Nông dân Sơn La nâng cao vai trò bảo vệ và phát triển rừng
Sơn La: Nâng cao vai trò của nông dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng
Văn Ngọc
Thứ ba, ngày 12/11/2024 13:27 PM (GMT+7)
Ngay 12/11, Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Sơn La đã tổ chức ký kết kế hoạch phối hợp hoạt động trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Sơn La địa phương có diện tích rừng lớn của cả nước
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có hơn 666.800 ha rừng, trong đó hơn 70.400 ha rừng đặc dụng; hơn 292.700 ha rừng phòng hộ; hơn 303.700 ha rừng sản xuất,... Các cấp, ngành của tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai các giải pháp bảo vệ tốt diện tích rừng hiện còn, phát triển diện tích rừng mới.
Chương trình ký kết phối hợp hoạt động giữ rừng và phát triển rừng giữa Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Sơn La với các nội dung như: Tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên nông dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ các bon rừng, phát triển sinh kế dưới tán rừng.
Phối hợp xây dựng 4 mô hình tuyên truyền, vận động cộng đồng và người dân sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng để phục vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao sinh kế, đời sống, đảm bảo an sinh xã hội thông qua tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân là chủ rừng tham gia mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Phối hợp nghiên cứu xây dựng 2 mô hình trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng. Thúc đẩy liên kết tạo chuỗi sản xuất, thu hái, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ mô hình.
Thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển sinh kế dưới tán rừng một cách đa lợi ích từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Quản lý bảo vệ, phát triển rừng bền vững tạo ra tín chỉ các bon rừng đóng góp vào NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) và tham gia thị trường các bon tạo thu nhập cho nông dân là chủ rừng.
Tuyên truyền các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sinh kế dưới tán rừng một cách đa lợi ích. Nông dân quản lý bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả. Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, nội dung về phát triển sinh kế dưới tán rừng một cách đa lợi ích từ tiền dịch vụ môi trường rừng; tín chỉ các bon rừng theo Kết luận số 656/KL-TU ngày 23/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với tỉnh Sơn La.
Triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng
Ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La thông tin: Qua sự kiện lần này, với mục đích tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên Hội Nông dân các cấp thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong đó tập trung vào các nội dung thế mạnh của Hội Nông dân, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng nhất là vận động hội viên hội nông dân là chủ rừng, các cộng đồng sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng vào công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống vì mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.
Huy động, thu hút nguồn lực, phát huy trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao ở mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào phát triển sinh kế, phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển sinh kế dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về ý nghĩa, vai trò của phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong thời hội nhập, thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặc biệt là hội nhập về tín chỉ các bon rừng; giúp nông dân hiểu và biết áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất lâm nghiệp; từng bước xây dựng hình ảnh người nông dân trong thời đại mới, có kiến thức, năng lực tiếp cận với nền khoa học hiện đại. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.
Cũng theo Hội Nông dân tỉnh Sơn La, phương thức và thời gian thực hiện giai đoạn năm 2024-2025 sẽ tiến hành khảo sát, lựa chọn nội dung xây dựng mô hình phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội ở địa phương được lựa chọn. Hội Nông dân cơ sở phối hợp với Chi nhánh trực thuộc Quỹ xây dựng kế hoạch xây dựng mô hình và báo cáo với cấp ủy, đề xuất với chính quyền địa phương về chủ trương xây dựng mô hình. Chỉ đạo Hội Nông dân cơ sở phối hợp với Chi nhánh trực thuộc Quỹ phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương về xây dựng mô hình địa phương, của Hội Nông dân cấp trên và của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.
Giai đoạn 2026-2027, triển khai xây dựng các nội dung tập huấn, hội thảo …về các nội dung liên quan đến mô hình. Hỗ trợ xây dựng mô hình và nhân rộng các mô hình nâng cao sinh kế cho người dân (mô hình trồng cây dược liệu, mô hình tham gia bảo hiểm tự nguyện từ nguồn hưởng kinh phí dịch vụ môi trường rừng của người dân...). Kiểm tra, đôn đốc và định kỳ báo cáo tiến độ kết quả thực hiện xây dựng mô hình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.