Những ngày này, tại tỉnh Hà Tĩnh nhiệt độ ngoài trời vượt ngưỡng 40 độ C, thế nhưng đang vào vụ thu hoạch kim tiền thảo nên bà con tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vẫn "đội nắng" ra đồng thu hoạch để kịp mùa vụ tiếp theo.
Clip: Nông dân Hà Tĩnh được mùa kim tiền thảo.
Kim tiền thảo được bà con Cẩm Vịnh xuống giống từ tháng 2 AL, nếu thời tiết thuận lợi cây cho thu hoạch ba lần vào các tháng 5, 8 và tháng 10 AL.
Năm nay thời tiết thuận lợi, trung bình mỗi sào kim tiền thảo cho năng suất 4,5 – 5 tạ/sào/vụ, được công ty CP Dược Hà Tĩnh thu mua với giá 16.000 đồng/kg thành phẩm đã phơi khô.
Đang bận rộn phơi kim thiền thảo ngoài đồng, ông Nguyễn Văn Vị (trú tại thôn Tam Đồng, xã Cẩm Vịnh), cho biết: "Gia đình tôi trồng kim thiền thảo được 4 năm, trên diện tích gần 1 sào ruộng. Năm nay thời tiết thuận lợi, cây phát triển tốt, dự kiến trung bình 2,5 tạ/sào, tổng thu 3 đợt được khoảng gần 5-5,5 tạ/sào. Thu hoạch xong đợt này, gia đình tôi sẽ bắt tay vào làm cỏ và bón phân để thu hoạch tiếp đợt thứ 2."
Theo ông Vị, giống kim tiền thảo được mua từ tỉnh Bắc Giang, chi phí sản xuất tương đối thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chăm sóc tương đối dễ, tuy nhiên nếu bón quá nhiều phân đạm cây sẽ bị cháy, phải tưới nước thường xuyên trong những ngày đầu xuống giống. Trồng kim tiền thảo khá nhàn chỉ vất vả trong khâu thu hoạch và đóng bao.
Kim tiền thảo thuộc dạng thân mọc rạp xuống đất, chiều cao trung bình từ 30 -70 cm và dễ chăm sóc. Chỉ cần chú ý vào giai đoạn cây mới mọc dễ bị các loại côn trùng tấn công và chứng bệnh nở cổ rễ khi cây mới mọc.
Dưới thời tiết nắng 40 độ C, nhanh tay cắt những cọng kim tiền thảo, ông Trần Quang Nhật (trú tại huyện Cẩm Xuyên), cho hay: "Sau khi thu hoạch ở ngoài ruộng, gia đình tôi vận chuyển kim tiền thảo về nhà phơi khô. Thời điểm này nắng lớn, sẽ tạo nên được chất lượng tốt cho kim tiền thảo khi phơi.
Phơi khô khoảng 4 nắng cây sẽ khô giòn, tôi sẽ chặt nhỏ khoảng 4-5 cm đóng vào bì cẩn thận. Mặc dù phải làm việc vất vả nhưng gia đình tôi rất vui vì năm nay được mùa."
"Hiệu quả kinh tế của kim tiền thảo mang lại gấp 3 lần so với trồng lúa giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Đây là mô hình xã Cẩm Vịnh liên kết với Tông ty CP Dược Hà Tĩnh nên bà con không lo đầu ra. Thời gian tới chúng tôi sẽ có chiến lược mở rộng diện tích, đầu ra ổn định để bà con yên tâm sản xuất" - ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh.
Kim tiền thảo là một vị thuốc có nhiều công dụng như là chữa bệnh sỏi thận, sỏi túi mật, điều trị bệnh trĩ, giãm mụn nhọt... Đặc biệt, kim tiền được trồng trên đất Cẩm Vịnh có hàm lượng hoạt chất cao, làm thuốc rất tốt.
"Kim tiền thảo được chúng tôi trồng theo hướng an toàn, nói không với thuốc cỏ nên chất lượng cao. Mỗi cây kim tiền thảo được trồng với khoảng cách 40cm. Trời nắng làm cho cây nhanh khô, phơi đạt chuẩn nên sản phẩm chất lượng.
Hiện tại, kim tiền thảo được thu mua với giá 16.000 – 16.500 đồng/kg thành phẩm đã phơi khô, năm nay được mùa gia đình tôi sẽ thu nhập từ 7-8 triệu đồng/năm" - bà Lê Thị Hoà (trú tại Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên), chia sẻ.
Theo người dân xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, năm nay thời tiết thuận lợi, vừa rồi có mưa lũ, đất được bồi đắp phù sa màu mỡ nên cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thời gian thu hoạch có phần muộn hơn so với những năm trước.
Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN - ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh, cho biết: "Thời điểm này bà con trồng kim thiền thảo đang vào vụ thu hoạch, do thời tiết thuận lợi, cây đạt năng suất cao, bà con rất phấn khởi. Tổng diện tích trồng cây kim tiền thảo trên địa bàn xã khoảng 4ha, được trồng chủ yếu tại thôn Tam Đồng. Trong đó, khoảng 3ha trồng tập trung ở cánh đồng và gần 1ha trồng tại vườn các hộ gia đình.
Kim tiền thảo còn có tên gọi khác là vảy rồng, đậu rồng, bạch nhĩ thảo, mắt trâu, biến địa hương, bản trì liên, biến địa kim tiền, nhũ hương đằng, cửu ly hương… tên khoa học là Herba Jin Qian Cao. Kim tiền thảo là vị thuốc có tác dụng chữa bệnh như: chữa sỏi thận, lợi tiểu, hạn chế sự gia tăng kích thước của hòn sỏi và một số tác dụng khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.