Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Phú Thọ giảm xuống còn 4,49%

Hoan Nguyễn Thứ tư, ngày 13/12/2023 14:09 PM (GMT+7)
Tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Phú Thọ giảm xuống còn 4,49%. Đời sống vật chất, tinh thần và diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi ở tỉnh Phú Thọ đã có những bước chuyển quan trọng, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã khó khăn cũng giảm nhanh.
Bình luận 0

Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc có diện tích tự nhiên hơn 3.534km2, với 11 huyện, 1 thành phố, 1 thị xã và hơn 200 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có dân số hơn 1,4 triệu người, với hơn 30 dân tộc sinh sống.

Địa phương này có 58 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tập trung tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy và Đoan Hùng).

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Phú Thọ giảm xuống còn 4,49% - Ảnh 1.

Tỉnh Phú Thọ phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5%/năm. Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thay đổi diện mạo nông thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ở Phú Thọ. Ảnh: Hoan Nguyễn


Năm 2023, Phú Thọ đã thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với 15/15 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, quy mô kinh tế của tỉnh ước đạt trên 100.000 tỷ đồng (tăng gần 10.700 tỷ đồng so với năm 2022); tốc độ tăng trưởng đạt 7,58%, nằm trong nhóm 15 địa phương có tốc độ tăng trưởng cao cả nước, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Huyện miền núi Yên Lập với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2021-2023, huyện có 16 xã và 1 thị trấn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 70 thôn đặc biệt khó khăn là đối tượng ưu tiên của chương trình.

Trong những năm qua, huyện Yên Lập đã tập trung các nguồn vốn đầu tư cho chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng các công trình hạ tầng cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn bằng những việc làm cụ thể: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; giúp nhau về vốn, cây con giống, vật tư, kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ngày công lao động… 

Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đến nay còn 11,8%; thu nhập bình quân đạt 37 triệu đồng/người/năm, 100% trường lớp xây dựng kiên cố, hơn 97% hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Phú Thọ giảm xuống còn 4,49% - Ảnh 3.

Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được huyện Yên Lập tập trung hỗ trợ các hộ dân có ý thức vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Ảnh: Hoan Nguyễn

Hưng Long từng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Lập. Trong những năm qua, từ các nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo phát triển kinh tế xã hội của địa phương, xã Hưng Long đã có hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang, kiên cố. 

Ông Đỗ Mạnh Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Long nhấn mạnh, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được xã Hưng Long tập trung triển khai hiệu quả, giúp người dân nghèo dân tộc thiểu số của xã xóa đói, thoát nghèo nhanh, bền vững. Từ đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực thay đổi tập quán, kỹ thuật sản xuất của người dân, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần rõ rệt…

Bí thư xã Hưng Long Đỗ Mạnh Hà cũng cho biết thêm, năm 2023, thu nhập bình quân người dân trong xã đạt 53 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,5%; 100% đường giao thông được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt; 85% người dân tham gia BHYT; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; xã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; có 2 khu dân cư đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ Phạm Thị Thu Hương, sau hơn hai năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả tích cực, khả quan. Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Phú Thọ giảm xuống còn 4,49% - Ảnh 4.

Từ nguồn vốn ưu đãi nhiều hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Thọ mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập; vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Kết quả rà soát, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 4,49% (giảm 0,7% so với năm 2022), tỷ lệ hộ cận nghèo còn 3,65% (giảm 0,53%). Đến nay, 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ BHYT; hơn 340.000 lượt học sinh, sinh viên được hưởng các chính sách ưu đãi giáo dục; hơn 90.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi", Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ Phạm Thị Thu Hương cho biết.

Tuy nhiên, do địa hình miền núi, giao thông đi lại khó khăn, việc áp dụng tiến bộ khoa học để phát triển sản xuất còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ vẫn chưa tự cân đối được thu, chi; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn cao; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp; đối tượng cần thực hiện hỗ trợ về nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt còn nhiều. Do đó, tỉnh Phú Thọ rất cần sự vào cuộc giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương và các địa phương có điều kiện kinh tế khá hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem