GS Finn Tarp - Trường Đại học Copenhagen- Giám đốc Tổ chức UNI-WIDER (Đan Mạch) đã nhận xét như vậy tại buổi công bố báo cáo “Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi trong nông thôn Việt Nam - Sự trỗi dậy của con rồng mới nổi” được điều tra suốt hơn 10 năm (2002-2014) tại 12 tỉnh của Việt Nam (VN), do Viện Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức hôm qua (5.8).
“Dễ khi hái quả ở dưới thấp”…
Theo GS Finn Tarp, VN đã đạt tốc độ tăng trưởng cao liên tục trên dưới 7% trong suốt thời gian qua. Tốc độ xóa đói giảm nghèo cũng đạt mức kỷ lục từ 57% của những năm 1990 xuống còn 3% năm 2012 nhưng cho đến nay, VN vẫn là một nước nghèo. Thu nhập của người dân còn thấp hơn nhiều so với thu nhập trung bình của nhiều nước. Chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt với khu vực nông thôn vẫn còn chưa rõ.
Trẻ em tại xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, Lào Cai. Ảnh: Đ.D
Ông GS Finn Tarp ví von: “Cải cách kinh tế của VN nói chung và nông nghiệp nói riêng như một con đường còn đang ngoằn ngoèo, qua nhiều núi cao, biển sâu và khó khăn. Dù đạt được kết quả nhưng VN mới chỉ đi được một đoạn ngắn, mới hái được những quả dễ hái ở dưới thấp. Những quả ở trên cao đòi hỏi phải cố gắng nhiều VN mới có thể hái được và hoàn thành được mục tiêu cải cách của mình”.
Dẫn chứng từ kết quả báo cáo thu được hơn 10 năm qua, ông Finn Tarp cho biết, giá trị gia tăng nông nghiệp/lao động của VN khá trì trệ, không có sự tăng trưởng, thấp hơn tất cả các nước trong khu vực châu Á, kể cả Campuchia. Ngay lĩnh vực viễn thông được cho là “bùng nổ” tại VN thì về nông thôn hiện rất khó khăn.
Theo ngưỡng đói nghèo chuẩn là 1,25 USD/ngày (thu nhập của một người), VN đã đạt tốc độ giảm kỷ lục nhưng tỷ lệ suy sinh dưỡng/% dân số và tình trạng thiếu lương thực lại rất cao, tập trung chủ yếu ở nông thôn vùng sâu, xa.
Lý giải về tình trạng này, ông Finn Tarp cho biết, đây là hệ quả của việc VN đang bị mất cân bằng phát triển giữa các vùng, đặc biệt khu vực phía Bắc tụt hậu rất nặng; khoảng cách giàu-nghèo quá lớn.
“Cái khó bó cái khôn”!
TS Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng CIEM dẫn kết quả điều tra cho thấy, việc tích tụ ruộng đất và mua bán ruộng đất để làm ăn lớn của khu vực nông thôn đang rất chậm, thậm chí đình trệ. Người dân nông thôn, doanh nghiệp rất khó thuê đất, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Đây là lý do tại sao giá trị gia tăng thêm trong sản xuất nông nghiệp/đầu người của ta không tăng được dù quy mô ruộng đất có tăng lên với người dân.
Báo cáo tổng hợp dài 409 trang dựa trên kết quả 2.162 hộ gia đình tại 12 tỉnh của VN gồm: Hà Tây (cũ), Nghệ An, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Quảng Nam và Long An.
|
Tăng trưởng kinh tế kéo theo việc cơ giới hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ trong nông nghiệp và đời sống nông thôn nhưng ở VN lại không được như kỳ vọng. Hầu hết hộ nghèo ở nông thôn không có điện thoại, Internet. Họ không tiếp cận được thông tin và có nguy cơ bị loại ra khỏi các hoạt động kinh tế. Khoảng cách thu nhập, chênh lệch giàu nghèo cũng lớn ra từ đây, do người dân không tiếp cận được với các công nghệ hiện đại của cuộc sống.
Ông Lưu Đức Khải- Trưởng ban Chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng nhận xét: Phúc lợi cho nông thôn tốt hơn trong hơn 10 năm qua, nhưng cũng bị phân hóa không đồng đều. Những hộ nghèo phải rất cố gắng, vất vả và còn rất lâu mới đạt được mức sống chuẩn.
TS Hoàng Vũ Quang- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) đồng tình với khuyến nghị của báo cáo khi cho rằng, VN cần tập trung phát triển cả vật chất và con người cho khu vực nông thôn, đặc biệt ở những tỉnh còn khó khăn, nếu không khoảng cách giàu nghèo sẽ tiếp tục nới rộng. Nhà nước cần loại bỏ các rào cản đối với các hoạt động của thị trường đất đai, giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
TS Nguyễn Lan Hương-Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cũng ủng hộ việc cần loại bỏ những rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp nông thôn (tín dụng, thị trường…), nên tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nông thôn khởi nghiệp, phát triển và mở rộng. Đưa ra lời khuyên của mình, GS Finn Tarp đúc kết lại: “VN cần quan tâm đến các chính sách an sinh cho người dân khu vực nông thôn. Bởi nhiều chính sách tốt thời gian qua bị người dân nông thôn phản ánh là chưa đến được với họ... Mức độ hài lòng về cuộc sống ở nông thôn cũng đang có phần bị đánh giá thấp đi”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.