Nông dân "thủ phủ" ươm cây giống lâm nghiệp của Phú Thọ mong được gỡ khó

Hoan Nguyễn Thứ tư, ngày 10/01/2024 06:16 AM (GMT+7)
Xã Ngọc Quan (huyện Đoan Hùng) được xem là "thủ phủ" ươm cây giống của tỉnh Phú Thọ. Nghề ươm cây giống Ngọc Quan đã có từ vài chục năm nay, tạo việc làm và mang lại thu nhập chính, giúp cuộc sống người dân khấm khá, làm giàu.
Bình luận 0

Khấm khá từ nghề ươm cây giống lâm nghiệp

Đối với người dân xã Ngọc Quan (huyện Đoan Hùng, tỉnh phú Thọ), ươm cây giống lâm nghiệp (mỡ, keo, bạch đàn, thông, quế, hồi...) là nghề mũi nhọn, đem lại thu nhập ổn định.

Nông dân "thủ phủ" ươm cây giống lâm nghiệp của Phú Thọ mong được gỡ khó- Ảnh 1.

Xã Ngọc Quan được xem là "thủ phủ", chuyên sản xuất cây giống lâm nghiệp của Phú Thọ. Ảnh: Hoan Nguyễn

Theo các chủ vườn, việc sản xuất cây giống lâm nghiệp bắt đầu bằng việc làm đất, đóng bầu, gieo hạt giống và chăm sóc cây giống. Tùy từng loại cây giống sẽ có thời gian nảy mầm, phát triển khác nhau; khi cây đủ tiêu chuẩn người làm vườn sẽ xuất bán ra thị trường.

Chị Âu Thị Hồng (khu 11, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) cho biết, trước đây, ruộng đồng chủ yếu cấy lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Gần 10 năm trở lại đây, gia đình chị chuyển đổi sang ươm cây giống lâm nghiệp (keo, quế…). Ươm cây giống mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa, giúp gia đình chị có thu nhập, nâng cao đời sống.

"Từ nay đến Tết Nguyên đán 2024, gia đình sẽ rất bận rộn để kịp xuất bán gần 40 vạn cây giống các loại cho khách hàng khắp mọi miền. Trừ chi phí, gia đình lãi đến vài chục triệu đồng. Nhờ nghề ươm cây giống, nhà tôi và nhiều gia đình khác trong làng vươn lên khấm khá, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm mọi đồ dùng, thiết bị điện tử, chăm lo cho con cái học hành...", chị Hồng phấn khởi nói.

Nông dân "thủ phủ" ươm cây giống lâm nghiệp của Phú Thọ mong được gỡ khó- Ảnh 2.

Đây là cao điểm xuất bán cây giống lâm nghiệp các loại của gia đình chị Âu Thị Hồng ở khu 10. Ảnh: Hoan Nguyễn

Những ngày này, tại vườn ươm của gia đình bà Đặng Thị Xuân Thi (khu 10, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ), không khí lao động sản xuất cây giống phục vụ cho vụ Xuân sắp tới rất nhộn nhịp. Người xúc đất, người đóng bầu, người tất bật chăm sóc cây giống, người vận chuyển cây giống lên xe...

Bà Thi vừa thoăn thoắt đảo, chọn lấy cây keo giống đủ tiêu chuẩn xuất bán cho khách hàng tận Tây Nguyên vừa cho biết, gia đình bà là một trong những hộ đầu tiên ở xã làm nghề ươm cây giống tập trung, quy mô hàng hóa lớn. Tính đến nay, gia đình đã có gần 30 năm kinh nghiệm sản xuất cây giống lâm nghiệp.

Theo lời bà Thi, trước đây, cả khu vườn ươm giống này là đất ruộng chiêm trũng, trồng lúa, thu nhập rất bấp bênh, nên cuộc sống khó khăn, túng thiếu liên miên. Vào những năm 1990, nhận thấy nhu cầu trồng rừng của người dân ngày càng cao, nhiều thương lái lục mua giống cây, nên gia đình bà Thi chuyển đổi ruộng lúa sang làm mô hình ươm cây giống lâm nghiệp.

"Ban đầu, gia đình ươm với số lượng ít, chỉ vài vạn cây keo, bạch đàn, cây bản địa. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật nên cây giống bị chết nhiều. Rồi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ở đâu trong địa phương mở lớp tập huấn về cây trồng là tôi tham gia. Đến nay, mỗi năm bình quân gia đình sản xuất hơn 80 vạn cây giống lâm nghiệp các loại. Khách hàng của vườn ươm đã mở rộng trên phạm vi cả nước từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh trồng rừng lớn như Yên Bái, Hà Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đắk Lắk, Lâm Đồng" - bà Thi nói.

Nông dân "thủ phủ" ươm cây giống lâm nghiệp của Phú Thọ mong được gỡ khó- Ảnh 3.

Nghề ươm cây giống lâm nghiệp đã mang lại cho gia đình bà Đặng Thị Xuân Thi thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho nhiều lao động dôi dư ở địa phương. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Bây giờ đầu ra của cây giống rất tốt. Chúng tôi chỉ cần chốt đơn, thanh toán qua điện thoại; đến ngày giao hàng là thuê lao động bốc cây giống lên xe tải vận chuyển cho khách hàng. Cả chủ vườn cây giống và người mua đều nhàn, không mất nhiều công sức, thời gian, chi phí tàu xe đi lại mà vẫn có được những chuyến cây giống chất lượng, đạt tỷ lệ trồng sống cao", bà Thi phấn khởi nói.

Được biết, các loại cây giống của gia đình bà Thi không chỉ bán trực tiếp tại vườn ươm mà còn được chụp ảnh, đăng thông tin bán trên trang mạng xã hội Facebook, zalo… Vì vậy, càng nhiều người biết đến và lượng khách đặt hàng càng lớn.

Bà Thị cho biết thêm, sau khi trừ chi phí, vườn ươm cây giống của gia đình bà mang về tiền lãi hơn 200 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 2-3 lao động thường xuyên tại địa phương, với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Nông dân "thủ phủ" ươm cây giống lâm nghiệp của Phú Thọ mong được gỡ khó- Ảnh 4.

Người dân cải thiện cuộc sống nhờ nghề ươm cây giống lâm nghiệp. Ảnh: Hoan Nguyễn

Bà Đỗ Thị Thanh Hà - Bí thư Chi bộ khu 10, xã Ngọc Quan cho biết, xã Ngọc Quan có truyền thống sản xuất cây giống lâm nghiệp và nổi tiếng của tỉnh Phú Thọ. Nghề ươm cây giống lâm nghiệp đến nay đã có gần 30 năm. Tính riêng khu 10 xã Ngọc Quan có 154 hộ gia đình, hộ nào cũng trồng cây giống.

Từ ươm cây giống lâm nghiệp đã đem lại cho các hộ thu nhập từ 50 - 300 triệu đồng/năm. Qua đó, giúp người dân cải thiện cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

"Hộ ít cũng 10-20 vạn cây/năm, hộ nào nhiều đến cả 100 vạn, mang lại nguồn thu nhập chính, ổn định cho người dân. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân trong khu cao hơn các khu khác, đạt 49,5 triệu đồng/người/năm" - bà Hà nói.

Chuyển đổi đất lúa sang đất trồng cây giống lâm nghiệp gặp khó

Tuy nhiên, Bí thư Chi bộ khu 10, xã Ngọc Quan cũng cho biết thêm, hiện người dân trồng cây giống lâm nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa kém hiệu quả sang đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm, sử dụng vào mục đích trồng cây giống lâm nghiệp.

Theo đó, thời gian qua, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém sang trồng cây giống lâm nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất và giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác.

Tuy nhiên, trên thực tế việc sản xuất cây giống vẫn quy mô nhỏ lẻ. Nhiều hộ dân có nhu cầu được chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang đất trồng cây giống lâm nghiệp vẫn khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai. Bên cạnh đó, người dân cũng chưa nhận được chính sách đặc thù hỗ trợ việc trồng cây giống lâm nghiệp nên chưa khuyến khích được nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư với quy mô lớn...

Nông dân "thủ phủ" ươm cây giống lâm nghiệp của Phú Thọ mong được gỡ khó- Ảnh 5.

Người dân ở xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ mong được tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu sang trồng cây hàng năm, lâu năm. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Để nông dân thực sự yên tâm, đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nghề ươm cây giống lâm nghiệp quy mô tập trung chuyên nghiệp, chúng tôi đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Phú Thọ hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi đất lúa sang đất trồng cây hàng năm, lâu năm" - bà Hà nêu kiến nghị.

Đồng thời, bà Hà cũng đề xuất chính quyền địa phương có các chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng kết cấu hạ tầng; thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất; thành lập tổ hợp tác, HTX về vùng trồng cây giống lâm nghiệp; xây dựng thương hiệu, hướng đến phát triển thành làng nghề sản xuất cây giống lâm nghiệp chủ lực của huyện, của tỉnh. Từ đó, nghề ươm cây giống của xã Ngọc Quan có những bước chuyển bền vững, không ngừng nâng cao giá trị cây trồng, thu nhập người dân; góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiệu quả ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem