Trồng lan, nông dân Sài thành có lợi nhuận 800 triệu/ha

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 07/09/2019 12:40 PM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Văn Đức Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp, Sở NNPTNT TP.HCM, hiện xu hướng tiêu dùng hoa lan trên thế giới lẫn trong nước đang tăng lên đáng kể và dự đoán sẽ tăng mạnh trong thập niên tới. Hiện hàng năm, Việt Nam xuất khẩu hoa lan đạt giá trị khoảng trên 4 triệu USD/năm, đứng thứ 6 trên thế giới và còn dư địa rất nhiều.
Bình luận 0

Trong đó, TP.HCM được đánh giá là có điều kiện thời tiết khí hậu rất thuận lợi cho trồng hoa lan nhiệt đới. Hiện, diện tích sản xuất hoa lan của TP.HCM có xu hướng tăng qua các năm. Năm 2010, diện tích sản xuất chỉ đạt 190ha.

Đến hết năm 2018, diện tích trồng lan đã đạt mốc 375ha, tập trung ở huyện Củ Chi (249ha), huyện Bình Chánh (70ha) và một số ít tại quận 9. Quy mô cung ứng hoa lan của TP.HCM cũng tăng nhanh, từ mức 84,5 triệu cành năm 2010 lên 134,5 triệu cành vào năm 2018 (gấp 1,6 lần).

Diện tích đất nông nghiệp tại TP.HCM ngày càng thu hẹp để phát triển đô thị, do đó, ngành trồng hoa lan được xác định có thể thay thế cho cây lúa, bởi giá trị cây hoa lan mang lại cao hơn cây lúa nhiều lần. Hiện, người trồng lan ở TP.HCM có thu nhập cao gấp 4 - 5 lần so với người trồng các loại cây nông nghiệp khác, với lợi nhuận lên tới khoảng 800 triệu/ha.

Cây hoa lan đã được ngành nông nghiệp TP.HCM xác định là 1 trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có khả năng ứng dụng công nghệ cao, phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, tăng giá trị và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

img

Hoa lan được TP.HCM xác định là 1 trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực. (ảnh: Nguyên Vỹ)

Bên cạnh tiềm năng về kinh tế, theo ông Nguyễn Văn Trực - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, các vườn lan tại TP.HCM còn có tiềm năng phát triển du lịch. Sở NNPTNT sẽ phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức các tour du lịch sinh thái về các vườn lan trên địa bàn, giúp nông dân vườn lan vừa kinh doanh dịch vụ du lịch, vừa tiêu thụ hoa lan tại vườn, mà không mất chi phí vận chuyển.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là công tác nghiên cứu giống, lai tạo những loài lan đặc hữu, có bản quyền còn chậm, chưa được đầu tư đúng mức, gây ra thế phụ thuộc lớn vào giống nhập khẩu.

Bởi thế, theo ông Trực, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực sản xuất giống, giảm dần tỷ trọng nhập khẩu; đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, lai tạo giống, sưu tập, thuần hóa và làm nguồn lai tạo các loài lan rừng đặc hữu của Việt Nam, tiến đến đăng ký bản quyền quốc tế; xúc tiến liên kết với các doanh nghiệp nhân giống từ nước ngoài nhằm giảm áp lực chất lượng giống không đồng đều và giá giống phụ thuộc lớn vào biến động tiền tệ của nước xuất khẩu giống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem