Nông dân Bắc Kạn cùng khấm khá nhờ chia sẻ bí quyết nuôi ong luyện ra thứ mật ngon

Chiến Hoàng Thứ ba, ngày 15/09/2020 06:23 AM (GMT+7)
Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân, nhiều hộ gia đình tại xã Yên Thượng (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) đã mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật. Nhờ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong và kỹ thuật nuôi ong, nhiều hộ nông dân đã có thu nhập ổn định, đời sống khá giả.
Bình luận 0

CLIP: Mô hình nuôi ong lấy mật tại xã Yên Thượng (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn).

Qua sự giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Đồn, chúng tôi tìm đến nhà anh Ma Trung Diện (thôn Bản Liên, xã Yên Thượng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) để tìm hiểu về mô hình nuôi ong lấy mật mà gia đình anh Diện đang thực hiện.

Chớm đặt chân lên cầu thang ngôi nhà sàn đẹp vào loại nhất nhì Bản Liên, chúng tôi đã nghe vọng từ trên nhà tiếng nói cười rộn ràng. Nhà anh Diện hôm nay có khách, chủ yếu là khách trong thôn.

Bắc Kạn: Mô hình nuôi ong lấy mật giúp hội viên nông dân có thu nhập ổn định  - Ảnh 2.

Người dân trong thôn đến chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm nuôi ong với anh Ma Trung Diện.

Anh Diện bảo, anh em hằng tháng lại tụ họp bàn chuyện làm kinh tế, chủ yếu là trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật do Hội Nông dân huyện triển khai trên địa bàn từ năm 2017. Theo anh Diện, việc nuôi ong tại xã hiện nay được các hộ thực hiện tốt, nhiều hộ đăng ký để được thực hiện mô hình này.

"Gia đình tôi nuôi ong khá sớm, từ hơn chục năm nay rồi, tuy nhiên thực hiện mô hình của Hội Nông dân thì mới. Nhà tôi thời điểm nhiều lên đến cả trăm thùng ong. Vừa rồi tôi mới nhượng lại cho các hộ tham gia mô hình 50 thùng ong để xã tiếp tục triển khai mô hình trên địa bàn nên chỉ còn 30 thùng thôi.

Được cái ở đây xung quanh đều là rừng, bốn mùa đều có hoa nên chất lượng mật khá tốt. Đầu ra cho mật ong hiện nay chủ yếu là tự tìm nhưng bán không khó. Như nhà tôi, trung bình mỗi năm cũng bán được gần 200 lít mật với giá 300.000 đồng/lít", anh Diện chia sẻ.

Bắc Kạn: Mô hình nuôi ong lấy mật giúp hội viên nông dân có thu nhập ổn định  - Ảnh 1.

Buổi trao đổi chia sẻ kinh nghiệm của những hội viên Hội Nông dân tại nhà anh Ma Trung Diện.

Tại nhà anh Diện, chúng tôi gặp được trưởng thôn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện huyện Chợ Đồn và Chủ tịch Hội nông dân xã Yên Thượng. Chứng kiến cảnh những người nuôi ong ở Bản Liên sôi nổi trao đổi kinh nghiệm mới thấy được sự quyết tâm và tin tưởng của người dân khi thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật tại đây.

Anh Diện cho biết, nuôi ong cần tích lũy kinh nghiệm, phải biết quan sát, lắng nghe và chia sẻ cùng nhau thì mới hiệu quả. Ví dụ, mỗi sáng tôi đều phải quan sát xem ong có ra quân đủ số lượng không, thông thường khoảng 100-200 quân xuất tổ, nếu ít hơn chắc chắn sẽ có vấn đề.

"Nuôi ong nội ít bệnh hơn ong ngoại, tuy nhiên cũng phải theo dõi thường xuyên để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bệnh. Việc tách đàn cũng phải được thực hiện tốt, nếu không ong sẽ bỏ đi hoặc tự cắn nhau mà chết, tách đàn quan trọng nhất là khâu giới thiệu chúa", anh Diện nói.

Bắc Kạn: Mô hình nuôi ong lấy mật giúp hội viên nông dân có thu nhập ổn định  - Ảnh 4.

Anh Diện mở thùng ong mới tách đàn của gia đình giới thiệu với Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Thượng, cũng là một người nuôi ong.

Anh Ma Đình Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Thượng cũng đang đặt 25 thùng ong tại nhà. Anh Đức cho biết, anh tự mua ong về nuôi và nhân đàn mới vài năm nay. Cũng phải vừa làm vừa học hỏi nên những buổi trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, anh luôn có mặt, lắng nghe và tích lũy.

"Mô hình nuôi ong lấy mật của Hội Nông dân thực hiện trên địa bàn xã hiện nay đang rất tốt và cho thấy hiệu quả của mô hình này. Hiện nay cũng đang có nhiều hộ đăng kí thực hiện mô hình để được hỗ trợ giống và kỹ thuật", Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Thượng cho biết thêm.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thái Thành, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Đồn cho biết, các chương trình hỗ trợ sản xuất cho bà con nông dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chợ Đồn, ngoài chương trình nhà nước hỗ trợ còn có kênh Hội Nông dân Trung ương, tỉnh, huyện.

Thêm vào đó là các nguồn vốn Ban Chỉ đạo Đề án 61 (Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương, Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính Phủ).... trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân, chúng tôi đã tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân các cấp cùng nguồn ngân sách Hội Làm vườn. Đặc biệt là nguồn vốn Ban Chỉ đạo Đề án 61 để hỗ trợ các xã triển khai các mô hình, trong đó có mô hình nuôi ong ở xã Yên Thượng.

"Mô hình nuôi ong lấy mật là mô hình được các hội viên Hội Nông dân thực hiện hiệu quả. Nhu cầu của bà con thì nhiều, chúng tôi phải lựa chọn đối tượng để thực hiện. Tuy nhiên khi thấy hiệu quả từ mô hình này đem lại, nhiều hộ gia đình đã tự bỏ tiền mua ong về nuôi và được chúng tôi hỗ trợ về kỹ thuật", Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Đồn thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem