Nóng chuyện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nông sản

Trần Đáng Thứ năm, ngày 01/11/2018 07:24 AM (GMT+7)
Làm thế nào để đẩy mạnh bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nông sản? Vai trò Hội Nông dân ra sao trong việc bảo hộ này? Đây là những nội dung được bàn luận tại Hội thảo bảo hộ quyền SHTT sản phẩm nông nghiệp Việt Nam diễn ra 31.10 tại TP.Hồ Chí Minh, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ KH-CN tổ chức.
Bình luận 0

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã lên tiếng kêu gọi cần thiết phải xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho nông sản Việt “ngay bây giờ hoặc không bao giờ”. Điều đó đã cho thấy, việc bảo hộ quyền SHTT nông sản đang cấp bách hơn bao giờ hết.

Bị cướp quyền SHTT rất dễ 

img

Quang cảnh buổi Hội thảo bảo hộ quyền SHTT sản phẩm nông nghiệp Việt Nam diễn ra 31.10 tại TP.HCM. Ảnh: T.Đ

Nổ phát súng đầu tiên tại buổi hội thảo, GS.TS Võ Tòng Xuân - Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, ở Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ quyền SHTT như hiện nay thì đến Bill Gate “cũng phải thua, phải nghèo”! GS Xuân cho đây là “nạn cướp quyền SHTT”.

“Nông dân, doanh nghiệp làm ra sản phẩm nông nghiệp nhưng không ai bảo vệ, thậm chí cả các cơ quan chức năng. Quá dễ để các đối tượng khác ăn cắp thương hiệu sản phẩm”, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết.

Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sinh Phan Minh Thông bức xúc, công ty ông đã từng phải mất 5 năm khởi kiện một công ty khác đã đánh cắp nhãn hiệu một sản phẩm nông nghiệp của công ty mình. “Đăng ký đã khó, giữ vững thương hiệu càng khó hơn. Vì vậy, phải đăng ký ngay bảo hộ quyền SHTT khi xây dựng thương hiệu”, ông thổ lộ.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Ngô Thanh Tuyền cho biết, vừa rồi một nông dân trên địa bàn sản xuất được máy phun vôi. Tưởng đi đăng ký bảo hộ quyền SPTT thì ngay sau đó ông ta đã bán cái máy này. “Ông ấy không dám giữ lại vì sợ người khác đánh cắp mẫu mã ngay”, ông Tuyền chia sẻ.

img

Đại diện Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang có ý kiến về việc bảo hộ quyền SHTT  nông sản của nông dân.

Thật ra, hiện nay việc xin các cơ quan chức năng đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, bảo hộ quyền SHTT sản phẩm nông sản không phải dễ.

Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn cho biết, một nông dân nuôi vịt trời ở Bắc Giang mất 2 năm xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm vịt trời. Hoặc, một nông dân ở TP.HCM mất 3 năm xin đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm ớt để xuất khẩu. Cả hai trường hợp này, cho đến nay vẫn chưa có kết quả.

Vai trò Hội Nông dân ở đâu?

Theo GS Võ Tòng Xuân, để đẩy mạnh việc phát triển thương hiệu và bảo hộ quyền SHTT sản phẩm nông nghiệp, một trong những giải pháp tốt nhất hiện nay là xây dựng mối liên kết 4 nhà: Nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà nước, nhất là 2 nhà: Doanh nghiệp với nông dân. Ông Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) cũng đồng tình với ý kiến này.

Theo GS Xuân, nếu doanh nghiệp và nông dân làm đúng quy trình sản xuất sẽ cho ra sản phẩm nông nghiệp tốt, rồi xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ quyền SHTT nông sản tránh việc bị đánh cắp.  Từ đây GS Xuân đề xuất, Hội Nông dân cần tìm kiếm những doanh nghiệp có đủ khả năng tài chính, đầu ra tốt để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Ông Xuân cũng cho rằng, Hội cần đẩy mạnh việc vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa” nhằm tạo ra những cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, hiện Việt Nam có khoảng 1/3 hộ nông dân (3 triệu hộ) thuộc diện nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. “Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chưa có cuộc khảo sát nên chưa biết có bao nhiêu hộ trong số này có bao nhiêu sản phẩm nông nghiệp đã đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý… nhưng chắc chắn, những nông dân này rất mong được nhà nước bảo hộ quyền SHTT”, ông Sơn nói.

img

Trưởng ban Tuyên huấn (Trung ương HND Việt Nam) Nguyễn Hồng Sơn (bìa trái) chia sẻ về vai trò Hội Nông dân trong việc bảo hộ quyền SHTT sản phẩm nông nghiệp của nông dân.

Cũng theo ông Sơn, thời gian qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đã đưa nhiều nông dân ra nước ngoài học kinh nghiệp làm thương hiệu nông sản, cũng như vận động nông dân hiểu được giá trị xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, bảo hộ quyền SHTT… Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận, dù Trung ương Hội nỗ lực nhiều để giúp nông dân nhưng hiệu quả chưa tương xứng do gặp nhiều khó khăn.

“Thời gian tới, các cấp Hội phải có nhiệm vụ đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ nông dân trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, các dịch vụ, khoa học kỹ thuật, cung ứng giống cây trồng chất lượng, vận động nông dân vào HTX, nhóm ngành, nghề; tạo điều kiện cho nông dân đăng ký bảo hộ quyền SHTT, nhãn hiệu nông sản”, ông Sơn cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem