Trồng cây thuốc phiện "làm rau", người dân có thể bị xử phạt thế nào?

Việt Sáng Thứ bảy, ngày 27/02/2021 15:59 PM (GMT+7)
Theo luật sư, việc người dân trồng cây anh túc (hay còn gọi là cây thuốc phiện) là vi phạm pháp luật. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, nếu cố tình vi phạm có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, cao nhất là 7 năm tù nếu số lượng trên 3000 cây.
Bình luận 0

Mới đây, Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã phát hiện nhiều người dân trồng hàng trăm cây anh túc (cây thuốc phiện) trong vườn nhà.

Cụ thể, ngày 24 - 25/2, Công an huyện Lục Ngạn tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý 5 trường hợp, thu giữ 214 cây thuốc phiện được các gia đình trồng ngay trong vườn nhà.

thuốc phiện.jpg

Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã phát hiện nhiều người dân trồng hàng trăm cây thuốc phiện trong vườn nhà.

Trước đó, Công an huyện Việt Yên cũng phát hiện và tạm giữ gần 3.000 cây anh túc của một người dân trồng trong vườn nhà ở xã Tiên Sơn.

Liên quan đến việc này, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư Tp Hà Nội cho biết, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thậm chí có thể là tội phạm nếu người trồng cây này đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc số lượng cây anh túc từ 500 cây trở lên.

"Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận thức và số lượng của từng hộ gia đình trồng anh túc, xem xét người trồng đã từng bị xử phạt hành chính hay chưa để làm căn cứ xử lý phù hợp với quy định pháp luật. 

Theo thông tin, khi phát hiện, các trường hợp này đều thừa nhận có trồng nhưng do thiếu hiểu biết chỉ để làm rau ăn hoặc cho lợn. Hầu hết các cây thuốc phiện này đều đã cho quả", luật sư Cường nói.

Cây anh túc, hay còn gọi là cây thuốc phiện là loại cây mà pháp luật cấm gieo trồng, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, sử dụng vì nhựa của cây này là chất ma tuý bị cấm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là khi cây đã trổ bông, có quả thì lượng nhựa thu được từ cây này rất nhiều, có chứa hàm lượng ma túy rất cao. Người sử dụng có thể bị nghiện, gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Khi cây còn nhỏ mà gieo lẫn với cải cúc thì người chưa từng tiếp xúc với loại cây này có thể khó phát hiện. Tuy nhiên, khi cây đã lên cao khoảng hơn một gang tay, đặc biệt là khi có nụ, có hoa, quả thì rất dễ dàng có thể phân biệt được cây anh túc với tất cả các loại cây rau, hoa khác.

Theo vị luật sư, người nào biết rõ đây là cây anh túc, cây ma túy nhưng vẫn cố tình trồng từ 500 cây trở lên hoặc dưới 500 cây nhưng đã bị xử phạt hành chính mà tiếp tục vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Vấn đề này, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật. Nếu nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng người dân cố ý thực hiện hành vi là lỗi cố ý. Trường hợp không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm nhưng trong những tình huống pháp luật bắt buộc phải nhận thức được điều đó (một người bình thường, trong hoàn cảnh đó thì hoàn toàn có thể nhận thức được điều đó) thì đó là lỗi vô ý.

Nói trồng cây thuốc phiện để làm rau, người dân có bị xử phạt? - Ảnh 4.

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích câu chuyện xung quanh việc người dân trồng cây thuốc phiện trong nhà.

Cơ quan chức năng sẽ thu thập các tài liệu chứng để chứng minh mức độ nguy hiểm của hành vi trồng loại cây anh túc này và yếu tố lỗi của những người đã trồng loại cây này", vị luật sư cho biết.

“Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy:

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Với số lượng 3.000 cây trở lên; c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Cường, thông tin cho biết, một số công dân trồng loại cây anh túc trong vườn nhà mình đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. 

Nếu căn cứ cho thấy những người này biết rõ đây là cây anh túc, cây thuốc phiện nhưng vẫn cố tình trồng chưa bị xử phạt hành chính và số lượng cây chưa đến 500 cây sẽ bị phạt hành chính. Lần sau còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.

Còn đối với trường hợp nào mà đã bị xử phạt hành chính, hoặc đã được giáo dục nhưng vẫn còn vi phạm thì dù dưới 500 cây cũng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật trên.

Mức phạt đối với trường hợp vi phạm là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức phạt cao nhất của tội danh này có thể lên đến 7 năm tù nếu số lượng từ 3000 cây trở lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem