Nông dân 1 xã ở TP.HCM hào hứng đi học mô hình nuôi lợn không tắm, không dọn chuồng

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 30/06/2023 09:00 AM (GMT+7)
Quy trình chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học đang được ngành nông nghiệp của TP.HCM tiếp tục duy trì nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Bình luận 0

Tại xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi, TP.HCM) lâu nay chính quyền, ban ngành mở các lớp tập huấn chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp giúp nông dân tiếp cận các ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn.

Khuyến khích dùng đệm lót sinh học trong nuôi lợn

Vừa qua, Hội Nông dân xã Phú Mỹ Hưng phối hợp Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi tổ chức lớp tập huấn "kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh học" cho 30 hội viên nông dân trên địa bàn xã.

Theo bà Nguyễn Thị Bé - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mỹ Hưng, đây là mô hình có nhiều ưu điểm, giúp nông hộ tiết kiệm nhiều chi phí, công sức, đặc biệt là góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Để duy trì và phát triển nghề chăn nuôi lợn theo hướng an toàn, bền vững, chính quyền, ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích bà con nông dân áp dụng mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học.

Ông Nguyễn Văn Xén, nông dân nuôi lợn ở ấp Phú Lợi (xã Phú Mỹ Hưng) chia sẻ, nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học giúp tiết kiệm chi phí lao động do giảm được công tắm lợn, rửa nền và dọn chuồng. Ngoài ra, còn hạn chế ô nhiễm môi trường, phòng chống các bệnh dịch có hại, lợn giảm tỷ lệ mắc bệnh so với cách nuôi truyên thống rất nhiều. Nhận thấy mô hình hiệu quả, thời gian qua tôi đã nhân rộng thêm nhiều hộ ở địa phương cùng nuôi lợn theo phương thức sinh học này.

Nuôi lợn trên đệm lót sinh học, giảm thiểu ô nhiễm - Ảnh 1.

Nông dân thăm quan mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học của ông Xén. Ảnh: T.Đ

Theo UBND huyện Củ Chi, hiện tổng đàn lợn trên địa bàn hơn 120.000 con, tăng 23.785 con so với cùng kỳ. Chính quyền khuyến khích bà con chăn nuôi lợn nên thực hiện phương pháp nuôi lợn trên đệm lót sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn.

An toàn sinh học, nâng cao giá trị sản phẩm

Ứng dụng vi sinh vật vào mục đích chăn nuôi nói chung và xử lý môi trường nói riêng đã được các nước có nền công nghệ vi sinh áp dụng từ lâu và phổ biến dưới các dạng sản phẩm vi sinh khác nhau. Quy trình chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học đã được Cục Chăn nuôi ký quyết định số 263 công nhận tiến bộ kỹ thuật, đã được triển khai thành công và được người dân đánh giá cao.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt trên đệm lót sinh học là phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nâng cao giá trị sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là phương thức chăn nuôi phù hợp với phương hướng phát triển chăn nuôi và nhu cầu của thị trường trong hiện tại và tương lai.

UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn lợn giai đoạn 2020-2025". Theo đề án này, đến cuối năm 2025, thành phố chỉ còn nuôi lợn ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ và Nhà Bè. Các quận không còn chăn nuôi lợn. 

Đáng chú ý, thành phố sẽ giảm nhanh các hộ chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, nhất là các hộ chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa.

Đến cuối năm 2025, thành phố duy trì tổng đàn lợn 200.000 con, trong đó đàn nái sinh sản chiếm khoảng 20% tổng đàn; quy mô chăn nuôi bình quân đạt 200 con/hộ; tỷ lệ hộ chăn nuôi lợn được chứng nhận VietGAHP đạt 90 - 95%, phấn đấu 100% các hộ chăn nuôi thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; 100% các hộ chăn nuôi tập trung theo phương thức chăn nuôi quy mô công nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao đồng bộ, đảm bảo an toàn sinh học, quy trình VietGAHP trở lên; phấn đấu trên 20% hộ chăn nuôi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi theo chuỗi liên kết ngành hàng thịt lợn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem