Nông dân một xã ở Thái Bình được hỗ trợ 2.000 vịt giống để nuôi theo hướng an toàn sinh học

Thu Hà Thứ sáu, ngày 11/11/2022 05:46 AM (GMT+7)
Đầu tháng 11/2022 vừa qua, các hộ tham gia xây dựng mô hình đã được hỗ trợ vật tư để chăn nuôi vịt thương phẩm, bao gồm: Hỗ trợ con giống 1 ngày tuổi, thức ăn cho vịt từ 1 ngày tuổi đến xuất chuồng, vaccine, chế phẩm bổ sung thức ăn và chế phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc sát trùng chuồng trại.
Bình luận 0

"Nuôi lứa vịt này được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình hỗ trợ từ con giống, cám, chế phẩm sinh học, chúng tôi tin chắc sẽ thu lãi cao hơn rất nhiều so với các lứa vịt trước". Đó là chia sẻ của ông Đào Trọng Tuệ - Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi thủy cầm xã Tây Lương (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).

Hỗ trợ nông dân nuôi vịt an toàn sinh học

Nhằm nâng cao nhận thức cho người nông dân về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn; tiếp tục nhân rộng mô hình và tiến tới thành lập, củng cố nhiều hơn nữa các tổ hợp tác, HTX trên địa bàn các tỉnh, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, vừa qua Văn phòng Phát triển bền vững - Văn phòng T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã khảo sát thực tế, và bằng những kinh nghiệm từ các mô hình nuôi vịt thương phẩm đã triển khai ở các vùng, miền, căn cứ đề xuất dự án của Hội Nông dân tỉnh Thái Bình, T.Ư Hội quyết định hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học ở xã Tây Lương, huyện Tiền Hải với tổng kinh phí 271,69 triệu đồng.

Nuôi vịt an toàn sinh học, thu lợi kép - Ảnh 1.

Nông dân xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình phấn khởi nhận con giống vịt, cám, chế phẩm sinh học... Ảnh: H.T

Ngày 2/11, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã bàn giao con giống, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học, vaccine cho 5 hộ nông dân xã Tây Lương, huyện Tiền Hải tham gia mô hình.

Tham gia mô hình có 5 hộ là thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi thủy cầm xã Tây Lương. Đây đều là những hộ chăn nuôi vịt thương phẩm theo hình thức tập trung có kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh thú y và tiêm phòng nghiêm ngặt.

Đầu tháng 11/2022 vừa qua, các hộ tham gia xây dựng mô hình đã được hỗ trợ vật tư để chăn nuôi vịt thương phẩm, bao gồm: Hỗ trợ con giống 1 ngày tuổi, thức ăn cho vịt từ 1 ngày tuổi đến xuất chuồng, vaccine, chế phẩm bổ sung thức ăn và chế phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc sát trùng chuồng trại.

Cùng với hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học, các hộ tham gia mô hình ở xã Tây Lương còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vịt thương phẩm ứng dụng chế phẩm sinh học. Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã phối hợp cử cán bộ khuyến nông chuyên trách "cầm tay chỉ việc" hỗ trợ nông dân trong chăn nuôi.

Anh Nguyễn Hoàng Thái – Trưởng ban Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình, cán bộ tham gia phụ trách mô hình, cho biết: Mục tiêu mà dự án đề ra là nâng cao nhận thức, kiến thức về chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường cho hội viên nông dân trên địa bàn xã. Đồng thời, xây dựng mô hình điểm chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, hướng tới thành lập chi hội/tổ hội nông dân nghề nghiệp, xây dựng mô hình HTX chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học của tỉnh.

Dự án có 5 nội dung hoạt động chính là: Tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng mô hình; quản lý, kiểm tra, giám sát; tuyên truyền, nhân rộng; nghiệm thu, tổng kết mô hình. 

"Được hỗ trợ tham gia dự án chăn nuôi vịt thương phẩm ứng dụng chế phẩm sinh học, bà con nông dân xã Tây Lương rất phấn khởi" - anh Nguyễn Hoàng Thái cho hay.

Đàn vịt phát triển tốt

Nuôi vịt an toàn sinh học, thu lợi kép - Ảnh 3.

Các hộ nông dân xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, Thái Bình được hỗ trợ thức ăn cho vịt.

"Đây là lần đầu tiên nông dân xã Tây Lương tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi vịt. Nhờ làm tốt tuyên truyền, phổ biến kiến thức nên ngay từ bước đầu thực hiện, dự án đã gặp nhiều thuận lợi".

Ông Nguyễn Xuân Huyến -

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Lương

Ông Nguyễn Xuân Huyến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Lương cho biết: Xã hiện có 5 chi hội nông dân, với tổng số 960 hội viên nông dân. Nông dân trong xã chủ yếu nuôi gà chân lùn, vịt bầu cánh trắng thương phẩm. Tổng đàn gia cầm của xã là 13.500 con; đàn thủy cầm khoảng 10.000 con.

Cũng theo ông Huyến, hiện đa số các hộ nông dân xã Tây Lương tham gia sản xuất nông nghiệp với quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học. Việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân chủ yếu qua thương lái, chưa có nhiều liên kết với các doanh nghiệp.

Nhằm hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất để giảm chi phí đầu vào, hạn chế dùng các loại thuốc kháng sinh, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã vận động, tuyên truyền nông dân thành lập các tổ hợp tác, HTX kiểu mới, các chi, tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi, trồng trọt. 

 "Đây là lần đầu tiên nông dân xã Tây Lương tham gia mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi vịt nên bà con rất phấn khởi. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nên ngay từ những bước đầu thực hiện dự án, Hội Nông dân xã đã gặp rất nhiều thuận lợi" - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Lương nói.

Ông Đào Trọng Tuệ - Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi thuỷ cầm xã Tây Lương là 1 trong 5 hộ nông dân được chọn tham gia mô hình. 

Phấn khởi trao đổi với phóng viên, ông Tuệ cho biết: "Đợt này 5 thành viên trong tổ được hỗ trợ 2.000 con vịt giống; mỗi hộ được nhận 400 con. Số vịt giống mà T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Thái Bình hỗ trợ rất đảm bảo chất lượng, con vịt khỏe, đẹp. Với việc sử dụng chế phẩm vi sinh trộn vào cám cho vịt ăn, bước đầu tôi thấy đàn vịt phát triển rất tốt, khỏe, lông mượt, tỷ lệ sống 100%. Đặc biệt, nhờ dùng chế phẩm vi sinh xử lý chất thải nên môi trường sạch sẽ, không có mùi hôi".

Nuôi vịt an toàn sinh học, thu lợi kép - Ảnh 5.

Vận chuyển thức ăn hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình.

Ông Tuệ cho biết thêm, đến nay ông đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi vịt. Hiện ông nuôi 200 con vịt đẻ, 1.000 con vịt thương phẩm, 100 con gà thương phẩm. Ông Tuệ nuôi vịt theo 2 hình thức là nhốt chuồng và thả đồng. 

Đối với nuôi vịt nhốt chuồng, sau thời gian nuôi từ 50 - 55 ngày là được xuất bán; còn đối với nuôi vịt thả đồng, thời gian nuôi từ 70 ngày mới được bán. Ông Tuệ nuôi vịt, gà quanh năm, hết lứa này gối vụ nuôi lứa khác. Nhờ nuôi vịt, gà thương phẩm, gia đình ông Tuệ thu lãi 200 triệu đồng/năm. 

"Lứa vịt này được Hội Nông dân hỗ trợ từ con giống, thức ăn, vaccine, chế phẩm sinh học, chúng tôi tin chắc sẽ thu lãi cao hơn rất nhiều so với các lứa vịt trước" - ông Tuệ phấn khởi nói. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem