Nóng bỏng cuộc đua vũ khí Mỹ - Trung

Thứ bảy, ngày 15/01/2011 06:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng loạt cuộc thử nghiệm các vũ khí tối tân của Trung Quốc trong gần hai tháng qua đang khiến Mỹ - cường quốc vũ khí phía bên kia Thái Bình Dương, như ngồi trên đống lửa.
Bình luận 0

Ngay trong chuyến thăm Trung Quốc giữa tuần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, Bắc Kinh dường như muốn "nắn gân" người đứng đầu Lầu Năm Góc bằng cách phô diễn cuộc thử nghiệm máy bay J-20 - thế hệ chiến đấu cơ tàng hình gây nhiều sự chú ý nhất trong kho vũ khí được đồn thổi là cực kỳ tối tân của quốc gia châu Á này.

img
Máy bay tàng hình thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc.

J-20 diễu võ dương uy

Sự xuất hiện của J-20 được cho là sớm hơn nhiều so với dự kiến của giới phân tích quân sự phương Tây. Trước đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng cho rằng Trung Quốc sẽ chỉ có thế hệ máy bay chiến đấu thứ 5 vào năm 2020.

Trong một bài phân tích đăng hồi đầu tháng 1-2011, Tạp chí "Quốc phòng châu Á Kanwa" cho biết, J-20 được thiết kế có khả năng tàng hình tốt, có khả năng vô hiệu hóa các hệ thống radar hiện đại. Với thùng chứa nhiên liệu lớn, J-20 có thể đạt tầm bay gần 2.000km mà không cần tiếp nhiên liệu trên không. Thế hệ chiến đấu cơ này cũng có khả năng mang theo một khối lượng lớn vũ khí cho phép tiến hành các cuộc tấn công tầm xa có sức tàn phá lớn.

Một chuyên gia quốc phòng của Australia đánh giá rằng, các máy bay của Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn nếu phải "quần thảo" với J-20 trên bầu trời. Nhưng theo ông Andrei Chang -Tổng Biên tập "Quốc phòng châu Á Kanwa", J-20 chưa phải là thứ vũ khí "dữ tợn" như lời đồn.

Theo chuyên gia này, J-20 có tính cơ động cao, trang bị vũ khí mạnh nhưng tính năng tàng hình chỉ được công nhận theo tiêu chuẩn "thế hệ thứ 5" của Trung Quốc, chứ không theo các hệ số kỹ thuật phức tạp của Nga, Mỹ. "Muốn đạt tới các tiêu chuẩn về công nghệ tàng hình của Mỹ và Nga thì J-20 sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa" - ông Chang nhấn mạnh.

Thách thức “sát thủ bầu trời”

Trong khi đó, chiếc máy bay tàng hình F-35 của Mỹ (lần đầu xuất hiện tại một cuộc triển lãm hàng không tại bang Texas năm 2006) đã được nhiều chuyên gia quân sự mang lên bàn cân khi so với J-20. F-35 do Tập đoàn vũ khí Lockheed Martin chế tạo và được mệnh danh là "sát thủ bầu trời".

Sau chiếc "chim ăn thịt" F-22 Raptor, F-35 là thế hệ máy bay chiến đấu thứ 5 có giá thành sản xuất đắt đỏ nhất của Mỹ (92 triệu USD/chiếc), dự kiến sẽ thay thế phần lớn phi đội máy bay vốn chiếm ngân sách hàng trăm tỷ USD của nước này. Lockheed Martin cho biết, F-35 sẽ được lắp đặt các vũ khí "tương lai" như vũ khí laser bán dẫn và vũ khí chùm sóng ngắn năng lượng cao.

img Quá trình chạy đua sẽ gây ra bất ổn khi Nga, EU, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác sẽ bị cuốn vào cơn lốc mua sắm và phát triển vũ khí khủng khiếp, vì họ sẽ cảm thấy bị thất thế trong cuộc chơi mà hai người khổng lồ Mỹ-Trung tạo ra. img

Ông Andrei Chang

Tuy nhiên giới chức quốc phòng Mỹ vẫn có lý do để lo ngại về tiềm lực công nghệ quốc phòng của Trung Quốc, đặc biệt sau khi Đô đốc Hải quân 4 sao Robert Willard tiết lộ hồi cuối năm 2010, cho biết tên lửa đạn đạo đối hạm mới (ASBM) của Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn đầu của quá trình triển khai sau khi đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm. Loại tên lửa này được dự báo có khả năng bắn chìm cả hàng không mẫu hạm khiến giới quân sự Mỹ phải chột dạ.

Trước đó, năm 2007, Trung Quốc đã khiến Mỹ, Australia và Canada lo ngại sau khi thử nghiệm thành công việc sử dụng tên lửa để phá hủy... vệ tinh trong không gian. Đó là chưa kể đến việc Bắc Kinh từng hé lộ một số chi tiết trong dự án đóng tàu sân bay đầu tiên của nước này trong vài năm tới.

Cuộc đua ngấm ngầm

Theo nhận định của chuyên gia Chang, với hàng loạt cuộc thử nghiệm vũ khí mới trong thời gian gần đây, vô hình trung Trung Quốc đang ngấm ngầm tạo ra một cuộc chạy đua phát triển vũ khí với các cường quốc trong lĩnh vực này, đặc biệt là Mỹ- quốc gia luôn muốn vươn tầm ảnh hưởng và phô trương sức mạnh ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các chuyên gia nhận định, mặc dù cuộc bay thử của J-20 hôm 11-1-2011 được đánh giá là thành công nhưng thực tế điều đó chỉ mang tính biểu tượng, bởi Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm nữa để giải quyết các vấn đề kỹ thuật của J-20 và ít nhất 5 năm nữa nó mới được sử dụng trong lực lượng không quân.

Trong một thông báo xác nhận chuyến bay thử J-20 hôm 11-1, một quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng sự phát triển vũ khí của nước này "không nhằm trực tiếp vào bất cứ quốc gia nào". Tuy nhiên trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhấn mạnh: "Những vũ khí tối tân đó làm chúng tôi e ngại. Chúng tôi phải để tâm và phải đáp một cách thích hợp bằng những chương trình của mình".

Trong số 5 nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới hiện nay là Mỹ, Nga, Đức, Pháp và Anh thì Mỹ và Nga vẫn là hai nhà cung cấp số 1 và số 2, lần lượt chiếm 31% và 25% tổng sản lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu.

Về phía người mua, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện chiếm 11% thị phần nhập khẩu vũ khí thế giới. Ấn Độ đứng ở vị trí thứ 2, chiếm 7% thị phần nhập khẩu. Do chịu lệnh cấm vận vũ khí của Liên minh châu Âu (EU) kéo dài hơn 21 năm qua, Trung Quốc không còn cách nào khác là phải tự tăng cường tiềm lực quốc phòng.

Với việc Trung Quốc phô diễn máy bay tàng hình J-20, tên lửa diệt hàng không mẫu hạm... chuyên viên Aleksandr Fedorovski từ Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế (Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) nhận xét: Trung Quốc dường như đang thách thức trực tiếp sức mạnh quân sự của Mỹ.

Cuộc chạy đua vũ trang giữa hai quốc gia này được dự báo sẽ mang đến mối đe doạ đáng kể cho an ninh toàn khu vực. Trong khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu còn chưa chấm dứt hoàn toàn thì cuộc đua vũ khí này tiềm ẩn nguy cơ thâm hụt lớn một lượng khổng lồ ngân sách, mà lẽ ra nên để chi dùng để phục hồi những di chứng khó lành của khủng hoảng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem