy vào Việt Nam hoặc quá cảnh đi nước thứ ba.
Thủ đoạn chủ yếu vẫn là cất giấu ma túy trong người, hành lý, vali 2 đáy, tranh ảnh, bìa sách vở… để vận chuyển qua đường hàng không, bưu điện. Gần đây, xuất hiện thủ đoạn cất giấu ma túy trong hàng hóa cồng kềnh, gia cố các đồ vật chứa, panel container… để vận chuyển ma túy bằng đường biển, đường bộ; hoặc gia cố ngăn bí mật trên phương tiện giao thông vận tải để cất giấu ma túy, rồi vận chuyển qua biên giới v.v…
Ông N.H.Q (một cán bộ của lực lượng chống ma túy phia Nam) bật mí: "Có tới 1.001 thủ đoạn tinh vi mà những kẻ buôn ma túy sử dụng để vận chuyển ma túy. Từ một gói bưu phẩm dưới dạng quà biếu, gửi về từ nước ngoài, được bọc giấy xinh xắn đến những lô hàng hóa to, nặng, cồng kềnh, chúng đều có thể cất giấu ma túy, nhằm qua mặt cơ quan kiểm soát".
Cán bộ của lực lượng chống ma túy cho hay: "Đối tượng vận chuyển ma túy rất liều lĩnh, manh động. Chúng không từ thủ đoạn nào để mang bằng được ma túy qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Thậm chí, có đối tượng còn nuốt ma túy nén thành viên vào bụng. Các đối tượng dùng các thiết bị thông tin rất hiện đại, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động…".
Cách đây khoảng 2 tháng, lực lượng chống ma túy phía Nam đã công phu theo dõi, đeo bám và bắt quả tang vụ vận chuyển ma túy, giấu kín trong kiện hàng là những thanh bê tông đúc đặc, nặng hàng tấn… Hay vụ giấu hàng trăm bánh heroin trong những động cơ xe máy đã qua sử dụng, nhập cả container về từ nước ngoài v.v…
Trong khi đó, xu thế sản xuất ma túy, sử dụng các chất ma túy tổng hợp Mathamphetamin, Ketamin, các chất gây ảo giác, các loại ma túy tổng hợp từ các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, tiền chất, keo dán dung trong công nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú, với số lượng cực lớn và quy mô công nghiệp.
Bên cạnh đó, xuất hiện các loại ma túy không ai ngờ như "ma túy tem giấy hay bùa lưỡi", lá thảo mộc KHAT (xuất phát từ châu Phi), ma túy "nước vui" (dạng dung dịch), ma túy "trà sữa", bóng cười…, vô cùng tác hại đối với con người - nhất là trẻ em.
Nguy cơ từ biên giới Tây Nam
Theo báo cáo của Đội 6: Trong những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy đã đạt được những kết quả cao, đánh trúng đường dây, ổ nhóm lớn…
Tuy nhiên, tình trạng tội phạm mua bán, vận chuyển, tiêu thụ ma túy ở nước ta vẫn diễn biến rất phức tạp, đe dọa sự bình yên của mỗi gia đình, sự ổn định và phát triển của đất nước, sự tồn vong của dân tộc trong nhiều năm tới.
Bà Vũ Thị Thu Hà - Đội trưởng Đội 6 - cho rằng: Lực lượng Hải quan vẫn được xác định là tuyến đầu, trọng điểm về phòng chống buôn bán, vận chuyển ma túy. Và, trong tình hình chung trên tuyến đầu này, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát về số vụ và cả về khối lượng ma túy được buôn bán, vận chuyển, sản xuất và tiêu thụ.
Tại các cửa khẩu đường bộ và đường biển, theo bà Hà, không có biến động lớn về phương thức thủ đoạn. Nhưng, tính chất vụ việc sẽ phức tạp và khối lượng lớn và đa dạng về chủng loại - nhất là ma túy tổng hợp mới (chưa xuất hiện trên thị trường Việt Nam) từ Trung Quốc, "khu Tam giác vàng" vào Việt Nam; các loại lá thảo mộc ma túy từ châu Phi, ma túy tổng hợp quá cảnh Việt Nam để sang nước thứ 3 tiêu thụ.
Một thủ đoạn khác là tuyến đường hàng không, nhằm tránh các tuyến trọng điểm nghi vấn đang bị lực lượng chống ma túy chú ý, các đối tượng đã đi theo đường vòng, qua nhiều nước trước khi đến Việt Nam…
Ông Vũ Tuấn Phong (Đội kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực phía Nam) cho rằng: "Hiện tuyến biên giới Tây Nam, giáp ranh Campuchia, kéo dài suốt tuyến từ tỉnh Tây Ninh cho đến tỉnh An Giang đang đứng trước nguy cơ dễ trở thành địa bàn trọng điểm để những đối tượng mang ma túy vào Việt Nam".
Ông Phong cho biết thêm, vì suốt tuyến biên giới Tây Nam có địa hình bằng phẳng; hàng ngày, người dân Việt Nam qua lại biên giới làm ăn đã nhiều năm, bằng nhiều con đường, lối mòn rất dễ dàng (có khi không qua đường chính là cửa khẩu)… nên việc thẩm lậu, vận chuyển ma túy dưới nhiều hình thức, nhiều thủ đoạn là không khó khăn.
Gần đây, nhiều sòng bài mọc lên sát biên giới, ở bên kia đất Campuchia, càng khiến cho công tác chống ma túy ở tuyến biên giới Tây Nam khó khăn. "Bởi, từng xảy ra trường hợp, con bạc người Việt Nam sang đánh bạc, thua sạch, làm liều, vận chuyển ma túy thuê cho các đối tượng bên kia biên giới v.v…"- ông Phong nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.