Nông dân Bình Chánh “chết dở” với lúa

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 09/03/2017 19:15 PM (GMT+7)
Thêm một mùa lúa năng suất thấp nữa khiến nhiều nông dân ngao ngán. Tuy nhiên, việc chuyển đổi diện tích lúa sang cây, con có năng suất và giá trị cao lại không đơn giản ở địa phương đang đô thị hóa mạnh như huyện Bình Chánh (TP.HCM).
Bình luận 0

Ngại vốn và quy hoạch

Hỏi thăm về vụ mùa vừa kết thúc, ông Bùi Văn Phước (ở ấp 4, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) chỉ lắc đầu nói: “Thất thu”. Ông tính toán chi phí trồng lúa cả vụ tốn 16 giạ lúa/1.000m2 (1 giạ = 20kg). Trả thêm 2 giạ lúa gọi là tiền mướn đất, phải làm 19 – 20 giạ/công lúa trở lên mới có ăn.

img

Nông dân Bình Chánh trồng lúa năng suất thấp trong điều kiện đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh. Ảnh: N.V

Khu vực quanh đây toàn làm 1 vụ. 6 tháng còn lại bỏ đất không. Bản thân ông Phước mướn 1-2ha đất nhưng chỉ trồng lúa trên 4.000m2. Phần còn lại ông thả sen vì đất ngập. Vụ này ông thu 10 giạ/công, lỗ nặng nên cũng không trả lúa cho chủ. “Người ta cũng chẳng muốn đòi, chỉ cần có người canh tác để giữ hộ đất thôi” - ông Phước nói.

Tại ấp 1, xã Tân Nhựt, nơi sản xuất 2 vụ lúa/năm, ông Trịnh Văn Thành cho biết tình hình cũng không khá hơn. Ông đang canh tác hơn 2,5ha nhưng mùa vừa qua chỉ thu được 13 giạ/1.000m2. “Năm nay giá lúa lại rẻ, có 4.700 đồng/kg. Quanh đây bà con toàn bán đất mà cất nhà mới chứ trồng lúa thì lỗ nặng” - ông Thành chia sẻ.

Ông Thành đã nhiều lần đăng ký để xin chuyển từ trồng lúa sang trồng các loại cây khác như rau, dừa nhưng đều bị từ chối do vướng quy hoạch. Ông Phước thì muốn đào ao thả cá nhưng lại không có sổ đất. “Vốn đầu tư lớn vì tiền cải tạo đất vượt quá khả năng. Tôi cứ làm lúa qua từng mùa thôi, chưa biết tới bao giờ chuyển đổi được” - ông Phước cho biết.

Vẫn tăng cường chuyển đổi từng năm

Ông Hà Tấn Lộc-Trưởng phòng Kinh tế huyện Bình Chánh cho biết, trước mắt, huyện Bình Chánh đã ký thỏa thuận phối hợp với Khu nông nghiệp công nghệ cao về hỗ trợ nâng cao chất lượng giống, chọn địa điểm xây dựng mô hình trình diễn nông nghiệp để hướng dẫn nông dân trồng lúa cũng như các loại cây con khác nhằm tăng hiệu quả sản xuất.

Quỹ đất nông nghiệp của huyện Bình Chánh còn khá lớn, khoảng 14.758ha, nhưng đa số đất đai phân tán.

Theo Quyết định số 2591/QĐ-UBND của UBND TP.HCM, đến năm 2020, tổng diện tích đất nông nghiệp huyện chỉ còn 8.312ha. Năm 2016, diện tích gieo trồng lúa của huyện là 4.467ha, nhưng năng suất vụ hè thu chỉ đạt 3,8 tấn/ha.

Theo kế hoạch phát triển nông nghiệp năm 2017, huyện Bình Chánh tiếp tục mục tiêu nông nghiệp đô thị, trong đó tập trung các sản phẩm chủ lực như: Rau an toàn; hoa kiểng; cây ăn trái các loại; thủy sản, cá cảnh. Trong các giải pháp đề ra, kế hoạch cũng không hề nhắc tới giải pháp cụ thể nào cho cây lúa ngoài tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng nguồn vốn phát triển kinh tế.

Ông Hà Tấn Lộc-Trưởng phòng Kinh tế huyện Bình Chánh thừa nhận do đặc điểm thổ nhưỡng của huyện trũng thấp, chi phí cải tạo đất khá lớn. Trong khi đó, khung định giá tài sản thế chấp áp dụng theo mức giá nông nghiệp của UBND thành phố khá thấp nên nhiều nông dân còn e ngại dù các lớp tập huấn vẫn mở thường xuyên.

Ngân hàng chính sách huyện cũng có chính sách cho vay để giảm hộ nghèo bền vững. Nhưng để phát triển sản xuất cũng phải thực hiện theo quy định chung của ngân hàng nhà nước là định giá tài sản.

Với những vướng mắc về quy hoạch, ông Lộc cho biết, huyện thường xuyên trình duyệt kiến nghị sử dụng đất theo điều chỉnh phù hợp. Một số khu vực trồng lúa bị vướng quy hoạch đô thị không thể chuyển đổi được.

“Huyện vẫn tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu đất sản xuất năng suất thấp chuyển sang phi nông nghiệp dù việc chuyển đổi có chậm so với kế hoạch đề ra” - ông Lộc nói.

Ông Tất Thành Cang -Phó Bí thư thành ủy TP.HCM:
Thổ nhưỡng không hiệu quả bằng các địa phương khác
Thay đổi tập quán sản xuất là việc quan trọng trong tổ chức sản xuất ở nông thôn. Ở Bình Chánh, có nông dân làm xong một vụ lúa chỉ kiếm được 5 triệu đồng, chưa tính phân bón, công cày, cấy. TP.HCM còn hơn 3.000ha lúa là con số bất cập vì thổ nhưỡng ở đây không thể hiệu quả bằng các địa phương khác. Thành phố cần tiếp tục kiến nghị để Chính phủ điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp TP.HCM.


Ông Nguyễn Văn Phụng -Bí thư huyện ủy Bình Chánh:
Chuyển đổi không khó nhưng phải làm đúng
Từ 2012 – 2016, huyện đã có 705 trường hợp được cho chuyển đổi qua mô hình nông nghiệp khác. Con số này không phải ít. Việc chuyển đổi không khó nhưng phải làm đúng vì ở Bình Chánh có hiện trạng biến tướng rất nhiều. Riêng đất trồng lúa thì khó chuyển vì Chính phủ quy định giữ để đảm bảo an ninh lương thực hoặc vướng vùng quy hoạch của địa phương.

Ông Trịnh Văn Thành - nông dân ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh:
Cần giải pháp căn cơ hơn
Thành phố có cần thiết duy trì quá nhiều diện tích trồng lúa năng suất thấp? Thu nhập của nông dân trồng lúa không so được với công nhân làm nhà máy. Với các địa phương thuần nông, mức thu nhập từ lúa cũng khó đáp ứng nhu cầu ở địa bàn đang đô thị hóa mạnh. Phải chăng cần một giải pháp căn cơ hơn để thực hiện các mục tiêu đề ra.

Nguyên Vỹ (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem