Nông dân sản xuất và sáng tạo sẻ chia kinh nghiệm làm giàu

Thứ sáu, ngày 18/05/2012 07:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong khuôn khổ Hội nghị Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi lần 4, chiều 17.5 tại Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu nông dân sản xuất giỏi và sáng tạo. Buổi giao lưu diễn ra trong không khí nồng ấm, vui vẻ và cởi mở.
Bình luận 0

Mặc dù phải đến 4 giờ 30 phút chiều, buổi giao lưu mới bắt đầu nhưng ngay từ hơn 3 giờ, sân Trường Cán bộ Hội Nông dân (nơi tổ chức buổi giao lưu) đã chật ních người.

img
Nông dân sản xuất giỏi chia sẻ tại buổi giao lưu.

Đi lên từ nghèo đói

Buổi giao lưu bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ 3 nông dân điển hình là chị Trần Thị Hòe (Bà Rịa - Vũng Tàu), anh YOn – Niê (Đăk Lăk), “vua cá sấu” Trần Ngọc Hiếu (Thái Thụy, Thái Bình). Đây là những nông dân làm giàu điển hình đi lên từ nghèo khó. Những câu chuyện làm giàu của họ đã khiến cả khán phòng xúc động.

Chị Trần Thị Hòe (Bà Rịa - Vũng Tàu) tâm sự: “Gia đình tôi trước đây nghèo lắm. Vợ chồng làm thuê khắp nơi mà không đủ sống. Nhờ cứu trợ của xã hội và Nhà nước đến nay cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định, khá giả. Gia đình tôi từng thuộc diện nghèo nhất xã. Hội Nông dân đã hỗ trợ vốn để chúng tôi làm ăn, với số tiền 2 triệu đồng.

Ông Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo đã được phát động từ năm 1989. Đến năm 2011 có 4,2 triệu hộ nông dân sản xuất giỏi. Các hộ nông dân đã biết tận dụng được tiềm năng đất đai, lợi thế của vùng, áp dụng khoa học kỹ thuật, đến nay có những ha đất nông nghiệp thu 300-400 triệu đồng. Từ phong trào này giải quyết được nhiều lao động.

Từ số tiền này, vợ chồng tôi quyết định mua phế liệu về làm máy dập phế liệu, đến lúc có ít vốn, chúng tôi mở một xưởng rèn nhỏ. Lúc đó tôi chỉ biết làm việc quần quật, tôi không nghĩ mình là phụ nữ nữa, tay tôi sần sùi, tóc tai rối bời...

Nếu không có sự hỗ trợ của Hội Nông dân thì giờ đây không biết cuộc đời tôi sẽ như thế nào. Nghề thợ rèn của gia đình tôi đang phát triển. Hiện nay xưởng sản xuất máy móc nông nghiệp của gia đình tôi cho doanh thu trên 1,2 tỷ đồng”.

Cũng đi lên từ nghèo đói, anh YOn – Niê (Đăk Lăk) đã vươn lên làm giàu với doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm từ trang trại cao su, cà phê với tổng diện tích 34ha. Anh Y On – Niê chia sẻ: “Tôi cũng đi lên từ hộ nghèo, nhờ có Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông giúp đỡ nên tôi mới có thể tiếp nhận được tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển cao su, cà phê. Tôi khởi nghiệp từ 1ha trồng cao su, cà phê, dần dần nhờ có những kiến thức đó gia đình tôi đã nhân rộng diện tích trồng ra khá lớn. Hiện nay gia đình tôi đã có thu nhập ổn định”.

Say sưa sáng tạo

Hơn 300 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục được lắng nghe câu chuyện sáng tạo khoa học, sáng tạo máy nông cụ của nông dân Đinh Văn Giang ở huyện Quảng Yên (Quảng Ninh) với việc chế tạo thành công máy chế biến thức ăn chăn nuôi và nông dân Nguyễn Đình Tường ở huyện Châu Đốc (Vũng Tàu), với sáng tạo máy ép trấu (Giải Nhất Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ 4 ).

Anh Tường tâm sự: “Tôi nhận thấy rằng ở Việt Nam nông sản chính là lúa, phụ phẩm lúa là trấu cũng rất nhiều, làm môi trường ô nhiễm. Suy nghĩ như vậy, tôi nghĩ rằng làm sao để xử lý vỏ trấu. Tôi nghĩ đến nếu sản xuất được máy ép trấu sẽ giải quyết được vấn đề môi trường, lao động cũng như tăng thu nhập cho bà con nông dân, tôi đã quyết tâm sáng tạo tới cùng. Lúc đầu rất khó khăn, thử đi nhiều lần nhưng thất bại. Sau 3 năm sáng tạo, chúng tôi sáng tạo thành công máy ép vỏ trấu và đã cho ra thị trường, được thị trường đón nhận”.

Trong những năm qua, phong trào tham gia Cuộc thi sáng tạo khoa học nhà nông ngày càng lan rộng, có 38 tỉnh tham gia với gần 1.000 giải pháp sáng tạo khoa học. Tất cả những giải pháp này đều xuất phát từ lao động, và quay lại giúp đỡ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Hiện nay cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Đình Tường đã cho xuất xưởng 150 máy, bán khoảng 100 máy rải rác từ Nam ra Bắc, nhất là 2 khu vực ĐBSH và ĐBSCL. Máy ép trấu còn được bán sang Lào, Indonesia, Canada.

Còn anh Đinh Văn Giang thì chia sẻ: “Quê tôi là vùng thuần nông. Quanh năm chúng tôi chỉ biết cấy và trồng, cuộc sống vất vả lắm. Chúng tôi phải chăn nuôi thêm để giảm nghèo. Với suy nghĩ muốn giúp bà con cải thiện cách làm ăn, cải thiện cách chăn nuôi, tôi đã trăn trở nhiều đêm và nghĩ phải chế tạo ra được máy xay trộn thức ăn cho bà con.

Từ công thức ủ men rượu, tôi đã nghĩ ra cách chế tạo ra máy đó. Máy này tận dụng tất cả các nguồn phế phẩm phụ phẩm của nông nghiệp như cây bèo tây, những cây mọc hoang dại trên kênh rạch cộng với ủ lên men sẽ cho ra thức ăn rất tốt cho vật nuôi. Từ chiếc máy này, nông dân miền quê nghèo của tôi đã giảm được chi phí trong chăn nuôi, cải thiện được nhiều trong việc tìm kiếm thức ăn sạch cho gia súc.

Người “cô đơn” nhất

Nông dân giỏi Lý Nguyên Bảo từ Bắc Cạn xuống Hà Nội sớm ngày 16.5. Dù đoàn có 4 gương mặt nông dân giỏi được vinh danh nhưng chỉ mình ông khăn gói xuôi Hà Nội trước. Căn phòng rộng với 4 giường nhưng chỉ mình ông. “Chỉ có một mình nên chưa đi tham quan đâu được. Hà Nội nghe tên thì quen mà sao thấy cái gì cũng lạ. Tối buồn quá thế là nhảy sang phòng của anh Hậu ngủ (bác Bảo không nhớ anh Hậu ở đoàn nào - PV) ”- ông Bảo chia sẻ.

Đại biểu say... xe nhất

Lần đầu tiên anh Bùi Văn Chung, nông dân giỏi tỉnh Hòa Bình được T.Ư Hội NDVN vinh danh và mời về dự hội nghị. Anh có dáng người to, chắc và khỏe như vâm. Nhưng trên chuyến xe từ quê nhà ở xã An Bình, huyện Lạc Thủy xuống Hà Nội, anh lại nôn thốc nôn tháo trên xe khách do say xe. Khi đã vượt qua chuyến xe bão táp đó, về nhận phòng anh nằm bệt trên giường của đoàn đại biểu… Thái Bình. Dù đã 44 tuổi (SN 1968) nhưng đây là lần đầu tiên triệu phú “chân đất” này xuống thủ đô.

Trăn trở về cơ giới hóa

Trong suốt cuộc phỏng vấn với NTNN, bác Huỳnh Văn Giáo, đại biểu tỉnh Khánh Hòa say sưa nói về việc ứng dụng cơ giới hóa vào trồng mía nguyên liệu. Mấy chục năm gắn bó với cây mía trên mảnh đất xã Ninh Bình, TX. Ninh Hòa, ông hiểu về cây mía như đường gân thớ thịt của mình. Vì thế, ông nói rằng, cơ giới hóa khâu làm đất, trồng mía, chăm sóc thì được chứ cơ giới hóa trong thu hoạch mía thì vô cùng khó khăn. “Tháng 10 bão về mía đổ rạp xuống nên lúc thu hoạch (từ tháng 4 đến tháng 5) rất khó để dùng máy chặt mía. Hơn nữa, nếu có máy chặt mía rải ra thì cũng khó kiếm lao động thu gom, vận chuyển vì lúc đó đang vụ thu hoạch rộ” - ông Giáo tâm sự.

Đại biểu xài sang

Ngay sau khi đặt chân đến thủ đô, nhận phòng nghỉ ở Trường Cán bộ Hội NDVN, đầu giờ chiều 16.5, đoàn đại biểu tỉnh Khánh Hòa đã tranh thủ có một bữa “nhậu nhanh”. Một thành viên trong đoàn đã đi sắm luôn một chiếc máy ảnh mini để chụp ảnh lưu niệm những ngày ở Hà Nội. Trước đó, đoàn di chuyển bằng ô tô từ Khánh Hòa ra Hà Nội mất đến... 3 ngày. Té ra, đoàn vừa đi vừa dừng chân tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng, ngắm cảnh và… nhậu những món ăn ngon ở các tỉnh mà đoàn đi qua.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem