Đây là thứ thực vật nông dân Nghệ An đào lên chỉ lấy rễ làm hương, thắp một que thơm khắp làng
Đây là thứ thực vật nông dân Nghệ An đào lên chỉ lấy rễ làm hương, thắp một que thơm khắp làng
Trần Lan
Chủ nhật, ngày 18/09/2022 05:39 AM (GMT+7)
Rễ cây hương, bã mía cũng có khi trộn lẫn với những lá cây quế, cứ phơi dưới nắng hanh vàng, khô rồi giã, phần bột đem cất riêng, phần còn thô phơi tiếp cứ thế sang tháng 11(âm lịch), khâu chuẩn bị bột hương cũng đã tạm ổn...
Nhìn cây hương trầm tự tay quấn cháy trên bàn thờ gia tiên tỏa hương thơm ngào ngạt, ký ức tuổi thơ lại ùa về trong tâm trí tôi.
Ngày đó đất nước đang thời kỳ bao cấp, đời sống kinh tế người dân còn nhiều khó khăn, ngay cả những cây hương trầm thắp vào những dịp lễ Tết, đều phải tự túc. Theo tục lễ cổ truyền ông cha để lại, các gia đình trong làng đều tự tay làm nên những cây hương trầm để thắp lên bàn thờ gia tiên.
Rễ hương thu hoạch về, rũ sạch đất, rửa sạch, cắt phần rễ già, giả tươi phơi khô đến đâu giả đến đó. Ảnh: XH.
Những cây hương trầm trông đơn giản, nhưng mỗi gia đình đầu tư rất nhiều công sức. Đến tháng 10(al), khi trời đã hết mưa, bão, hai cha con chúng tôi lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu làm hương trầm cho dịp Tết Nguyên đán. Cây rễ hương mọc hoang trên những triền đồi, núi khá xa nhà.
Sáng mai khi gió heo may lành lạnh thổi, hai cha con tôi lại cơm đùm, cơm nắm tiến sâu vào rừng. Ngoài dao, rựa, cuốc… cha tôi còn kèm theo mấy khúc mía đựng trong bao tải phòng khi khát nước. Những hạt sương mai quất vào ống quần ướt sũng, ngẩng mặt lên phía trước bạt ngàn hoa lau trắng, trong trí tưởng tượng ngây thơ của tôi lúc đó cứ nghĩ đến những ngọn cờ lau của Đinh Bộ Lĩnh khi xưa.
Cây rễ hương mọc theo từng lối, ở vùng đất cao, khô ráo. Ảnh: XH
Khi mặt trời đã xua tan màn sương viền trên đỉnh núi, hai cha con tôi cũng đã đến nơi có nhiều cây rễ hương mọc, tôi hớn hở đi tìm, phát quang cho cha đào. Cây rễ hương mọc theo từng lối, cũng có nơi mọc dày ken nhau. Hì hục cả ngày hai cha con cũng đào được một bao tải đầy rễ hương.
Về đến nhà, cha đổ ra đảo cho sạch đất rồi mới đem rửa, sau khi để ráo nước lại bỏ vào cối đá giã cho dập nhỏ. Mới giã tươi, rửa hương bốc mùi thơm nức. Tháng 11 (al), nắng hanh, rễ hương đem phơi ngoài sân khô đến đâu giã đến đó, chừng nào thấy đã có bột nhỏ mới đem dần dày dần lấy bột nhỏ mịn.
Rễ hương là nguyên liệu chính, để có một cây hương trầm thơm còn có nhiều nguyên liệu phụ gia khác. Tháng 10 (al), người dân bắt đầu ép mía lấy mật, khi những đống bã mía ép khô lấy mật, cha bóc những phần xốp phía trong về băm nhỏ, phơi khô cùng với rễ hương trộn lẫn tạo nên một mùi thơm ngọt ngào có hương vị của mật mía.
Rễ hương, bã mía cũng có khi trộn lẫn với những lá cây quế, cứ phơi dưới nắng hanh vàng, khô rồi giã, phần bột đem cất riêng, phần còn thô phơi tiếp cứ thế sang tháng 11(al), khâu chuẩn bị bột hương cũng đã tạm ổn. Phần ngũ vị trộn với bột hương, thường sang tháng chạp mẹ đi chợ mới đến những hàng thuốc bắc để mua.
Bột hương, mã mía, vỏ quế… được trộn với nhau để hương vị thơm ngào ngạt. Ảnh: PV
Loại ngũ vị này thường mẹ phơi riêng ra, giã nhỏ thành bột gói cất kỹ đến khi cha quấn hương dùng thì mới trộn vào.
Thời đó, quê tôi tre còn nhiều lũy tre xanh bao bọc xóm làng. Tháng 10 (al), những cây măng đã chuẩn bị thành cây tre (người làng thường gọi là tre bắt đầu mở lá). Cha chặt một cây tre non đã xoè hết lá chẻ làm chu quấn hương.
Cha đem tre về chặt thành từng khúc theo ý mình, lóc bỏ phần vỏ xanh bên ngoài, phần vỏ lụa trắng bên trong chẻ thành hình vuông to hơn chiếc đũa ăn cơm phơi dưới nắng. Cha lau bốn cạnh, tự khắc chu hương thành hình tròn, phơi thật khô dưới nắng đến ngày sắp sử dụng mới đem cất đi.
Sang tháng chạp, công việc bận rộn, ngày cha mẹ lo cày cấy vụ chiêm, lo chuẩn bị sắm Tết. Tối đến cha lại thắp đèn để quấn hương, cây hương trầm đầu tiên cha thắp lên cắm trang trọng trên bàn thờ tỏa hương thơm ngào ngạt, trời lạnh kèm theo những cơn mưa phùn, hương thơm cứ quẩn quanh bên bàn học của tôi tạo nên một khung cảnh ấm áp, cảm giác như Tết đang về đầu ngõ.
Mỗi khi học xong bài, tôi lại mon men bên cha đòi quấn thử, nhưng không hề đơn giản. Cha hướng dẫn cách trải giấy, rải bột hương làm sao cho đều, rồi cách cuốn sao cho cây hương cân đối không chỗ to, chỗ nhỏ.
Những cây hương trầm quần bằng tay, thương không đẹp mắt nhưng chất lượng, mùi hương dễ chịu, sự kính trọng ông bà tổ tiên. Ảnh: Châu Anh.
Tôi nhìn bàn tay cha thô ráp nhưng sao cuốn những cây hương trầm đẹp làm sao, bao nhiêu sự kính trọng ông bà tiên tổ cha nâng niu dồn vào trong từng động tác, gói ghém tình cảm của mình vào đó.
Ở quê tôi đa số làm nông, mỗi dịp lễ Tết, giỗ chạp thường thấm nhuần lời dạy của ông bà tổ tiên xưa truyền lại "cây hương, bát nước và tấm lòng thành".
Ngày nay công việc mưu sinh bận rộn, con cháu thường đi làm ăn xa, các nhà sản xuất hương phát triển đa dạng. Ngày thường cũng như mỗi dịp Tết đến, xuân về hương trầm các thương hiệu nổi tiếng bán ngoài chợ hay các ki ốt nhiều vô kể.
Những người còn mang tính hoài cổ tâm niệm rằng, cây hương trầm cúng ông bà, tổ tiên do mình làm, dâng cúng sẽ gửi vào đó lòng biết ơn trân quý những người đã khuất.
Cha tôi đã sum họp bên ông bà, tổ tiên. Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, tay tôi lại run run cắm những cây hương tự tay làm lên ban thờ, lòng tôi bỗng rưng rưng một cảm xúc lâng lâng khó tả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.