Nông dân Bình Thuận phấn chấn khi sầu riêng Đa Mi chính thức xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Bùi Phụ Thứ hai, ngày 21/11/2022 16:32 PM (GMT+7)
Ngày 21/11, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết, vùng trồng sầu riêng Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc) đã Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận công nhận, công bố mã số vùng trồng và chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bình luận 0

Hướng dẫn kỹ thuật trồng sầu riêng cho nông dân

Cũng theo ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, vừa qua, Hợp tác xã Sản xuất- Kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Đa Mi (HTX xã Đa Mi) cũng vừa tổ chức lễ công bố mã số vùng trồng sầu riêng tại thôn La Dày cho bà con nông dân trồng sầu riêng nắm bắt thông tin. 

Bình Thuận: Nông dân háo hức khi sầu riêng Đa Mi được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Lễ công bố mã số vùng trồng sầu riêng xã Đa Mi huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận vừa diễn ra. Ảnh: HND tỉnh Bình Thuận.

“Ngay sau khi được cấp mã số vùng trồng sầu riêng, Hội Nông dân các cấp đã vận động, hướng dẫn bà con hội viên hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của mã số vùng trồng. Từ đó, thay đổi thói quen sản xuất, chuyển từ tập quán canh tác cũ sang phương pháp sản xuất mới như: ghi chép nhật ký sản xuất để đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt là sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật được cho phép, đúng quy định nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài…”, ông Nguyễn Phú Hoàng thông tin.

Nhằm chuẩn bị tốt cho việc xuất khẩu sầu riêng Đa Mi sang thị trường Trung Quốc và nâng cao tay nghề của của hội viên nông, cuối tuần qua, Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc phối hợp với Hội Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo phổ biến kiến thức “Ứng dụng hệ thống tưới nước, phun thuốc, bón phân cho cây Sầu riêng” tại xã Đa Mi. Hội thảo đã thu hút hơn 50 hội viên nông tham dự.

Theo Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc, tại buổi Hội thảo, bà con nông dân trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp trên cây sầu riêng giữa các nhà quản lý, khoa học, nông dân, doanh nghiệp sản xuất, cùng các giải pháp về quản lý, xây dựng mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ và định hướng sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng. 

Bình Thuận: Nông dân háo hức khi sầu riêng Đa Mi được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - Ảnh 2.

Nông dân Lê Văn Tâm ở xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc chăm sóc vườn sầu riêng. Ảnh: Bùi Phụ

Theo tìm hiểu của Dân Việt, qua buổi hội thảo này, trong thời gian tới Hội Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận sẽ phối hợp với Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tạo kết nối chuỗi giá trị sản phẩm sầu riêng. Nhiều bà con nông dân trồng sầu riêng cũng đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về mặt cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn cho các hộ nông dân đang có nhu cầu đầu tư phát triển cây sầu riêng trên địa bàn xã Đa Mi ngày càng phát triển. Quan trọng nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc...

Sầu riêng Đa Mi rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc

Theo khảo sát của Dân Việt, nhiều hộ nông dân trồng sầu riêng ở xã Đa Mi bày tỏ sự vui mừng khi sầu riêng ở đây được cấp "giấy thông hành" thẳng tiến thị trường Trung Quốc. 

"Từ lúc hay tin đến giờ, không riêng gì tôi mà bà con xung quanh ngày nào cũng lên mạng tìm thông tin, học hỏi kỹ thuật chăm sóc sầu riêng cho đúng tiêu chuẩn. Hiện gia đình rất háo hức chờ đến ngày lô sầu riêng của mình được xuất khẩu sang nước bạn. Và nếu mọi việc thuận tiện tôi hy vọng sẽ cho thu nhập tốt hơn...", nông dân Đoàn Văn Tám nói,

Theo Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, sau khi công bố mã số vùng trồng sầu riêng Đa Mi, hiện tại HTX xã Đa Mi đã có 20 thành viên tham gia với tổng diện tích canh tác sầu riêng gần 60ha.

Hoạt động chính của Hợp tác xã là sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên lĩnh vực nông nghiệp, gồm cung ứng vật tư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm của xã viên theo chuỗi liên kết. Hợp tác xã đã tập trung hướng dẫn xã viên sản xuất sầu riêng theo hướng sạch, an toàn để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Nhờ đó chất lượng sầu riêng của Hợp tác xã ngày càng đảm bảo, được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có Trung Quốc…

Bình Thuận: Nông dân háo hức khi sầu riêng Đa Mi được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - Ảnh 3.

Một góc hồ Hàm Thuận - Đa Mi. Ảnh: Bùi Phụ

Lãnh đạo Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận khẳng định: “Việc cấp mã số vùng trồng sầu riêng xã Đa Mi là khẳng định thương hiệu, nâng tầm sản phẩm sầu riêng của bà con nông dân. Đây cũng là tin vui, giúp cho trái sầu riêng có lợi thế ổn định, bền vững, lâu dài theo hướng chính ngạch sang thị trường khó tính như Trung Quốc…”, 

Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, hiện đã có 2 đơn vị được phía Trung Quốc đồng ý cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường nước này là HTX xã Đa Mi và Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ A Hùng(xã Đa Mi huyện Hàm Thuận Bắc).

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, vùng đồi núi Đa Mi có khí hậu ôn hòa, thích hợp cho nhiều loại trái cây, đặc biệt là trái sầu riêng. Nhiều diện tích trồng sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP đang trong độ tuổi từ 6 - 10 năm tuổi. Hiện có 2 giống chủ lực là Ri6 và Monthong. Việc chăm sóc cây sầu riêng chỉ sử dụng phân bón hữu cơ nên trái sầu riêng ở vùng này rất ngon, ngọt, màu sắc vàng ươm, thịt dẻo…

Một số hộ trồng sầu riêng ở xã Đa Mi cho biết, năng suất sầu riêng ở đây trung bình đạt tầm 20 - 25 tấn/ha. Mỗi trái có trọng lượng trung bình từ 3 - 4 kg.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, việc cấp mã số vùng trồng sầu riêng cho 2 đơn vị ở Đa Mi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là bước đầu thành công của Bình Thuận.

Chi cục đã đề nghị 2 đơn vị này giám sát vườn trồng, đặc biệt là quản lý, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của nước nhập khẩu. Cùng với đó là lưu giữ các hồ sơ, tài liệu của vùng trồng đã được cấp mã số để cung cấp khi có yêu cầu.

Nông dân Đa Mi làm giàu nhờ sầu riêng

Theo UBND xã Đa Mi, xã Đa Mi, một xã miền núi của huyện Hàm Thuận Bắc, giáp cao nguyên Lâm Đồng, khí hậu quanh năm mát mẻ, có nhiều thác nước hùng vĩ với 2 hồ nước lớn được hình thành từ công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi vào thập niên 90.

Khí hậu ở mát mẻ, trong lành, môi trường không ô nhiễm, phù hợp với chương trình “du lịch xanh” về vùng nông thôn mà tỉnh Bình Thuận đang phát động. Đa Mi như một nàng "công chúa" ngủ trong rừng giống với Mũi Né, nơi được đánh thức sau sự kiện nhật thực toàn phần cách đây gần 30 năm. Hiện tại đã có một số nhà đầu tư đã đến tìm hiểu, đầu tư du lịch sinh thái.

Bình Thuận: Nông dân háo hức khi sầu riêng Đa Mi được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - Ảnh 5.

Một ngôi biệt thự ở thôn La Dày xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc. Ảnh: Bùi Phụ

Chính nhờ vùng “đất lành chim đậu” này mà nhiều người dân thôn La  Dày – thôn Buôn trồng cây sầu riêng ở lưng chừng đồi, giữa các thung lũng nằm ven theo 2 bên bờ sông La Ngà nên cuộc sống khá giả.

Trung bình mỗi hộ dân sinh sống ở đây có khoảng 5 ha đất vườn trồng sầu riêng. Mỗi ha sầu riêng chuyên canh khoảng 400 cây, xen canh khoảng 200 cây thu hoạch bình quân khoảng 4-5 tạ trái/cây. 

Từ năm 2015 đến 2022, giá sầu riêng bán tại vườn giao động bình quân khoảng 60.000 đồng/ký, mỗi mùa sầu riêng, sau khi đã trừ chi phí còn lãi từ 150-250 triệu đồng/ha. Nhờ nguồn thu khá, ổn định từ câu sầu riêng, nhiều gia đình trong thôn sắm ôtô con, xây biệt thự tại vùng núi rừng này.

Bình Thuận: Nông dân háo hức khi sầu riêng Đa Mi được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - Ảnh 6.

Nông dân Lê Văn Tâm đang chăm sóc vườn sầu riêng ra hoa. Ảnh: Bùi Phụ

Gia đình anh Lê Văn Tâm (51 tuổi), mới xây dựng xong căn biệt thự khang trang nằm bên triền đồi, xinh đẹp, thơ mộng. Anh Tâm cho biết, vừa xây dựng xong năm 2020 bằng tiền bán trái sầu riêng  Tổng số tiền xây dựng căn biệt thự này anh Tâm nói chưa tính tổng được nhưng có thể hơn 2 tỷ đồng! Bởi theo anh Tâm, xây biệt thự ở đây, chi phí vật liệu cao hơn ở bên ngoài đồng bằng gấp 2 lần.

Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 1.800 ha sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh với sản lượng thu hoạch khoảng 40.000 tấn mỗi năm. Trong đó, tập trung chủ yếu ở xã Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc); xã Đức Phú (huyện Tánh Linh); xã Mê Pu và Đa Kai (huyện Đức Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem