Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) nhận định như vậy ngày 25.11.
Bà đánh giá thế nào về tầm quan trọng của Nghị quyết Bộ Chính trị về công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020?
- Nghị quyết sẽ huy động được toàn bộ hệ thống chính trị các cấp cùng tham gia vào công tác BHXH, BHYT, gắn trách nhiệm vận động người dân tham gia BHYT cho hệ thống chính trị các cấp, các ngành. Nghị quyết đã giao rõ trách nhiệm cụ thể cho từng cấp ủy đôn đốc, giám sát, kiểm tra, đồng thời gửi báo cáo đánh giá hàng năm cho Ban Bí thư. Như vậy, việc huy động người dân tham gia BHYT sẽ càng có thêm động lực.
|
Nhiều người dân vẫn đang e ngại tham gia khám chữa bệnh bằng BHYT (ảnh minh họa). |
Việc hoàn thành các mục tiêu về BHYT mà nghị quyết đề ra không dễ vì còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập trong lĩnh vực này?
- Đúng như nhận định của nghị quyết, hiện nay, diện bao phủ BHXH còn thấp, mới đạt 20% lực lượng lao động, còn số người tham gia BHYT mới đạt khoảng 65%. Riêng đối với BHYT thì mỗi nhóm tham gia BHYT có những tồn tại riêng.
Cụ thể, nhóm tự nguyện (nông dân, lao động làng nghề) vẫn còn 74% chưa tham gia là do người nông dân chưa ý thức được quyền lợi của mình nên khi có bệnh mới tham gia; nhóm lao động trong doanh nghiệp còn 49% chưa tham gia vì doanh nghiệp trốn đóng BHYT, người lao động chưa biết quyền của mình về BHYT; nhóm cận nghèo còn 75%, cũng không hơn người nghèo là mấy nên cho dù đã được hỗ trợ từ 70-90% phí thẻ BHYT nhưng họ vẫn không có tiền tham gia…
Còn nhóm bắt buộc tham gia BHYT là nhóm học sinh - sinh viên và trẻ dưới 6 tuổi vẫn còn khoảng 20% chưa tham gia do việc vận động học sinh-sinh viên tham gia BHYT chưa sát sao, việc lập danh sách cho trẻ dưới 6 tuổi chậm trễ.
Nghị quyết nhấn mạnh: “Thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh còn gây bức xúc cho người bệnh; năng lực và trách nhiệm của một số cán bộ giám định y tế còn yếu” nên người dân chưa tham gia BHYT. Cần phải giải quyết tình trạng này thế nào?
- Dự thảo Đề án BHYT toàn dân lộ trình 2012-2020 có nhiều nội dung nhằm kêu gọi sự tham gia BHYT của người dân. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có nhiều phương án nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến cho việc khám chữa bệnh có chất lượng chưa cao, thái độ của cán bộ y tế còn gây bức xúc cho người dân và việc bệnh viện quá tải.
Vì thế, Bộ đã có riêng một đề án bệnh viện giảm tải, đề án bệnh viện vệ tinh, đề án bác sĩ gia đình… Việc tăng giá một số dịch vụ y tế trong thời gian qua cũng tăng nguồn thu để bệnh viện có thể đầu tư nâng cao trang thiết bị, chất lượng phòng khám..
Bà đánh giá thế nào về mục tiêu công tác BHYT mà nghị quyết đã đề ra?
-Nghị quyết chỉ rõ, phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT. Riêng về BHYT, con số 80% người dân tham gia BHYT cũng đã nằm trong tính toán của Đề án lộ trình BHYT toàn dân mà Bộ Y tế đã soạn thảo và đang trình Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, Đề án cũng dành nhiều nội dung cho việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh, triển khai một số mô hình dịch vụ mới trong khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó là việc mở dịch vụ tư vấn và đặt lịch hẹn khám bệnh, tái khám qua điện thoại; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý khám chữa bệnh BHYT, thiết lập hệ thống tự động trả kết quả xét nghiệm; nghiên cứu xây dựng gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực khám chữa bệnh của y tế cơ sở… Nếu làm tốt tất cả công tác này thì việc thực hiện mục tiêu như nghị quyết đề ra là hoàn toàn khả thi.
Mở rộng chính sách hỗ trợ cho người dân
“Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện; thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân”. Đó là mục tiêu chung mà Bộ Chính trị đề ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020, vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.
Nghị quyết 21 cũng đặt mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT. Để thực hiện được các mục tiêu này, Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Rà soát, bổ sung quy định buộc người sử dụng lao động phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động. Nâng cao hiệu quả sử dụng BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, các hộ nghèo.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu sớm ban hành Chiến lược phát triển BHXH, BHYT đến năm 2020. Mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia các loại hình BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện cho nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức; BHYT cho các đối tượng chính sách, người thuộc hộ cận nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi...
Hoài Anh
Diệu Linh (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.