Nông dân đất Cố đô giúp nhau thành tỷ phú nhờ cách làm hay này

Thu Hà Thứ bảy, ngày 13/04/2019 05:15 AM (GMT+7)
“Nét nổi bật của các cấp Hội ND tỉnh Ninh Bình là lồng ghép thực hiện Đề án 24 “Mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp” với Đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn”. Qua đó, Hội triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ tổ, nhóm nông dân sản xuất nông sản an toàn theo chuỗi giá trị, có sự liên kết trong sản xuất và kết nối bao tiêu sản phẩm” - ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cho hay.
Bình luận 0

Kiếm tiền tỷ nhờ chủ động sản xuất, tiêu thụ

Tổ hội nghề nghiệp nuôi con đặc sản tại thôn 12, xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp là một trong những mô hình thí điểm hiệu quả của Hội ND tỉnh Ninh Bình trong thực hiện Đề án số 24 ngày 23.3.2016 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) về “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp”.

Tổ hội nghề nghiệp nuôi con đặc sản tại thôn 12, xã Đông Sơn được Hội ND thành lập với 17 hội viên tham gia ban đầu. Đến nay sau gần 3 năm, tổ hội đã phát triển lên 38 hội viên. Điều đáng nói, từ chi hội chỉ có một nghề là nuôi các con đặc sản, đến nay chi hội đã mở rộng sang các lĩnh vực nhà hàng, chế biến, kinh doanh nông sản an toàn tạo thành chuỗi khép kín.

img

   Tham gia mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, ông Trịnh Văn Tiến có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.  Ảnh: Minh Phượng

Bà Tạ Thị Thế - Chủ tịch Hội ND TP.Tam Điệp phấn khởi cho hay: Từ thành công ban đầu, các thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp đã tự tin phát triển thành Tổ hợp tác, sau đó thành lập HTX tiêu thụ nông sản an toàn Đông Sơn. Cuối năm 2017, HTX tiêu thụ nông sản an toàn Đông Sơn đã khai trương và duy trì có hiệu quả cửa hàng nông sản an toàn Tam Điệp kết nối với gần 60 doanh nghiệp, HTX của 27 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Trịnh Văn Tiến - Giám đốc HTX nông sản an toàn Tam Điệp (Ninh Bình) phấn khởi nói: “Hiện HTX tiêu thụ nông sản an toàn xã Đông Sơn duy trì nuôi trên 3.000 con đặc sản, trong đó tập trung vào các con có giá trị kinh tế cao như hươu, nai, dê, lợn rừng, lợn cắp nách, ngựa, nhím... Năm 2018, HTX xuất bán gần 40 tấn sản phẩm vật nuôi thương phẩm, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.

Xây dựng chuỗi nông sản an toàn hiệu quả

Từ thành công của cửa hàng nông sản đầu tiên, đến thời điểm này Hội ND tỉnh Ninh Bình đã mở được 14 cửa hàng, trong đó có 13 ở 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và 1 cửa hàng nông sản an toàn tại thủ đô Hà Nội. Năm 2019, Hội ND tỉnh Ninh Bình tiếp tục hỗ trợ khảo sát và triển khai thêm nhiều cửa hàng nông sản an toàn khác

Ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cho biết: Nông dân chiếm 75% dân số của tỉnh, hội viên nông dân  bằng 88% số hộ nông dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 Hội ND cấp huyện, 143 cơ sở Hội, 1.612 chi Hội. Công tác xây dựng tổ chức luôn được các cấp Hội chú trọng, trọng tâm là  xây dựng chi Hội, cơ sở Hội vững mạnh.

Theo đó, để thực hiện Đề án số 24 của T.Ư Hội NDVN về việc xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực, Ban Thường vụ Hội  ND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng tiêu chí “5 cùng”. Đó là cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất - kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Trên cơ sở tiêu chí “5 cùng”, từ năm 2016 đến nay, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã vận động thành lập và duy trì hoạt động 16 tổ hội nghề nghiệp.

Theo Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình: Để triển khai hiệu quả Đề án 24 của T.Ư Hội NDVN, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã tập trung khai thác các nguồn vốn và ưu tiên cho các tổ hội nghề nghiệp được vay từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Theo đó, khi xây dựng dự án vay vốn Quỹ HTND thì Hội ND cơ sở phải phải làm đề án xây dựng mô hình chi tổ, hội nghề nghiệp. Trên cơ sở các chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả, Hội ND hướng dẫn, hỗ trợ thành lập HTX, đồng thời hỗ trợ cho quay vòng vay vốn Quỹ HTND lần thứ 2.

“Cụ thể: Trong 3 năm (2016 – 2018), Hội ND tỉnh Ninh Bình đã giải ngân 12 dự án từ Quỹ HTND cho 12 tổ hội nghề nghiệp với tổng số 6,2 tỷ đồng. Một số tổ hội nghề nghiệp được Hội ND cho vay Quỹ HTND với số vốn khá cao như: Tổ hội nghề nghiệp chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư) 1 tỷ đồng; Tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản xã Gia Minh (Gia Viễn) 1 tỷ đồng; Tổ hội nghề nghiệp sản xuất đồ mộc xã Yên Mỹ (Yên Mô) với số tiền 500 triệu đồng...” – ông Thái thông tin.

Nét nổi bật của các cấp Hội ND tỉnh Ninh Bình là lồng ghép thực hiện hiệu quả Đề án 24 “Mô hình chi tổ hội nghề nghiệp với đề án "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn". Qua đó, Hội triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ tổ, nhóm nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ.

Tuy nhiên, nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản an toàn do chưa có nơi tiêu thụ ổn định. Trước thực trạng đó, năm 2017, Hội ND tỉnh đã xây dựng kế hoạch và ra mắt cửa hàng nông sản an toàn đầu tiên tại TP.Ninh Bình. 100% nguồn hàng cửa hàng có nguồn gốc xuất xứ, có bao bì, nhãn hiệu rõ ràng. Đến nay, sau hơn 2 năm, cửa hàng nông sản an toàn đầu tiên tại TP.Ninh Bình có doanh thu đạt trên dưới 1 tỷ đồng/tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem