Nông dân nuôi lợn bị "đá" ra rìa: Chính sách điều hành kiểu gì?

Đức Thịnh Thứ tư, ngày 30/05/2018 07:45 AM (GMT+7)
Trải qua hơn 15 tháng cầm cự với giá lợn giảm, nhiều hộ nông dân đã buộc phải treo chuồng, giảm đàn, thậm chí bỏ nghề. Và đến thời điểm này, khi giá lợn tăng, nông dân hầu như không được hưởng lợi. Sân chơi đã hoàn toàn nhường lại cho các ông lớn, trong đó có những doanh nghiệp FDI siêu lớn.
Bình luận 0

Ghi nhận của PV Dân Việt sẽ làm rõ hơn thực trạng này.

Không đủ sức cầm cự

Vốn là một "đại gia" về nuôi lợn trong vùng, nhưng giờ đây, những ngày tháng huy hoàng đó của ông Trịnh Duy Tân – chủ trang trại lợn ở Kim Sơn, Ninh Bình chỉ còn trong... hoài niệm, Ông Tân xót xa cho biết: "Trải qua hơn một năm thua lỗ đã khiến ông mất cả vài tỷ đồng. Hiện ở Ninh Bình, giá heo hơi lên cơn sốt đạt mức 49.000 -50.000 đồng/kg, lợn giống xách tai cũng tăng đạt 1,4 – 1,5 triệu đồng/con. Song ông Tân cho biết trang trại ông cũng không được hưởng lợi nhiều vì đã phải giảm đàn 60% sau đợt thua lỗ kéo dài.

“Trước đây, gia đình tôi nuôi 200 lợn nái, hơn 4.000 lợn thương phẩm, tuy nhiên giờ chỉ còn duy trì 80 nái, 900 lợn thương phẩm. Ở Kim Sơn, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều bỏ chuồng, còn các trang trại đều giảm hơn một nửa đàn, thậm chí có trại giờ mới rậm rịch nuôi lợn trở lại”, ông Tân thổ lộ.

img

Theo các chủ trang trại, không chỉ giá lợn hơi tăng, mà giá lợn giống cũng sốt xình xịch từ 900.000-1 triệu đồng/con ở thời điểm đầu tháng 5, và đến hiện tại là 1,3-1,6 triệu đồng/con. Ảnh minh họa.

Cùng chung tình cảnh như ông Tân, anh Trần Văn Nhàn (SN 1985) ở huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), cho biết lượng lợn trong trại của anh và nhiều trại lợn khác trên địa bàn không còn nhiều, thậm chí nhiều trại nhỏ đã bán sạch do không thể cầm cự trong đợt rớt giá vừa qua.

“Trước đây, gia đình tôi chọn lợn là vật nuôi chủ lực với quy mô 10 lợn nái, 200 lợn thịt/năm, nuôi cá giống là nghề phụ. Tuy nhiên, trong suốt 2 năm ròng giá lợn bấp bênh, xuống thấp tôi không dám vào đàn lợn thịt, giảm dần đàn lợn nái và chuyển sang nuôi cá giống là nghề chính. Thời điểm này nhìn giá lợn hơi tăng mà mình không có lợn để bán, xót lắm. Giá lợn hơi lên, tôi cũng đứng ngồi không yên, băn khoăn không biết có nên vào đàn thời điểm này hay không vì chờ đến lứa heo xuất chuồng thì cũng phải 5 tháng nữa, không biết lúc đó giá có còn được như hiện nay không” – anh Nhàn cho hay. 

Theo ông Phạm Văn Cảnh – Giám đốc HTX Chăn nuôi Hợp Lực ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cho biết, bắt đầu từ tháng 11.2016 đến nay giá giảm liên tục, ông Cảnh đã giảm quy mô đàn lợn từ 500 nái, hơn 3.000 lợn thịt xuống còn 300 nái và hơn 2.000 lợn thương phẩm. Không chỉ ông Cảnh mà nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các chủ trang trại, HTX chăn nuôi cũng giảm đàn.

“Hiện trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm đến 80% đàn lợn, còn các chủ trang trại, HTX doanh nghiệp giảm từ 20 – 30% tổng sổ đàn lợn so vơi cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy, thời điểm này giá lợn hơi tăng mạnh dao động 51.000-52.000 đồng/kg nhưng người nuôi không được hưởng lợi. Vì thực tế, lượng lợn trong dân có rất ít, nhiều hộ đã bỏ nghề chăn nuôi do thua lỗ trong suốt  thời gian dài, không thể cầm cự được”.

img

Giá lợn trên thị trường đang tiếp tục tăng.

Nông dân lạc vào ma trận: Giá tăng nhưng không dám tái đàn

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, thuộc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, cho biết: “Theo báo cáo số 718 /BC-CTK ngày 14/11/2017 của Cục Thống kê Sơn La, thì đàn lợn trên địa bàn Sơn La là 603.450 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 45.644 tấn. Hiện nay, trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sơn La có 266 trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm thì chỉ có 15 trang trại lợn, trong đó có 4 trang trại lợn gia công cho Công ty C.P.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, hiện là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, đã từng nhiều lần nhấn mạnh việc phải duy trì chăn nuôi nông hộ song song với chăn nuôi quy mô công nghiệp. Bởi theo ông, ở nông thôn, ngoài mấy sào ruộng người dân cần chăn nuôi lợn để giúp cải thiện kinh tế gia đình, có tiền cho con ăn học. Tuy nhiên, cần có những chính sách phù hợp để duy trì mô hình chăn nuôi nông hộ.

“Suốt thời gian dài giá lợn hơi xuống thấp nên hầu hết các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn đã phải bỏ trống chuồng, tạm ngừng chăn nuôi sau một thời gian dài thua lỗ. Hiện nay, lượng lợn thương phẩm trên địa bàn Sơn La chủ yếu được cung cấp từ các công ty, trang trại lớn. Đây là những nơi vẫn có điều kiện để duy trì đàn heo trong bối cảnh giá xuống thấp và kéo dài. Vì thế, mặc dù giá lợn hơi liên tiếp tăng nóng trong suốt thời gian qua, nhưng thực tế các nông hộ chăn nuôi không được hưởng lợi trong đợt tăng giá này”.

Ông Toàn khuyến cáo, người chăn nuôi nên thận trọng khi tái đàn lúc này, không nên vào đàn ồ ạt, để rồi đi vào “vết xe đổ”, cung vượt quá cầu như đã từng diễn ra trong thời gian qua  Đều quan trọng nhất là phải giữ đàn lợn một cách ổn định và nên tranh thủ cơ hội này làm tốt các công tác thú y, vệ sinh an toàn dịch bệnh, chăm sóc và giữ đàn lợn còn lại một cách tốt nhất để nâng cao năng suất thì sẽ lợi nhiều hơn.

Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng chỉ khuyến cáo, bà con nông dân nên bình tĩnh nắm bắt tình hình, tránh tái đàn ồ ạt. Lãnh đạo Cục này cũng thừa nhận, đợt tăng giá này chỉ các doanh nghiệp lớn được hưởng lợi, còn nông dân là người chịu thiệt.

Không nên tăng đàn ồ ạt?

Nhận định về tốc độ tăng giá lợn trong thời gian tới, vị Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang cho hay: “Mức giá này có thể cao hơn trong thời gian tới, tuy nhiên cũng không thể cao hơn nhiều so với mức giá hiện tại nhiều do vào mùa nóng, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm đi. Còn mức giá cao thế này có thể duy trì đến bao giờ thì chưa thể dự báo được”.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cảnh báo, với việc lợn trong nước tiếp tục tăng giá, khả năng lợn Trung Quốc tràn vào là rất cao, thậm chí là khó tránh khỏi. Bởi hiện nay giá lợn ở các tỉnh phía nam Trung Quốc giáp ranh với Việt Nam, giá lợn đang ở mức 35.000-36.000 đồng/kg.

“Chính vì vậy các cơ quan chức năng cùng các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tiểu ngạch, trách gây xáo trộn thị trường trong nước” - PGS.TS Nguyễn Đăng Vang cho biết.

Đến thời điểm này người chăn nuôi có xu hướng tái đàn, nhưng do lợn thịt sốt giá khiến cho giá lợn giống cũng tăng cao. Do vậy, người chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt, nếu mua con giống với giá cao thì chi phí chăn nuôi lớn, ngoài ra cần theo dõi thêm biến động của thị trường để quyết định việc mở rộng sản xuất cho phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem