Ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu (Tây Ninh), ai cũng biết ND trồng mía giỏi Nguyễn Trọng Hòa. Cách đây 14 năm khi Nhà máy Đường Buor – bon xây dựng tại quê mình, anh Hòa cùng hàng trăm hộ ND trồng mía theo quy mô trang trại đã ký hợp đồng trồng mía nguyên liệu với nhà máy (anh Hòa trồng 6ha).
Tuy trồng mía nhưng anh Hòa băn khoăn khi thấy vườn cây cao su của bà con trong xã Tân Hưng và nhiều nơi khác ở Tây Ninh bị các loại bệnh, nấm hại, nhất là khi cao su nhiều năm tuổi, cây cao rất khó phun thuốc chữa trị. Anh quyết tâm nghiên cứu sáng chế máy phun thuốc cho cao su.
|
Anh Hòa (trái) bên máy phun thuốc cho cao su. |
Với kiến thức được học Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh cộng với kinh nghiệm trồng mía, anh Hòa dùng máy xịt thuốc trị cào cào (châu chấu) sử dụng nhưng không có hiệu quả vì lực đẩy yếu. Không chịu thua, anh nghĩ tới việc dùng máy quạt công nghiệp có chức năng làm mát nhà xưởng, nơi đông người… làm phụ kiện đẩy thuốc bảo vệ thực vật lên cao.
“Trong hơn ba tháng, tôi làm và thử nghiệm hai lần nhưng đều thất bại, đến lần thứ ba mới thành công” - anh Hòa tâm sự.
Đứng bên máy phun thuốc bảo vệ thực vật trị bệnh hại trên cây cao su đặt trên rơ – moóc đầu máy kéo hiệu FooD300, anh Hòa cho hay: Máy tạo lực đẩy mạnh, luồng thuốc có khả năng phun cao trên 20m và diện phủ rộng hoàn toàn. Máy này thay thế phương pháp phun tay và hay bị giới hạn về chiều cao.
Nếu dùng máy phun cho cây cao su có đường lô đất thì 15 bình (tương đương 700 lít thuốc) phải phun trong 4 giờ, diện tích phun 15ha mà chỉ cần một lao động vừa lái máy vừa pha chế thuốc vừa điều khiển phun, trong khi cùng thời gian phải 4 lao động mới phun xịt được 1ha.
Tại Hội thi sáng tạo KHKT do tỉnh Tây Ninh tổ chức năm 2011, “Máy phun thuốc cao su bị nấm bệnh do anh Nguyễn Trọng Hòa sáng chế đạt giải Nhì. Máy của anh được tỉnh Tây Ninh chọn dự thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc sắp tới.
Khuynh Diệp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.