Số người tham gia “èo uột”
Ông Phạm Lương Sơn – Phó Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, sau 9 năm thực hiện chính sách về BHXH tự nguyện, mới có 200.000 người tham gia. Số này chủ yếu là nhóm đang đóng BHXH bắt buộc nghỉ việc tham gia tiếp BHXH tự nguyện. So với gần 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, số tham gia BHXH tự nguyện quá khiêm tốn. Trong khi đó, cả nước còn khoảng 35 triệu lao động trong khu vực phi chính thức, lao động tự tạo việc làm, lao động giúp việc gia đình, nông dân... thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa tham gia.
Một điểm thu BHXH ở tỉnh Yên Bái. Ảnh: Minh Nguyệt
“Từ ngày 1.1.2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bằng 10% của mức đóng theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Trường hợp người lao động thuộc diện cận nghèo thì mức hỗ trợ là 25% (tương ứng 38.500 đồng/tháng); người lao động thuộc diện nghèo thì mức hỗ trợ là 30% (tương ứng 46.200 đồng/tháng). Như vậy, người nghèo và cận nghèo chỉ còn phải đóng BHXH hơn 100.000 đồng/tháng”.
Ông Trần Hải Nam -
Vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH)
|
Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, chính sách BHXH tự nguyện khi được liên thông với chính sách BHXH bắt buộc đã giúp gần 30.000 người đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng. Trước đó, họ thuộc nhóm không có cơ hội hưởng lương hưu vì có dưới 20 năm đóng BHXH. Tuy nhiên, ông Diệp cũng thẳng thắn nêu ra tốc độ phát triển đối tượng BHXH tự nguyện còn chậm và có nguy cơ khó thực hiện được nhiều mục tiêu lớn. “Nghị quyết số 15-NQ/TW năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 21-NQ/TW năm 2012 của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Đây là một thách thức rất lớn” - Thứ trưởng Diệp trăn trở.
Đồng quan điểm trên, ông Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đang tích cực tìm nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Cùng với đó, BHXH đang kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chính sách hấp dẫn để người dân tham gia được đông hơn.
Vì sao BHXH tự nguyện không “hút” nông dân?
Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, hiện nay Nhà nước cũng đã tính toán, tìm nhiều giải pháp để “hút” nông dân tham gia BHXH tự nguyện.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến lao động khu vực phi chính thức nói chung và nông dân nói riêng chưa hào hứng với BHXH tự nguyện, ông Lợi cho rằng: “Nguyên nhân chính vẫn là do họ là lao động tự do, việc làm và thu nhập không ổn định. Họ thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sức khỏe giảm sút. An sinh xã hội của họ không được chăm lo, dẫn tới nhiều bất lợi trong đời sống. Ngoài ra, bản thân người lao động ở khu vực này cũng không có kiến thức, nếu thủ tục đóng – hưởng phức tạp, họ rất ngại làm giấy tờ”.
Trao đổi về sáng kiến giúp lao động tự do tiếp cận BHXH tự nguyện, ông Lợi cho rằng: “Cần phải hỗ trợ họ tiếp cận các công việc ở khu vực có quan hệ lao động để họ có tiền lương, được tham gia BHXH, BHYT, có chính sách bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì cuộc sống mới ổn định hơn. Khi người ta kết thúc cuộc đời lao động thì có tiền lương để đảm bảo khi về già”.
Riêng nông dân, theo ông Lợi, cần kêu gọi các tổ chức đoàn thể vào cuộc hỗ trợ truyền thông để họ hiểu, nâng cao nhận thức về vai trò của BHXH tự nguyện trong việc duy trì an sinh lúc họ về già. Đồng thời, tích cực phổ biến những điểm ưu việt của BHXH tự nguyện, ví như chính sách của Nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng từ 1.1.2018 tới đây.
Muốn làm được điều này, cần thúc đẩy kinh tế phát triển, mở rộng nhiều doanh nghiệp tư nhân để thu hút lao động tự do vào làm việc. Như vậy, tự nhiên chính sách sẽ đi vào cuộc sống.
Nhấn mạnh ưu điểm chính sách BHXH tự nguyện, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Luật BHXH năm 2014 quy định công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, nếu không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện”.
Về mức tham gia BHXH tự nguyện, đại diện Vụ BHXH cũng cho biết, mức tối thiểu được hạ từ 22% mức lương cơ sở còn bằng 22% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (700.000 đồng). Như vậy, người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng tối thiểu 154.000 đồng/tháng. Người dân có thể tự chọn các mức đóng cao hơn để có mức hưởng lương hưu cao hơn khi về già. Tuy nhiên, cũng không cao hơn 22% của 20 lần mức lương cơ sở (hơn 5,3 triệu đồng/tháng)
Ông Vũ Mạnh Chữ - Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) thừa nhận thực tế: “Người lao động chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng khi về già. Mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện còn ít, trình độ đại lý thu còn hạn chế nên chưa thuận tiện cho người lao động tham gia. Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện. Sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH chưa thường xuyên”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.