Người nông dân thông thái 3 không, 3 có để nông sản chiếm lĩnh những chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch

Thắng Tình Thứ tư, ngày 28/09/2022 08:00 AM (GMT+7)
Phong trào 3 không, 3 có đã được các hội viên Hội Nông dân hưởng ứng mạnh mẽ, từ đó mỗi hội viên trở thành những nông dân thông thái làm ra các sản phẩm VietGAP, GLOBGAP, OCOP 3 sao, 4 sao… để thẳng tiến vào những chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.
Bình luận 0

Nông dân Nghệ An thực hiện nghiêm 3 không, 3 có

Phát huy những kết quả đã đạt được từ dự án: "Nông dân Nghệ An sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn". Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tiếp tục tổ chức phát động nông dân thực hiện nghiêm 3 có: Có hiểu biết về quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm an toàn. Có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Có trách nhiệm phát giác và ngăn chặn thực phẩm không an toàn.

Người nông dân thông thái với 3 không, 3 có để nông sản chiếm lĩnh những chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính và ông Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An thăm mô hình trang trại lợn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân Lê Quốc Tân xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thắng Tình

Thực hiện 3 không gồm: Không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm. Không kinh doanh chất cấm và nông sản thực phẩm không an toàn, kém chất lượng. Không tiêu dùng nông sản thực phẩm bẩn, nông sản thiếu an toàn.

3 có và 3 không đã được đông đảo hội viên Hội Nông dân trên địa bàn toàn tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ. Đã có hàng chục ngàn nông dân, hộ kinh doanh, chế biến nông sản ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ đó thay đổi nhận thức trong từng việc làm nhỏ nhất của mỗi hội viên, họ thực hiện ngay trong các quy trình sản xuất, chế biến. Từ đó những sản phẩm chất lượng, an toàn được người tiêu dùng đón nhận tăng thu nhập cho người nông dân.

Anh Lê Quốc Tân (SN 1976, trú tại xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) Chi hội trưởng chi hội chăn nuôi nghề nghiệp xã Hưng Nghĩa chia sẻ: "Đến thời điểm hiện tại, phong trào 3 không, 3 có đã thực sự làm thay đổi nhận thức của từng hội viên. Sức khỏe của cộng đồng cũng như chính sức khỏe của bản thân và gia đình mình. Ngày trước người tiêu dùng có thể chạy theo giá rẻ, số lượng chứ bây giờ xã hội phát triển, nhu cầu của người dân cũng tăng lên họ cần những sản phẩm chất lượng, an toàn và trở ngại về giá cũng không thành vấn đề. Vậy nên làm ra sản phẩm sạch, an toàn thì càng có lợi cho người nông dân".

Người nông dân thông thái với 3 không, 3 có để nông sản chiếm lĩnh những chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch - Ảnh 2.

Trang trại lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân xuất sắc Lê Quốc Tân tại xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ảnh: Thắng Tình

Từ vựa rau lớn nhất xứ Nghệ ở các xã bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu, hay đến các mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, hay đến các khu chế biến thủy hải sản… tất cả đều thực hiện nghiêm 3 không, 3 có trong sản xuất, chế biến trở thành những nông dân thông thái, mang đến các sản phẩm an toàn đạt các tiêu chí khắt khe. Từ đó chiếm lĩnh các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, tăng thu nhập cho người dân.

Chỉ đường anh người Mông đưa gà đen thành thương hiệu

Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ hội viên trong quá trình sản xuất, phát triển kinh tế. Thành công của anh Vừ Tồng Pó (SN 1970, tại bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn) là một ví dụ điển hình.

Người nông dân thông thái với 3 không, 3 có để nông sản chiếm lĩnh những chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch - Ảnh 3.

Mô hình nuôi gà đen của nông dân Vừ Tồng Pó, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An hàng năm cung cấp hàng nghìn con gà giống sạch cho thị trường. Ảnh HND

Chàng trai người Mông với nghị lực và quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm, cùng với sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân là người Mông đầu tiên ở Kỳ Sơn áp dụng khoa học công nghệ, phát triển mô hình chăn nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học.

Năm 2018 được tham gia dự án "Phát triển mô hình chăn nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học" do Hội Nông dân tỉnh Nghệ An hỗ trợ, ông Vừ Tồng Pó đã tích cực áp dụng các kiến thức đã được tập huấn, chăm sóc cẩn thận đàn gà giống, nhân rộng mô hình từ con số ban đầu là 350 con lên 1.200 con trên diện tích 500 m2.

Đây là giống gà quý hiếm của đồng bào Mông. Gà đen có đặc điểm chân 5 móng, thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và rất thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà hiện nay, được thị trường ưa chuộng, trở thành món đặc sản trong ẩm thực của người tiêu dùng.

Nhận thấy, nhu cầu của thị trường về tiêu dùng gà đen bản địa và cung ứng gà giống, anh Pó đã vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua máy ấp trứng, máy phát điện tạo cơ sở cung cấp giống gà đen bản địa cho toàn huyện. Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm gia đình anh cung cấp hàng nghìn con gà giống cho thị trường góp phần nâng thu nhập từ chăn nuôi gà lên trung bình 350 triệu đồng/năm.

Người nông dân thông thái với 3 không, 3 có để nông sản chiếm lĩnh những chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch - Ảnh 4.

Mô hình trồng nho đen ứng dụng công nghệ cao tại xã Nghi Trung (Nghi Lộc) mang lại thu nhập cao cho nông dân Ảnh: HND

Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Vừ Tồng Pó còn thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình trong địa phương phát triển mô hình chăn nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học. Anh cũng là chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp đầu tiên của Kỳ Sơn, góp phần phát triển, tập hợp các hộ chăn nuôi gà đen thành Chi hội chăn nuôi gà đen Mường Lống với 15 hộ và 32 thành viên tham gia, quy mô đàn phát triển 7.000 - 10.000 con.

Thành công của anh Pó người Mông là một minh chứng cho sự lan tỏa của các phong trào do Hội Nông dân tỉnh Nghệ An phát động, vai trò của các cấp Hội Nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem