|
Những vườn điều ở huyện Bù Gia Mập mùa vụ 2009-2010 đã bán non gần hết. |
Qua điều tra sơ bộ của Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước mới đây, đã có hơn 1.000 hộ (huyện Bù Đăng có 397 hộ, huyện Bù Gia Mập 630 hộ) bán điều non, cầm cố đất, bán đất hay bị lấy đất để trừ nợ.
Bán điều lấy tiền chữa bệnh, cưới vợ...
Gia đình Điểu Brôn ở cùng thôn Bình Hà có 5 miệng ăn. Đầu năm 2009 anh phải đi vay nóng 6 triệu đồng, lãi suất 100.000 đồng/tháng để trang trải cuộc sống, chờ khi 1,5ha điều cho thu thì bán trả nợ. Nào ngờ điều thất mùa, mới đây anh phải cắn răng bán non 1,5ha điều hơn 10 năm tuổi cho chủ nợ với giá 40 triệu đồng, thu trong 5 năm để trả nợ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước vừa ký quyết định giao thanh tra tỉnh phối hợp thanh tra tình trạng bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong đồng bào DTTS ở các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập.
"Tiền bán điều non giờ cũng đã xài gần hết, chờ đến mùa xin nhặt điều thuê" - Điểu Brôn cho biết. Anh Điểu Tin, thôn Bình Hà, xã Đa Kia (Bù Gia Mập) có 2ha điều. Trước Tết Nguyên đán 2010, thấy vườn điều trĩu bông, Điểu Tin kêu người đến bán, lấy trước 20 triệu đồng sửa sang nhà cửa, lo chuyện tết tư.
Nhưng thời tiết bất thường làm điều thối bông, hạt non cũng cháy nắng rồi rụng sạch. Không trả được nợ, Điểu Tin lại tiếp tục mang 2ha điều 9 năm tuổi bán non với giá 20 triệu đồng cho niên vụ sắp tới. "Trước khi bán điều non, tôi phải đi mượn nóng, cứ 1 triệu đồng sau 1 năm phải trả 1,5 triệu đồng" - Điểu Tin nói.
Theo lãnh đạo các thôn ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tình trạng bán điều non, bán đất là do bà con đi vay tiền với lãi suất cao (vay 1 triệu đồng trả 3.000-6.000 đồng/ngày) để ăn chơi, mua sắm, ăn Tết, cưới hỏi, nhậu nhẹt… Không trả được nợ phải bán điều non, cầm cố đất hoặc bị người cho vay lấy đất trừ nợ. Thời gian cầm cố từ 3-7 năm, số tiền cầm cố từ 6-10 triệu đồng/ha/năm.
Huyện Bù Đăng cũng đang "nóng" về tình trạng bán điều non và cầm cố đất đai. Gia đình anh Điểu Thu (thôn 4, xã Bom Bo) có hơn 1ha điều, năm 2007 do con bệnh nặng, anh phải vay 25 triệu đồng để chữa bệnh cho con. Không có tiền trả nợ, gia đình anh phải bán 1ha điều trong vòng 4 năm (2007-2010) với số tiền 60 triệu đồng.
Sau vụ thu hoạch 2010, anh đang kêu người bán cả vườn vì bệnh tình con không thuyên giảm và vì những khoản tiền vay mượn trong suốt 4 năm qua. Cùng xóm, anh Điểu La cũng vừa ký hợp đồng (viết tay) bán 1ha điều non trong 5 năm để lấy 35 triệu đồng trả nợ cho việc cưới vợ.
Chính quyền cần ra tay
Tình trạng bán điều non chính quyền địa phương biết nhưng khó ngăn chặn vì "bên mua" và "bên bán" chỉ làm hợp đồng viết tay hoặc nói miệng. Ông Nguyễn Đức Đăng - Phó Chủ tịch UBND xã Bom Bo cho biết: Hiện xã có hơn 120 hộ bán điều non trong nhiều năm liên tục. Thôn nào cũng có hộ bán.
Cũng đã xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhiều vụ dẫn đến kiện tụng gây mất an ninh thôn, ấp. Tình trạng bán điều non, cầm cố đất đã đẩy nhiều hộ lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất, nghèo đói.
Theo ông Huỳnh Thanh- Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức của một bộ phận đồng bào DTTS hạn chế, cuộc sống khó khăn; việc quản lý đất đai ở cơ sở bị buông lỏng; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa thường xuyên, sâu sát...
Ông đề nghị, UBND tỉnh sớm ban hành chỉ thị nghiêm cấm việc mua bán sang nhượng đất xâm canh (trên đất lâm phần) dưới mọi hình thức. Kiên quyết cưỡng chế, thu hồi lại diện tích đất chính sách nhà nước hỗ trợ đối với một số hộ dân đã cầm cố, sang nhượng trái phép và có biện pháp xử lý thích đáng.
UBND các huyện chỉ đạo các cơ sở tăng cường công tác quản lý đất đai; lập danh sách, có biện pháp giáo dục các đối tượng môi giới, cho vay nặng lãi trên địa bàn; nắm chắc tình hình các hộ bán điều non, cầm cố đất để có phương án xử lý kịp thời...
Đông Điền
Vui lòng nhập nội dung bình luận.