Nông dân lạm dụng thuốc BVTV: Khám, xét nghiệm máu để cảnh báo

Dũ Tuấn Thứ bảy, ngày 20/10/2018 13:00 PM (GMT+7)
“Thực tế, nhiều nơi nông dân đang lạm dụng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng quy trình, không đồ bảo hộ, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền cần hỗ trợ nông dân khám bệnh, xét nghiệm máu để sớm phát hiện bệnh tật. Đồng thời, cũng là thông điệp cảnh báo bà con nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và cộng đồng”, ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Trưởng ban Xã hội dân số và Gia đình (Hội Nông dân Việt Nam) đề nghị.
Bình luận 0

Ngày 19.10, ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Trưởng ban Xã hội dân số và Gia đình (Hội Nông dân Việt Nam) đã làm việc với lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, đại diện các sở, ngành tại Bình Định về việc thực hiện “Chương trình phối hợp của Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020”.

Nói không với chất cấm

Tại cuộc họp, ông Hồ Phước Hoàn – Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NNPTNT tỉnh Bình Định), cho biết, ngoài việc thực hiện chỉ tiêu Bộ NNPTNT đề ra thì tỉnh Bình Định đang tăng cường giám sát sâu hơn về các mặt hàng như: chả cá nói không với chất cấm hàn the, mắm ruốc nói không với phẩm màu công nghiệp, không bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Đến nay, Chi cục đã cấp giấy chứng nhận và giám sát 400 cơ sở sản xuất kinh doanh đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, dự kiến cuối năm nay sẽ xác nhận 12 chuỗi an toàn với gần 40 sản phẩm.

“Trong việc xây dựng các vùng rau an toàn, chúng tôi luôn xác định danh mục thuốc bảo vệ thực vật người dân hay dùng để theo dõi quản lý, không để tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang thực hiện chuỗi heo thịt nguyên con an toàn ký kết cung ứng cho TP.Đà Nẵng. Tiếp đến là thực hiện chuỗi thịt bò chất lượng cao, tại TP.Quy Nhơn cuối năm nay sẽ đưa vào hoạt động 2 lò giết mổ tập trung, nếu không thông qua lò này thì thịt không đảm bảo và không được vào thành phố”, ông Hoàn cho hay.

img

Ông Nguyễn Tiến Vượng (giữa) đánh giá cao mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap của HTX NN Thuận Nghĩa. Ảnh: Dũ Tuấn

Ông Trần Kim Phụng – Trưởng phòng Nghiệp vụ Chi cục An toàn thực phẩm, Sở Y tế Bình Định thông tin, 9 tháng năm 2018, quá trình thanh kiểm tra đã phát hiện hơn 500 cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chỉ phạt tiền 135 cơ sở.

“Mức phạt với số tiền rất lớn, đối tượng vi phạm chủ yếu là các hộ sản xuất buôn bán nhỏ, lẻ nên rất khó xử lý. Vì vậy, ở tuyến xã chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở để người dân thực hiện đúng”, ông Phụng nêu lý do.

Khám bệnh, xét nghiệm máu cho nông dân

Đánh giá cao việc Sở NNPTNT, Y tế, Công Thương đã phối hợp, hỗ trợ Hội Nông dân tỉnh tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn, gắn với phát triển du lịch của tỉnh Bình Định, tuy nhiên ông Nguyễn Tiến Vượng cho rằng, các sở cần tăng cường phối hợp với Hội Nông dân tỉnh theo tinh thần được phân công nhiệm vụ tại Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 02/4/2018 của Thủ tướng Chính Phủ.

“Thực tế, nhiều nơi nông dân đang lạm dụng và sử dụng thuốc BVTV không đúng quy trình, không đồ bảo hộ, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, cần hỗ trợ nông dân khám bệnh, xét nghiệm máu để sớm phát hiện bệnh tật. Đồng thời, cũng là thông điệp cảnh báo bà con nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, sẽ ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe bản thân và cộng đồng”, ông Vượng nói.

img

Mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap của HTX NN Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn). Ảnh: Dũ Tuấn

Ông Vượng cũng đề nghị, ngành Công Thương cần hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ nông sản an toàn của bà con nông dân, nông sản không an toàn thì có biện pháp không nhập vào các siêu thị, cửa hàng để nông sản “bẩn” không có chỗ đứng trên thị trường. Như vậy, mới khích lệ nông dân sản xuất nông sản thực phẩm có chất lượng tốt.

img

Ông Nguyễn Tiến Vượng trò chuyện cùng lãnh đạo HTXNN Thuận Nghĩa tại khu vực vườn rau. Ảnh: Dũ Tuấn

Kết thúc cuộc họp, ông Nguyễn Tiến Vượng cùng đoàn làm việc đã đi thăm mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX NN Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn).  

Tại đây, ông Trần Tế Thế - Phó Giám đốc HTX NN Thuận Nghĩa, cho biết: “Với hơn 4ha, HTX có 69 hộ dân tham gia trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình sản xuất luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất. Mỗi ngày, chúng tôi cung cấp 500kg rau cho siêu thị và hơn 1 tấn rau đi các tỉnh Tây Nguyên. Giá rau sạch nhập vào siêu thị cao gấp 3 lần so với giá thị trường nhưng siêu thị thì đòi hỏi khắt khe hơn”.

Theo ông Thế, HTXNN Thuận Nghĩa đã ký kết với các hộ trồng rau, trong sản xuất nếu thua lỗ thì HTX sẽ đền bù nhưng sản xuất phải đảm bảo đúng quy trình.

“Đến thời kỳ rau gần thu hoạch, tôi yêu cầu cắt bỏ việc phun thuốc, nếu tới ngày xuất bán mà rau bị sâu bệnh nặng không thu hoạch được thì chúng tôi sẽ đền bù. Với cam kết này, đảm bảo được việc người nông dân sản xuất có lương tâm, trách nhiệm với khách hàng”, ông Thế nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem