Nông dân học... làm gạch

Thứ ba, ngày 14/02/2012 19:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để giữ nghề làm gạch ngói, một nông dân ở xã Bình Nghi (Tây Sơn, Bình Định) đã học cách làm gạch mới và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Bình luận 0

Thăng trầm với nghề

Người đi tiên phong đó là ông Lê Văn Mai, sinh năm 1963 ở xóm Trung, thôn 1. Ông đến với nghề sản xuất gạch ngói với thương hiệu “Hai Mai” bắt đầu từ việc đóng gạch sống từ năm 1980. Do chí thú làm ăn, sản phẩm tiêu thụ mạnh, ông Mai phát triển thêm một cơ sở nữa, mở rộng quy mô sản xuất, trang bị xe tải, máy xúc, máy ép gạch....

img
Ông Mai bên gạch thành phẩm.

Từ đây, nghề gạch ngói đã cho gia đình ông Mai có thu nhập khá hơn, lãi ròng bình quân 100 triệu đồng/năm. Ăn nên làm ra được một thời gian thì làng nghề gạch ngói thủ công ở địa phương ông lâm vào thế thoái trào, vì chất lượng không ổn định, sức cạnh tranh chưa cao trên thị trường.

Trăn trở trước nỗi lo của những người làm nghề, ông Mai đã bỏ công đi nhiều nơi tìm hiểu nhiều mô hình sản xuất gạch ngói theo công nghệ mới. Và ông đã chọn được một mô hình sản xuất gạch ưng ý là lò nung gạch liên hoàn Hoffman theo công nghệ của Đức.

Ngay sau đó là những ngày ông đi học lại nghề làm gạch, nắm bắt công nghệ, mẻ sản xuất đầu tiên gạch ra lò đảm bảo được các tiêu chuẩn cần thiết, tỷ lệ hao hụt chưa đến 1% đem đến sự thành công bước đầu trong quá trình chuyển đổi sản xuất. “Năm 2011, tôi thành lập công ty. Sau khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Hai Mai”, giá gạch của tôi có cao hơn từ 100 – 130 đồng/ viên so với gạch thủ công”- ông Mai tự hào khoe.

Xây dựng nông thôn mới

Ông Lê Văn Ngọc- Chủ tịch UBND xã Bình Nghi cho biết, xã Bình Nghi là một trong 4 xã điểm của tỉnh Bình Định triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã có làng nghề gạch ngói truyền thống với hơn 400 cơ sở.

Ông Lê Văn Mai cho hay, hiện cơ sở sản xuất gạch của ông Mai tạo công ăn việc làm cho trên 30 lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng /tháng.

Việc ông Lê Văn Mai dỡ bỏ 2 lò thủ công của gia đình để xây dựng lò Hoffman kiểu mới thành công đã góp phần làm tăng giá trị cạnh tranh của sản phẩm gạch ngói địa phương, tiết kiệm được nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một hướng phát triển phù hợp trong giai đoạn hiện nay, mở ra triển vọng cho làng nghề.

Ông Trần Văn Thãi- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Nghi cho biết thêm, gia đình ông Lê Văn Mai có 6 nhân khẩu, 2 lao động chính. Khi lập gia đình, vợ chồng ông Mai chỉ có 2 chỉ vàng cưới và 2.500m2 ruộng. Nhờ chịu thương, chịu khó, ham học hỏi nên ông sớm thoát nghèo và vươn lên khá giả. Nhiều năm liền ông Mai được bình bầu là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem