Chính sách phát triển nông nghiệp đô thị đúng hướng giúp nông dân huyện Nhà Bè làm giàu
Chính sách phát triển nông nghiệp đô thị đúng hướng giúp nông dân huyện Nhà Bè làm giàu
Nam Bình – Lê Giang
Chủ nhật, ngày 19/11/2023 17:17 PM (GMT+7)
Phấn đấu mức tăng trưởng ngành nông nghiệp tăng 0,7%/năm, huyện Nhà Bè (TP.HCM) tập trung khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình cây, hoa, cá kiểng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với sự phát triển của nền nông nghiệp đô thị của huyện.
Ông Đinh Văn Tiên ở xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) kể, xã Nhơn Đức vốn là vùng đất sình lầy, ngập nước. Nhờ nỗ lực xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn xã Nhơn Đức chuyển biến mạnh mẽ. Người dân cũng được hưởng lợi từ các chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao.
Ông Tiên cho biết, hiện nay, nhiều nông dân ở huyện Nhà Bè tham gia sản xuất, kinh doanh hoa mai khá thành công. Ông Tiên đang trồng và cung cấp các loại mai chậu, mai bonsai trên diện tích hơn 1.000m2.
Theo ông Tiên, cây mai bonsai được cắt tỉa và uốn nắn tạo dáng trong chậu nhỏ, rất thích hợp trang trí trên bàn làm việc của phòng khách, văn phòng hoặc trên bệ cửa sổ.
Vào dịp Tết, ngoài những bông hoa tươi thắm, các chậu mai bonsai còn mang lại nét đặc sắc về kiểu dáng và thế cây, góp phần tạo mảng xanh, giúp cải thiện không gian sống và nơi làm việc.
Nghề trồng cây kiểng bonsai khá công phu. Ông Tiên cho rằng, để thành công, người trồng cần hội đủ nhiều yếu tố, từ sự quyết tâm, cần cù và nhất là các chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, sự hỗ trợ kỹ thuật từ ngành nông nghiệp và Hội Nông dân các cấp.
"Bởi vì thời gian qua, tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm dần nhưng xã Nhơn Đức vẫn dành sự ưu tiên và hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp theo hướng đô thị để có hiệu quả cao", ông Tiên nói.
Lâu nay, hoa lan hồ điệp ở TP.HCM đa phần được nhập từ tỉnh Lâm Đồng về vì đây là loại hoa ôn đới. Lan hồ điệp có giá trị thẩm mỹ, được trưng bày ở khắp mọi nơi từ công sở cho đến phòng khách gia đình, bàn làm việc.
Với nhiều năm nghiên cứu thị trường, ông Nguyễn Công Lập ở xã Phước Kiển, (huyện Nhà Bè) cho biết, TP.HCM có nhu cầu tiêu thụ lan hồ điệp rất lớn. Năm 2018, ông Lập và các cộng sự mạnh dạn lập Tổ hợp tác hoa lan Phước Kiển để trồng lan hồ điệp với diện tích 1.000m2.
Ông Lập cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ, lan hồ điệp trồng tại vùng nắng nóng TP.HCM vẫn phát triển tốt, không thua kém trồng ở vùng khí hậu mát mẻ. Hiện nay, diện tích của Tổ hợp tác đã tăng lên 4.000m2 với hơn 120.000 cây lan giống các loại.
Trung bình mỗi năm, vườn lan của tổ hợp tác cung cấp ra thị trường khoảng 50.000 chậu, bán cho các đầu mối tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Dịp Tết năm 2024, Tổ hợp tác dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 chậu, giá bán từ 180.000-200.000 đồng/chậu.
Thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị
Ông Huỳnh Ngữ Siêu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhà Bè cho biết, địa phương đang phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ thương mại. Diện tích đất nông nghiệp còn nhiều nhưng vướng quy hoạch. Vì thế, nhiều nông dân không thể đầu tư cho nông nghiệp hoặc không khai thác triệt để giá trị trên đất nông nghiệp.
Hội Nông dân huyện Nhà Bè tham mưu Huyện ủy, UBND huyện xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch, hướng dẫn và khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất để thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị.
Phấn đấu mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 0,7%/năm, huyện Nhà Bè tập trung khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình cây, hoa, cá kiểng có giá trị kinh tế, phù hợp với sự phát triển của nền nông nghiệp đô thị tại địa phương.
Hội Nông dân huyện Nhà Bè kết nối ngân hàng, giới thiệu các gói hỗ trợ, ưu đãi tín dụng để tái sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất trên địa bàn huyện.
Hội Nông dân huyện Nhà Bè phối hợp tổ chức dạy nghề nông nghiệp cho hội viên nông dân, tập huấn, hội thảo chuyển giao ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, xây dựng điểm trình diễn giới thiệu các loại giống mới, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất kinh doanh giỏi.
Những hoạt động góp phần tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật cho người dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong đầu tư sản xuất như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trải bạc đáy ao ứng dụng công nghệ cao, mô hình nuôi trồng và cấy đông trùng hạ thảo, mô hình trồng hoa lan cắt cành, lan hồ điệp và mai ghép, mô hình nuôi trồng nấm bào ngư, trồng nấm sinh chỉ.
Đặc biệt, Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố hỗ trợ nguồn tín dụng với tổng dư nợ 8,972 tỷ đồng, cùng với dư nợ cho vay từ nguồn ủy thác Ngân hàng chính sách trên 184 tỷ đồng đã hỗ trợ rất nhiều cho nông dân.
Từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.
Ông Siêu cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị hiện nay đã đem lại hiệu quả kinh tế cao so với trước đây; giúp nâng cao năng suất lao động và giá trị trên cùng diện tích canh tác.
"Huyện Nhà Bè đã giảm mạnh diện tích đất bỏ hoang không sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị", ông Siêu chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.