Chuyển từ bò sữa sang nuôi heo với quy trình bài bản, nông dân ngoại ô TP.HCM thu nhập “khủng”

Lê Giang Chủ nhật, ngày 18/02/2024 08:07 AM (GMT+7)
Anh Phạm Việt Phương ở huyện Củ Chi, TP.HCM chuyển từ nuôi bò sữa sang nuôi heo tuân thủ quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, tạo cơ nghiệp khiến nhiều người mơ ước. Hàng năm anh thu về hơn 2,5 tỷ đồng nhờ bầy heo xuất chuồng.
Bình luận 0

Bỏ bò sữa chuyển sang nuôi heo, thu nhập tiền tỷ mỗi năm

Đến xã An Nhơn Tây huyện Củ Chi (TP.HCM), người dân hầu như ai cũng biết về trại heo của anh Phạm Việt Phương, một trong những nông dân có mô hình chăn nuôi heo công nghiệp một cách hiệu quả của địa phương. Trước khi đến với nghề chăn nuôi heo, anh Phạm Việt Phương từng trải qua nghề chăn nuôi bò sữa nhiều năm. Khoảng những năm 2012, giá bò giống khá cao khiến anh gặp khó. Khi đó, anh bắt đầu chuyển hướng sang nuôi heo nái để vừa nhẹ vốn và có thể quay vòng sản xuất nhanh hơn.

Chuyển từ bò sữa sang nuôi heo với quy trình bài bản, nông dân ngoại ô TP.HCM thu nhập “khủng”- Ảnh 1.

Anh Phạm Việt Phương chăm sóc bầy heo khiến anh làm nên cơ nghiệp. Ảnh: Lê Giang.

Giai đoạn đầu, anh cũng đối mặt không ít thách thức dù đã có ít kiến thức về thú y khi chăn nuôi bò. Nhưng nuôi heo kỹ thuật lại khác, anh từng bước học tập ở những người có chuyên môn và kinh nghiệm, đồng thời đi nhiều mô hình chăn nuôi heo để tìm hiểu cách làm về áp dụng cho trại heo.

Anh Phương chia sẻ: "Trước khi sang chăn nuôi heo, tôi chưa biết gì nhiều về kỹ thuật, cũng nhờ đội ngũ của các chuyên gia bên công ty thức ăn và Hội nông dân hỗ trợ. Cùng với đó, tôi đi thăm các mô hình hiệu quả để học tập kinh nghiệm cũng như cách xây dựng chuồng trại. Nhờ đó, tôi đã tự xử lí được các vấn đề thú y cho heo, nếu không rủi ro dịch bệnh rất lớn".

Chuyển từ bò sữa sang nuôi heo với quy trình bài bản, nông dân ngoại ô TP.HCM thu nhập “khủng”- Ảnh 2.

Nhiều lúc đối mặt với bão giá thức ăn và dịch bệnh khiến có lúc khiến anh muốn bỏ cuộc. Ảnh: Lê Giang.

Người nông dân 46 tuổi này cũng có lúc muốn bỏ cuộc khi đối mặt đợt bão giá khi giá thức ăn tăng cao, mà giá heo thịt chỉ xuống đến đáy 30.000 đồng/kg. Nhưng may mắn, anh vẫn bám đàn không bán vội, và sau đó giá tăng trở lại lên đến hơn 70.000 đồng/kg. Nhờ đó anh thu được lãi lỡn.

Khiêm tốn kể về bí quyết thành công của mình, anh Phương chia sẻ:"Mỗi người có cách làm khác nhau. Trong lúc dịch bệnh và giá sản phẩm xuống thấp, nhiều người rút cám xuống, cho heo ăn ít lại hoặc chọn cám có chất lượng thấp hơn. Nhưng quan điểm của tôi là cần cung cấp dinh dưỡng tốt nhất, để con heo có sức đề kháng tốt, đặc biệt là phải quản lý được tiêu chảy, giúp chống chịu với dịch bệnh. Từ đó, heo có năng suất chăn nuôi tốt để đón chu kỳ giá lên".

2 năm liên tiếp 2022 và 2023, người chăn nuôi heo gặp quá nhiều khó khăn. Bởi, tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn âm thầm diễn biến phức tạp, gây áp lực với nhà chăn nuôi. Cùng với đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, tính cả năm đã tăng 30.000 - 50.000 đồng/bao. Các loại thuốc, vắc xin cũng tăng khoảng 20%. Tuy vậy, sản phẩm đầu ra của heo thì không ổn định, lên xuống liên tục, mà xuống nhiều hơn lên. Với những người chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều thời điểm không đủ trang trải cho cuộc sống… Tuy vậy, trang trại heo của gia đình anh Phương vẫn duy trì được đàn vượt qua dịch bệnh và đều đặn xuất chuồng.

Chuyển từ bò sữa sang nuôi heo với quy trình bài bản, nông dân ngoại ô TP.HCM thu nhập “khủng”- Ảnh 3.

Trại heo của anh Phạm Việt Phương được bố trí khoa học và thông thoáng. Ảnh: NVCC.

Theo anh Phương, trong chăn nuôi cần thực hiện tốt an toàn sinh học. Trước đó, trại của anh đã chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại, nhưng kể từ khi dịch tả heo châu Phi ập đến năm 2019, thi thoảng nghe trại của người quen này, người quen kia bị nhiễm bệnh, chết nhiều đầu heo, thiệt hại về kinh tế; nên anh Phương quyết tâm thay đổi thói quen quản lý an toàn sinh học của mình dựa trên sự tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình của các nhà chuyên môn.

Anh Phương rà soát lại tất cả các khâu an toàn sinh học của trại, từ việc vệ sinh, khử trùng chuồng trại đúng cách, thường xuyên, hiệu quả bằng nguyên liệu rẻ tiền như vôi bột; sát trùng nước Clear Max, sát trùng không khí, xua đuổi côn trùng bằng… người ra vào phải được cách ly, khử khuẩn, giăng lưới quanh trại để hạn chế ruồi, muỗi; không cho chó, mèo, chuột tiếp xúc với vật nuôi; không mang thịt heo và các loại sản phẩm từ thịt heo vào trại; xe chở thức ăn, vắc xin, vật tư vào trại đều được sát trùng; xuất, nhập heo đều có khu vực riêng…

Chuyển từ bò sữa sang nuôi heo với quy trình bài bản, nông dân ngoại ô TP.HCM thu nhập “khủng”- Ảnh 4.

Heo xuất, nhập chuồng đều được bố trí theo lối đi riêng để đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh. Ảnh: NCVV.

Tâm huyết với công việc chăn nuôi heo hơn 10 năm đã giúp anh Phương và gia đình có kinh tế khấm khá, cuộc sống no đủ; tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. Hiện tại trai heo của anh có tổng diện tích 10.000m2 trong đó diện tích chuồng đang nuôi là 2.000m2. Mỗi năm, anh xuất chuồng hơn 50 tấn heo thịt cho các thương lái. Hiện tại, giá heo hơi giao động từ 50.000 – 55.000 đồng/ký. Trại heo của anh cũng thu vào hơn 2,5 tỷ đồng. Dự báo, giá heo dịp Tết Nguyên Đán này sẽ tăng trở lại anh Phương cũng kỳ vọng sẽ được "ăn Tết lớn".

Kiên trì giữ đàn heo quyết vượt khó khăn

Năm 2023, ngành chăn nuôi heo Việt Nam đã phải âm thầm chịu đựng những khó khăn như dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả heo châu Phi; giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá đầu ra của thịt heo thất thường và thấp. Nhiều doanh nghiệp và người chăn nuôi thua lỗ, đang phải bỏ trống chuồng…

Do dịch bệnh năm nay anh không duy trì đàn đông như mọi năm. Số lượng heo xuất chuồng cuối tháng 1 này tại trại của anh khoảng 50 – 60 con. Thời gian tới, ông Phương vẫn duy trì đàn và hi vọng năm 2024, kinh tế hồi phục, xuất khẩu mở cửa thì giá heo nhích lên ở mức ổn định. Anh sẽ chờ đợi tình hình giá cả thị trường và dịch bệnh để tiếp tục tái đàn và thêm heo nái cho những lứa tiếp theo.

Chuyển từ bò sữa sang nuôi heo với quy trình bài bản, nông dân ngoại ô TP.HCM thu nhập “khủng”- Ảnh 5.

Anh Phạm Việt Phương được vinh danh Nông dân tiêu biểu TP.HCM năm 2023 với môi hình chăn nuôi heo trên diện tích 10.000m2. Ảnh: NVCC.

Theo anh Phương, đối với việc chăn nuôi, cần duy trì đàn nái. Nó sẽ giúp giá thành nuôi heo thịt thấp hơn và chủ động hơn khi mua bên ngoài. Cùng với đó, cần chọn lọc được những giống heo có năng suất, phẩm chất tốt để chăn nuôi. Đồng thời nên đặt sự quan tâm về năng suất chăn nuôi và an toàn sinh học lên hàng đầu.

Trong cái khó, ló cái khôn, rất nhiều nhà chăn nuôi chuyên nghiệp như anh Phương với tư duy cởi mở, chịu khó học hỏi, thay đổi nhận thức chăn nuôi để thích nghi với tình hình mới. Việc xây dựng mô hình chăn nuôi heo hiệu quả và an toàn, các nông hộ trên địa bàn cũng đã học tập, áp dụng mô hình và bước đầu cho thu nhập ổn định. Hội Nông dân địa phương cũng đã tổ chức cho hội viên tham quan, học tập và định hướng về nhu cầu thị trưởng để bà con triển khai mô hình mang lại hiệu quả cao nhất. Năm 2023, anh Phạm Việt Phương được tôn vinh danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem