Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng ấn tượng với chi hội nuôi vịt thu nhập 100 tỷ/năm
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng ấn tượng với mô hình chi hội nuôi vịt thu nhập 100 tỷ/năm
Thu Hà
Thứ ba, ngày 13/09/2022 05:39 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Duy Hưng – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, liên kết là điều kiện quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Để thúc đẩy xây dựng mối liên kết bền vững giữa những người nông dân với nhau và giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp rất cần vai trò đầu tàu của những người nông dân chuyên nghiệp.
Ngày 12/9, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII năm 2022 với chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp được tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức.
Ấn tượng với những người nông dân chuyên nghiệp
Phát biểu tổng kết các vấn đề thảo luận trong phiên thứ nhất tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp", Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng chia sẻ: "Tôi rất vui mừng được tham dự diễn đàn và được gặp các đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh tiêu biểu nhất cả nước. Ở phiên thứ nhất của Diễn đàn, được nghe 6 câu hỏi của nông dân; 10 câu trả lời, đối thoại từ các cơ quan nhà nước, các vị khách quốc tế, các doanh nghiệp và hiệp hội, tôi thấy rất hay.
Chủ đề của Diễn đàn là người nông dân chuyên nghiệp nhưng thực ra người nông dân của chúng ta đã chuyên nghiệp từ lâu rồi. Tôi thấy có nông dân trồng cà rốt xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc; có nữ nông dân là người dân tộc thiểu số ở Lào Cai với mô hình sản xuất cá giống lên đến 3 tỷ đồng/năm.
Có nông dân là anh Ngô Đức Thắng ở Hưng Yên mà tôi đã về thăm với mô hình chi hội nghề nghiệp nuôi vịt có doanh thu lên đến 100 tỷ đồng. Hay nữ nông dân trẻ ở Hà Nam với mô hình nuôi bò sữa với doanh thu 14 tỷ đồng/năm cũng rất ấn tượng. Còn rất nhiều, rất nhiều các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của chúng ta rất xuất sắc.
Nhìn thấy các nông dân sản xuất kinh doanh sản xuất kinh doanh hiệu quả tôi nhớ đến câu thành ngữ của các cụ: "nhất sĩ nhì nông; hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ".
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành 3 nghị quyết: Nghị quyết số 18 về đất đai; Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20 về kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Với 3 nghị quyết này và với sự vào cuộc quyết liệt của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, tin chắc rằng các vấn đề mà các đại biểu nông dân nêu ra ngày hôm nay cơ bản được giải quyết.
Ông Hưng chia sẻ: 6 ý kiến của đại biểu nông dân tập trung vào 2 nhóm vấn đề lớn, một là liên kết, hai là chính sách để hỗ trợ nông nghiệp phát triển.
Trong tổng kết Nghị quyết nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đưa đến một kết luận là nông nghiệp thiếu bền vững do nhiều yếu tố, trong đó rất quan trọng là thiếu sự liên kết.
Liên kết ở đây giữa nông dân với nhau, đặc biệt là liên kết giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp và các tổ chức khác. Trong toàn bộ quá trình từ nghiên cứu thị trường, sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ đến chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu thì liên kết phải được thể hiện trong cả chuỗi như vậy thì mới tạo được sự phát triển bền vững hiệu quả cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Liên kết là điều kiện quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
"Tôi nói một ví dụ về mô hình chi hội nghề nghiệp nuôi vịt của đại biểu nông dân Ngô Đức Thắng ở Kim Động, Hưng Yên, một năm với doanh thu trên 100 tỷ mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho hàng trăm người. Các nông dân ở đây làm tốt khâu liên kết từ nghiên cứu thị trường, sản xuất nguồn giống, thức ăn chăn nuôi, ứng dụng công nghệ và tiêu thụ. Chúng ta làm tốt khâu liên kết sẽ giải quyết được bài toán đầu ra và sản xuất nông nghiệp bền vững.
Tôi đã đi thăm những mô hình chăn nuôi ở Nhật Bản. Người ta quy ước trong tổ hội, mỗi hộ chỉ nuôi bao nhiêu con bò một năm, mỗi năm chỉ sản xuất ngần đó con bò. Họ làm như thế để làm gì? Để giữ thương hiệu, tạo ra sự khan hiếm nhất định về hàng hoá đó thì mới giữ được giá trị hàng hoá của họ.
Nếu như không có sự liên kết, mạnh ai nấy làm, thì không thể giữ được thương hiệu và không thể tạo ra giá trị cho sản phẩm của mình. Việc liên kết có thành công hay không phải đến từ 2 phía cả nông dân và doanh nghiệp" - ông Hưng nhấn mạnh.
Vừa qua, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết 20 về phát triển kinh tế tập thể, cùng với hàng loạt các chính sách hỗ trợ khác từ phía Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của khối doanh nghiệp, chúng ta tin rằng sự liên kết giữa người nông dân với các HTX và các doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, nhất là tính chuyên nghiệp trong sản xuất nông nghiệp.
"Các đại biểu nông dân đã hỏi rất nhiều chính sách cho phát triển nông nghiệp trong đó có vốn, đất đai, đặc biệt là những mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Đây cũng là xu hướng thế giới trong tương lai.
Trong Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng đã nói rất rõ về phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng hữu cơ tuần hoàn. Và chúng ta đã có thực hiện COP 26, việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn rất quan trọng" - ông Hưng chia sẻ.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết: Về vốn, đúng là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất quan trọng, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm. Trong tổng kết Nghị quyết tam nông có tính đến và thực tế đã đạt được là dư nợ tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn bao giờ cũng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của cả nước, khoảng 19%/năm. Hiện vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân nông thôn chiếm 25% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, chúng ta có nguồn vốn Quỹ HTND của Hội Nông dân Việt Nam, Quỹ của Liên minh HTX.
Một vấn đề nữa liên quan đến đất đai, chúng ta vừa nghe ý kiến của đại diện Bộ TNMT cho biết 84% diện tích đất dành cho cho nông nghiệp, lâm nghiệp. Kèm theo đó, chúng ta đặt ra mục tiêu sản xuất đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là 35 triệu tấn lúa/năm và 3,5 triệu ha lúa. Chúng ta cũng đặt ra vấn đề cho phép linh hoạt chuyển đổi đất lúa.
Chính sách của chúng ta tiếp tục thu hút việc tập trung, tích tụ đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó có khuyến khích liên doanh, liên kết góp vốn vào quyền sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, tăng hạn mức, mở rộng đối tượng được chuyển nhượng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.