Nông dân Thủ đô lội mưa rét lấy nước về đồng

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 11/02/2020 07:13 AM (GMT+7)
Mặc dù những ngày qua trời liên tục có mưa, trời rét đậm nhưng bà con nông dân tại một số địa phương của Hà Nội vẫn tích cực xuống đồng đắp bờ, dẫn nước về đồng để chuẩn bị cho vụ cấy đông xuân 2019 - 2020.
Bình luận 0

Chủ động dẫn nước sớm

Ghi nhận của phóng viên Báo NTNN, trên các cánh đồng của xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai) và xã Hiền Giang (huyện Thường Tín), những ngày này bà con nông dân đang hối hả be bờ, san ruộng để dẫn nước về.

Sau khi nước đã về đến thửa ruộng nhà mình, đôi tay nhanh thoăn thoắt đắp bờ để giữ nước, ông Đỗ Đình Lộc (thôn Quan Nhân, xã Thanh Văn) cho biết, năm nay do thời tiết lạnh và lại nhuận 2 tháng 4 nên vụ đông xuân cấy muộn hơn so với năm trước.

“Buổi sáng nghe thông báo của thôn bắt đầu lấy nước vào ruộng nên tôi cầm cuốc, bồ cào ra đồng để đắp bờ, dẫn nước vào rồi dọn cỏ xung quanh ruộng để sẵn sàng gieo cấy” - ông Lộc nói.

img

Ông Đỗ Đình Lộc, thôn Quan Nhân (xã Thanh Văn, Thanh Oai) đang be bờ, vệ sinh đồng ruộng để giữ nước trên thửa ruộng của nhà mình. Ảnh: M.N

Vụ hè thu năm trước, gia đình ông Lộc thắng lớn với giống lúa Bắc thơm 7, đạt năng suất 1,7 - 2 tạ/sào nên vụ này ông tiếp tục trồng giống lúa Bắc thơm 7 trên diện tích 1,5 mẫu.

Được biết, trong nhiều năm trở lại đây Thanh Văn là một trong những xã trọng điểm về trồng lúa của huyện Thanh Oai, với thương hiệu gạo tiến vua “Bồ Nâu Thanh Văn”. Hiện, toàn bộ diện tích trồng lúa của xã Thanh Văn đều trồng giống Bắc thơm 7, hiệu quả kinh tế đạt 250 triệu đồng/ha/năm.

“Cấy giống lúa Bắc thơm 7 cho hạt đều, thời gian sinh trưởng ngắn, ngon cơm mà bán cũng được giá cao nên vụ này gia đình tôi tiếp tục cấy. Tuy nhiên năm nay, do thời tiết khắc nghiệt nên một số diện tích mạ đã gieo bị chết, phải gieo lại” - ông Lộc chia sẻ.

Cách ruộng của nhà ông Lộc không xa, bà Đàn Thị Huyền (thôn Quan Nhân) cũng đang tất bật dẫn nước, gia cố bờ ruộng, tổ chức làm đất sớm để tận dụng nguồn nước ngay những ngày đầu lấy nước đợt 2.

“Các thửa ruộng của nhà tôi đều ở trên đồng cao nên phải dẫn nước về sớm để làm đất, gieo cấy đúng khung thời vụ. Cũng may mấy hôm nay trời mưa nên đã bổ sung nguồn nước quý giá giúp đồng ruộng đủ nước đổ ải” - bà Huyền cho biết.

Hỗ trợ giống cho nông dân

img

img

Gia đình Bà Trần Thị Vinh, xã Hiền Giang (huyện Thường Tín) vụ này chỉ cấy được 2 sào ruộng, còn 3 sào ruộng thường xuyên mất nước nên đành phải bỏ không.  (ảnh: Minh Ngọc)

Xác định vụ đông xuân là vụ sản xuất quan trọng trong năm, bởi vậy, huyện Thường Tín phấn đấu gieo trồng khoảng 4.400ha lúa, với các giống chủ lực như Thiên ưu 8, TBR 225, Bắc thơm số 7, Bắc thơm kháng bạc lá HDT10… Để chuẩn bị giống lúa có chất lượng phục vụ sản xuất, huyện Thường Tín đã cấp tổng số trên 95 tấn thóc giống theo mức hỗ trợ 50% giá giống cho 100% diện tích các xã, thị trấn; hỗ trợ 100% giá giống lúa và tiền phân bón 130.000 đồng/sào cho các mô hình khảo nghiệm giống lúa mới. 

Qua kiểm tra thực tế sản xuất tại một số địa phương mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao công tác chỉ đạo sản xuất, lấy nước đổ ải phục vụ vụ đông xuân.

Thứ trưởng đề nghị, hiện nay yếu tố nước và thời tiết thuận lợi, các địa phương, người dân cần tranh thủ gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, cố gắng phấn đấu hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân các tỉnh miền Bắc trước ngày 29/2/2020.

Đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta tiếp tục có một vụ đông xuân thắng lợi.

“Vụ đông xuân này chúng tôi tiếp tục được huyện hỗ trợ 50% giá giống lúa nên bà con rất phấn khởi. Vụ này nhà tôi cấy 4 sào, đến giờ gần như đã làm đất xong” - chị Nguyễn Thị Thùy, xã Hiền Giang (huyện Thường Tín) cho biết.

“Năm nay tiền công bừa là 110.000 đồng/sào, tiền công thuê cấy cao quá, 310.000 đồng/sào nên trừ chi phí, 4 sào lúa của gia đình tôi chắc cũng chỉ đủ ăn” - chị Thùy nói thêm.

Trong khi đó, bà Trần Thị Vinh ở xã Hiền Giang cho biết: “Gia đình tôi có 5 sào ruộng, nhưng vụ này chỉ cấy được 2 sào, vì 3 sào kia ở trên đồng cao nên không giữ được nước, đành phải bỏ cấy. Ngoài ra, tiền công bừa cao nên với những hộ gia đình có diện tích cấy ít như nhà tôi, trừ chi phí gần như không có lãi, chưa tính đến lúa bị sâu bệnh, chuột bọ cắn phá. Nếu không được hỗ trợ giống lúa thì nông dân rất khó khăn”.

Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, tính đến ngày 6/2, diện tích gieo mạ toàn thành phố vụ đông xuân 2019 - 2020 là 4.565ha, đạt 100% kế hoạch; diện tích gieo cấy đạt 17.649ha (bằng 19,6% kế hoạch); diện tích làm đất 55.649ha (đạt 61,9%).

Sau lấy nước đợt 2 (từ ngày 5-9/2), Hà Nội đã cấp đủ nước sản xuất cho 75.582ha, đạt 83% diện tích. Trong đó 5 quận, huyện đã cơ bản lấy đủ nước, 8 quận, huyện, thị xã đã lấy đủ nước cho từ 83 - 90% diện tích.

Để tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện và đảm bảo đủ nước gieo cấy hết 100% diện tích lúa xuân 2020 trong đợt xả nước thứ 2, Sở NNPTNT Hà Nội đã có công văn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp thủy lợi tập trung rà soát, điều chỉnh kế hoạch lấy nước phù hợp với điều chỉnh lịch lấy nước đợt 2 và dự kiến không xả tăng cường đợt 3. Tổ chức vận hành tối đa công trình thủy lợi để tập trung cấp nước phục vụ gieo cấy, tích trữ vào hệ thống kênh mương, ao, hồ, vùng trũng... để dành cho tưới dưỡng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem